Vườn dổi của gia đình ông Bùi Văn Hền.
(HBĐT) - Lần đầu có mặt tại xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tôi không khỏi háo hức tìm tòi, khám phá nhiều điều. Dự định là thế nhưng vừa đặt chân đến Chí Đạo tôi bị ấn tượng ngay bởi những vườn cây dổi đẹp đến mê hồn.
Cây dổi của đại ngàn
Nhớ lại những năm 1970 của thế kỷ trước, cán bộ xuống công tác cơ sở ai cũng như ai đều đi bộ. Trèo đèo, lội suối hàng ngày đường rất gian nan vất vả. Bù lại, thật thú vị mỗi khi được xuyên qua đại ngàn ngút xanh. Nhớ nhất là những lần nghỉ chân trong cánh rừng dổi. Những cây dổi cao vút, đường kính có tới vài người ôm tỏa bóng rợp trời. Dưới tán xanh, cao và thẳng ấy, chúng tôi tựa lưng vào gốc dổi vừa nắm những nắm nếp nương đồ ăn cùng thịt gà nấu với măng chua thơm lừng hạt dổi. Rừng dổi cho chúng tôi bóng mát. Hạt dổi cho chúng tôi hương vị thơm ngon. Gốc dổi cho chúng tôi tựa lưng... Một thoáng nghỉ trưa sâu đằm giữa đại ngàn êm ru tiếp sức chúng tôi vững bước dặm dài.
Vào mùa xuân, từng chùm hoa dổi trắng như sữa bung nở đầu cành. Cuối tháng 9, dổi chín đỏ cây, từng chùm, từng chùm rủ xuống chờ ngày hạt dổi đậu đất. Trước đây, người miền núi đi rừng nhặt lấy hạt dổi mang về đựng vào ống nứa cất trên gác bếp. Mỗi khi dùng thì lấy ra vài hạt nướng bằng cặp nặp trên than củi ửng hồng. Hạt dổi nướng thơm lừng được giã cùng muối trắng khô kỹ đựng trong vỏ quả bầu già làm thành muối dổi. Muối dổi dùng để chấm thịt gà, thịt lợn và làm gia vị cho nhiều món ẩm thực độc đáo. Không những thế, hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc xoa bóp rất tốt.
Cây dổi là một loài gỗ quý, thớ rất mịn, không cong vênh lại rất thơm. Vì thế từ xưa đến nay gỗ dổi rất được ưa chuộng. Những cái cửa, cánh cửa, bàn ghế bằng gỗ dổi bóng đẹp và sang trọng. Những bộ phản gỗ dổi hai tấm một chiếu như những phiến đá nâu vàng óng ả dẫn dụ giấc ngủ thần tiên. Buồn thay, những rừng dổi bạt ngàn khắp nơi chịu chung số phận bi thương vì chúng ta cơ bản đã phá xong rừng. Những cây dổi hiếm hoi còn lại của bản như cây đa đầu làng dưới xuôi rồi cũng bị triệt hạ.
Cây dổi trở lại bản làng
May sao còn sót lại một vài cây dổi trong vườn nhà. Rừng dổi không còn. Cây dổi của chung không còn. Nhu cầu dùng hạt dổi của không chỉ bà con miền núi mà các nhà hàng đặc sản miền xuôi ngày càng tăng. Hạt dổi từ chỗ đi nhặt nay phải đi mua. Từ chỗ xin nhau, nay phải đổi bằng tiền.
Công đầu ươm cây dổi từ hạt ở Hòa Bình phải kể đến là các gia đình ông Bùi Văn Hền, Bùi Văn Biền, Bùi Thị Siền... ở các xóm Be Trên và Be Trong của xã Chí Đạo. Từ hạt của một vài cây dổi do ông cha để lại, họ mày mò ươm, trồng và cấp cây con cho các gia đình trong xóm cùng trồng. Tính đến năm 2014, toàn xã Chí Đạo có trên 1 vạn cây dổi các độ tuổi đan xen, các xóm Be Trên, Be Trong nhà nào cũng trồng dổi. Nếu là thứ cây khác thì con số này cũng đã quý, đối với cây dổi thì mừng hơn, quý hơn nhiều vì đây là cây gỗ quý, cây lâu năm, cây của rừng...
Người dân Hòa Bình mỗi năm có hai lần ăn tết to, đó là Tết Nguyên Đán và Tết Độc Lập. Thật thú vị mùa thu hạt dổi đúng vào tháng 9 hàng năm. ông Bùi Văn Hền chủ của vườn dổi gần 100 cây, trong đó có tới một phần ba số cây tới tuổi cho hạt kể: Trước mồng 2/9, người mua buôn hạt dổi khắp nơi có mặt tại Chí Đạo. Họ đặt hàng, ứng tiền mua hạt dổi. Có tiền, cái Tết Độc Lập của bà con thêm to, thêm vui. Sau 2/9, khoảng 10 - 15 ngày cả bản tấp nập như hội. Nhà nhà thu hái hạt dổi, đường làng tấp nập kẻ bán, người mua. Lúc đó nếu anh đến thì chúng tôi đang ở trên cây.
