Tết Nguyên đán là dịp sum vầy ý nghĩa của các gia đình xã Mường Chiềng, khiến mùa xuân tràn ngập yêu thương.
Lên Đà Bắc ngay trước thềm Tết cổ truyền của dân tộc, ông Trịnh Đức Thắng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank Hòa Bình đã trao tặng 50 suất quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tiền Phong. Đại diện Ngân hàng cho biết, Agribank Hòa Bình đã có 15 năm thực hiện việc giúp đỡ hai xã Vầy Nưa và Tiền Phong. Trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm, những phần quà thiết thực được trao tận tay bà con nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần mang đến cho các gia đình niềm vui ấm áp trong mùa xuân yêu thương.
Được biết, cũng trên địa bàn huyện Đà Bắc còn có một dấu ấn đặc biệt của Agribank Hòa Bình. Tại Trường TH&THCS Yên Hòa, ngân hàng đã hỗ trợ xây dựng nhà bán trú và các công trình phụ trợ với số tiền lên tới 4 tỷ đồng. Trước thềm năm học 2024 - 2025, công trình đã được khánh thành, tạo thêm động lực phấn đấu cho thầy và trò nơi đây.
Huyện vùng cao Đà Bắc là nơi sinh sống tập trung của đồng bào các dân tộc thiểu số với gần 90% dân số toàn huyện, chủ yếu là các dân tộc: Tày, Mường, Dao, Thái... Các dân tộc có truyền thống, bản sắc và giá trị văn hóa khác nhau nhưng cùng chung sống đoàn kết, gắn bó, tạo nên hệ giá trị tốt đẹp. Trong đó, cộng đồng dân tộc Tày đang nỗ lực lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện rõ nét trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo những người am hiểu về văn hóa dân tộc Tày ở Đà Bắc kể lại: Tết Nguyên đán không chỉ là dịp các gia đình sum họp, quây quần, mà còn là dịp đặc biệt để tổ chức các hoạt động ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Điển hình như việc tổ chức lễ Tạ ơn thầy Mốt Lao - người chuyên đi cúng xin vía cho mọi người khi ốm đau. Lễ Tạ ơn thực chất là một nghi thức tâm linh mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày nay không còn duy trì do trình độ khám, chữa bệnh đã được nâng cao, mặc dù thầy Mốt Lao vẫn còn tồn tại để xin vía cho cộng đồng.
Ngoài ra, cộng đồng người Tày ở Đà Bắc còn có một tín ngưỡng dân gian đặc sắc trong dịp Tết Nguyên đán: Lễ hội Xên Bản, Xên Mường. "Xên” có nghĩa là "cầu", thường được tổ chức sau Tết, vào ngày mồng 6 hoặc mồng 8 tháng Giêng hàng năm tuỳ theo địa phương. Theo sách cổ ghi chép lại thì Xên Bản có quy mô thôn, chỉ mổ lợn, gà, vịt và phải có cá suối hoặc cá ao. Còn Xên Mường thường ở quy mô vài mường (ở cấp vùng) và được mổ trâu. Ngày nay, một bộ phận cộng đồng người Tày Đà Bắc còn lưu giữ lễ hội Xên Bản, tổ chức nhằm tôn vinh những người đến trước khai phá đất hoang thành bản làng như ngày nay và cầu mong năm mới an lành, tốt đẹp. Lễ hội Xên Bản được bà con trong cộng đồng người Tày duy trì từ đời này qua đời khác, được nhà nước khuyến khích tổ chức mỗi khi Tết đến, xuân về để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đến với Đà Bắc mùa xuân này, nhất là các địa bàn tập trung đa số đồng bào dân tộc Tày như Vầy Nưa, Mường Chiềng... sẽ thấy tràn ngập niềm vui và mang đậm bản sắc văn hóa. Bà con nơi đây phấn khởi đón chào năm mới bằng cách tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng với các trò chơi dân gian quen thuộc, như khua lóng, đẩy gậy, kéo co, ném còn, thi bắn nỏ... Trẻ con được hướng dẫn các trò chơi bịt mắt đánh trống, thi đấu cù quay, thi giành cờ… Người lớn thì tham gia vòng xòe, hát đối khắp giao duyên... Tất cả tạo nên bầu không khí hân hoan, thắp sáng mùa xuân tràn ngập yêu thương mở đầu một năm mưa thuận, gió hòa, lòng người phơi phới tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
Khánh An