Lời tòa soạn: Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây, thiên nhiên trong lành, cảnh quan đẹp, kỳ thú và hấp dẫn; con người hiền hòa, thân thiện. Mai Châu ẩn chứa trong mình nét bản sắc văn hóa độc đáo mà không phải địa phương nào cũng có được. Miền cao này đã tạo biết bao cảm hứng cho các nhà báo và các văn nghệ sĩ có được các tác phẩm đi vào lòng người. Du khách trong và ngoài nước khi đến Mai Châu đều nằm lòng câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Mai Châu trong quá khứ và hiện tại luôn khiến bạn đọc muốn quan tâm, tìm hiểu. Trong chuyên mục Mai Châu trên Báo Hòa Bình điện tử , sẽ lần lượt đăng tải các nội dung tổng quan về Mai Châu để cung cấp cho bạn đọc về huyện vùng cao này.


            Ảnh: Thung lũng Mai Châu nhìn từ đỉnh đèo Thung Khe

Mai Châu là một huyện vùng cao, nằm ở phía tây bắc tỉnh Hòa Bình, có tọa độ địa lý 20o24’ - 20o45’ vĩ Bắc và 104o31’ - 105o16’ kinh Đông; phía đông giáp huyện Đà Bắc và huyện Tân Lạc, phía tây và phía Nam giáp huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; phía bắc giáp huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Địa hình Mai Châu khá phức  tạp, bị chia cắt nhiều bởi hệ thống khe, suối và núi cao. Theo đặc điểm địa hình, có thể chia thành 3 vùng rõ rệt:

 Vùng thấp phân bố dọc theo suối Xia, suối Mùn và quốc lộ 15, có diện tích trên 33.800 ha, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Vùng cao giống như một vành đai bao quanh huyện, gồm 6 xã với tổng diện tích trên 11.000 ha, có nhiều dãy núi, địa hình cao và hiểm trở. Vùng lòng hồ sông Đà gồm các xã Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân và phụ cận là xã Ba Khan với diện tích 12.118,79 ha.

Độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 800 - 900 m, điểm cao nhất là 1.536 m (thuộc địa phận xã Pà Cò), điểm thấp nhất là 220 m (thị trấn Mai Châu). Độ dốc trung bình từ 30 đến 35o. Nhìn tổng thể, địa hình Mai Châu thấp dần theo chiều từ tây bắc xuống đông nam.

Theo số liệu thống kê năm 2017, huyện Mai Châu có diện tích tự nhiên là 56.982,81 ha. Trong đó: Nhóm đất nông nghiệp là 50.176,01 ha; nhóm đất phi nông nghiệp 3004,01 ha; nhóm đất chưa sử dụng 3802,79 ha.

Lớp đất ở Mai Châu chủ yếu gồm các loại đất đỏ và đất mùn. Chỉ riêng hai nhóm đất này đã chiếm tới 92,02% diện tích tự nhiên. Đất có kết cấu tốt, độ phì tự nhiên tương đối cao. Tuy nhiên, do độ dốc lớn, phân bố ở địa hình chia cắt mạnh, đất có thành phần cơ giới nhẹ nên khả năng bị rửa trôi cao.

Hệ đất ở Mai Châu được hình thành trên nền đá cổ hoặc trẻ, phát sinh trên các loại đá trầm tích biến chất (phiến thạch, sa thạch, đá vôi mác ma trung tính). Một số nơi, do khai thác quá lâu nên đất đã bị xói mòn trơ sỏi đá. Bên cạnh các loại đất đồi núi, Mai Châu còn có một số loại đất feralít biến đổi do trồng lúa nước và đất phù sa.

Hệ thống núi đá của Mai Châu là nguồn đá nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Một số xã ở vùng cao như Pù Bin, Noong Luông, Nà Mèo còn rải rác có vàng sa khoáng với trữ lượng không lớn.

Ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, khí hậu của vùng Mai Châu chịu ảnh hưởng rõ rệt của chế độ gió mùa Tây Bắc, mang sắc thái riêng của khí hậu nhiệt đới núi cao, bức xạ của vùng tương đối thấp, số giờ nóng trong ngày vào mùa hè là 5 - 6 giờ, mùa đông là 3 - 4 giờ. Độ ẩm trung bình năm đạt 82%. Khí hậu Mai Châu một năm có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 9, bình quân có 122 ngày mưa/năm, cao nhất là 146 ngày, chịu ảnh hưởng nhiều của bão lốc và gió Lào. Trong mùa mưa có gió Nam luôn bổ sung độ ẩm và hơi nước, cường độ gió tương đối mạnh. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau với khí hậu khô hanh, độ ẩm xuống thấp, có ngày có sương muối, sương mù và mưa phùn giá rét. Biến động nhiệt độ trong ngày cao. Hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc.