Đến Chí Đạo, thấy cây dổi, vườn dổi bà con người Mường gây dựng lại đang ngợp bóng mà rưng rưng. Hạt dổi đang giúp người dân Chí Đạo xóa đói, giảm nghèo. Có gia đình bắt đầu thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng, gần trăm triệu đồng từ hạt dổi. Huyện Lạc Sơn đang làm thủ tục xây dựng và đăng ký thương hiệu cho hạt dổi Chí Đạo là điều rất mừng.
Ngút một tầm nhìn
Đầu bài viết tôi đã thú nhận mình bị ấn tượng chính là cây dổi, vườn dổi, rừng dổi chứ không chỉ hạt dổi. Trước đây, dân ta chờ quả dổi chín hạt rụng xuống đất mới nhặt lấy. Nay đến mùa dổi chín thì trèo lên cây hái từng chùm quả. Hai cách nhặt và hái không chỉ khác nhau về động tác mà thực ra đang tạo sự chênh lệch về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây dổi cho hạt. Dổi chín rụng là hạt dổi đã già, chất lượng, năng suất đều cao. Dổi hái cả chùm sẽ có quả chín, quả chưa chín nên chất lượng không đồng đều, năng suất bị ảnh hưởng. Không những thế lại còn tốn công trèo hái vất vả và nguy hiểm vì cây dổi rất cao.
Ở đây, nếu khắc phục được việc này mà thực ra hoàn toàn dễ khắc phục vì nay cả bản đều trồng dổi. Và khi đó, mùa thu hoạch hạt dổi, gia chủ chỉ việc dọn sạch vườn hoặc trải bạt dứa dưới gốc để hạt rụng xuống rồi thu lại. Như vậy sẽ không phải hái cả quả chưa chín, không phải vất vả trèo cây, đỡ tốn công sức và tránh được nguy hiểm.
Bà con xóm Be Trong cho biết, giá hạt dổi hiện nay là 2.130.000 đồng/kg. Các gia đình ông Hền, ông Biền, bà Siền mỗi năm thu từ 60 - 100 triệu đồng. Nhưng sẽ đến lúc tiền thu hạt cả vườn không bằng tiền bán vài cây gỗ dổi. Giá gỗ dổi hiện tại trên thị trường khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m3. Dổi là cây gỗ to và rất thẳng nên một cây tính ra thì nhiều m3 gỗ. Các vườn dổi của bà con Chí Đạo hôm nay đang đan xen vài độ tuổi. Vậy sẽ đến kỳ cho phép chủ nhân của nó khai thác tỉa lấy gỗ.
Thật vô cùng ấn tượng khi trong vườn dổi, dưới tán dổi là những nếp nhà sàn thanh bình, vững chãi. Hiện hữu ấy tiếp mở con đường liên tưởng trong tôi. Đó là nhưng ngôi nhà sàn hoành tráng hoàn toàn bằng gỗ - gỗ dổi. Nhà sàn gỗ dổi tọa lạc trong vườn dổi, dưới những tán dổi ngày đêm rì rào giai điệu bình yên.
Với địa thế tương đối bằng phẳng lại có đường nhựa từ thị trấn Vụ Bản chạy qua thông với Chợ Lồ của Tân Lạc, kỳ vọng trong tương lai xã Chí Đạo sẽ là một điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn. Nếu ví làm du lịch như may một chiếc áo mới thì hai xóm Be của Chí Đạo đã có sẵn vải đẹp. Một khi địa phương và bà con bắt tay vào làm du lịch thì chỉ như dùng vải ấy máy thành chiếc áo đẹp mà thôi. Tin rằng chỉ một thời gian ngắn du khách tới đây đông không kém gì bản Lác của Mai Châu. Tôi nghĩ, cái độc nhất vô nhị ở đây là Khu du lịch vườn dổi. Rất mong lãnh đạo huyện Lạc Sơn quan tâm, cán bộ và nhân dân xã Chí Đạo chú tâm bắt tay vào biến tiềm năng du lịch vườn dổi thành hiện thực.
L.V
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ ngày 1/7/2011, các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh không thu phí trông giữ các loại xe đạp, mô tô, ô tô ra vào bệnh viện.
(HBĐT) - Theo Sở GT-VT, hiện nay, UBND các huyện, thành phố quản lý 57 cầu treo, tập trung ở các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu. Tuy nhiên, phần lớn các cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và trở thành mối nguy đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
(HBĐT) - Nhờ quyết liệt thực hiện phương châm “vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người nghiện ma túy”, thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy (TNMT) trên địa bàn huyện Mai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa bàn được giữ vững, không để ma túy xâm nhập.
(HBĐT)- Theo số liệu của Công an tỉnh, toàn tỉnh có trên 1.700 người xuất cảnh trái phép đi lao động tự do ở nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan. Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Yên Thủy, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc. Số lao động này chủ yếu do tự phát, nhận thức pháp luật hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và bị rủ rê, lôi kéo, lừa gạt.
(HBĐT) - Là một trong những cái nôi phong trào cách mạng của tỉnh, trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Mường Khói là nơi các lực lượng cách mạng và nhân dân huyện Lạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên của tỉnh. Về Mường Khói trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi như được sống lại ký ức mùa thu cách mạng cách đây 69 năm...
(HBĐT) - Trong không khí sôi động, ồn ào của nhịp sống hiện đại, đó đây vẫn còn những hình ảnh lam lũ, truân chuyên với bao nghề lao động vất vả, nhọc nhằn. Trong đó có nghề giao than tổ ong.