Mai Châu có hệ thống sông, suối khá dày đặc, là nguồn cung cấp nước phong phú phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngoài hai con sông lớn chảy qua là sông Đà và sông Mã, ở Mai Châu còn có 4 con suối lớn là suối Xia dài 40 km, suối Mùn dài khoảng 15 km, suối Bãi Sang dài 10 km và suối Cò Nào dài 14 km cùng nhiều khe, lạch, mạch nước, hệ thống các ao, hồ tự nhiên và nhân tạo.

Tuy nhiên, do địa hình có độ dốc lớn nên khả năng trữ nước của hệ thống sông, suối ở Mai Châu kém. Vào mùa khô, một số xã thường lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng như Noong Luôn, Thung Khe. Ngược lại, chính vì mất rừng và địa thế dốc đã tạo điều kiện hình thành lũ quét có sức tàn phá ghê gớm sau các trận mưa lớn mùa lũ.

Mai Châu có nguồn tài nguyên rừng khá phong phú, chủ yếu là các kiểu rừng tự nhiên với nhiều loài cây nhiệt đới, gồm các loại gỗ quý (lát hoa, sến…), các loại cây đặc sản có giá trị (sa nhân, song…), các loại tre, nứa, luồng… Tuy nhiên, do quá trình khai thác không có kế hoạch kéo dài, thiếu tổ chức, quản lý, thêm vào đó là việc đốt phá rừng làm nương đã dẫn đến hậu quả là hiện nay nguồn tài nguyên rừng nơi đây đã nhanh bị cạn kiệt. Quá trình chặt phá thiếu tổ chức, phát nương làm rẫy của bà con đã tạo ra những trảng cỏ nghèo, độ che phủ thấp, hủy diệt môi trường sinh sống của các loài động vật. Hiện nay, các loại động vật rừng như lợn, gấu, khỉ, vượn, hoẵng, gà lôi, rắn… trong các thảm rừng hiện còn ở Mai Châu rất hiếm, nếu có thì số lượng ít, sống tập trung trong các khu rừng cấm. Đến năm 2016, theo số liệu thống kê, toàn huyện chỉ còn 39.222 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 68,8%.

Năm 2015, dân số trung bình của Mai Châu  là 54.795 người, mật độ dân số 86 người/km2(thấp nhất tỉnh). Mai Châu là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc. Người Thái ở huyện chiếm đa số 57,3%, người Mường chiếm 17,33%, người Kinh chiếm 11,96%, người Mông chiếm 9,83%, người Dao chiếm 1,98%, còn lại là đồng bào các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Ngoài thị trấn Mai Châu tập trung đông dân cư, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện, hiện nay ở huyện Mai Châu cũng đã hình thành những tụ điểm dân cư theo hướng đô thị hóa như: Co Lương (Vạn Mai), Đồng Bảng (Đồng Bảng)… những khu dân cư này phân bố chủ yếu dọc theo quốc lộ 15 và là những hạt nhân làm chuyển biến tích cực cho kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mai Châu.

Người Thái định cư ở Mai Châu từ lâu đời; canh tác lúa nước và hái lượm, săn bắn. Nhân dân quần cư trong các bản, phía trên các cánh đồng. Mỗi bản gồm nhiều nhà dựng liền nhau theo thế đất ở.

Người Mường cư trú chủ yếu ở các xã Piềng Vế, Cun Pheo, Ba Khan, Tân Mai, Tân Dân. Là dân bản địa, người Mường ở Mai Châu có bản sắc văn hóa riêng thể hiện đa dạng nhiều mặt của cuộc sống.

Người Mông sống tập trung ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Trước đây, người Mông canh tác theo lối "đao canh hỏa chủng”(phát, đốt, gieo trồng). Ngày nay, họ canh tác trên các sườn núi dốc. Giống cây trồng là những cây chịu hạn như ngô, lúa nương, dong riềng.

Người Dao ở Mai Châu cư trú ở 3 xã: Tân Mai, Phúc Sạn và Tân Sơn. Trước đây người Dao sống du canh du cư, chủ yếu sắn bắt và hái lượm. Bên cạnh nương rẫy và chăn nuôi còn có các sản phẩm từ rau, hoa quả, nấm, măng rừng, mật ong. Ngày nay, người Dao đã sống định canh định cư ở các khu vực lưng chừng núi.

 

                                                    PV(tổng hợp)

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục