(HBĐT) - Nói đến những cống hiến cho ngành Nông nghiệp tỉnh, nhiều người nhắc đến bà Nguyễn Thị Tâm ở tổ 17, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) với những cái tên trìu mến: bà Tâm chè Shan tuyết, bà Tâm cây giống, bà Tâm lợn ba dòng…


Bà Nguyễn Thị Tâm (bên phải), phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) luôn bám vườn, bám cây, cung cấp ra thị trường cây giống chất lượng cao.

Mặc dù đã gần ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng tinh thần lao động của bà Tâm vẫn để nhiều người học tập. Hàng ngày bà cùng công nhân chăm vườn cây giống, nhà lưới trồng rau và cây ăn quả. Trên khuôn viên rộng 1,5ha, ngoài diện tích chăn nuôi lợn rừng, bà quy hoạch thành các khu ươm giống cây ăn quả, các loại hoa, cây bóng mát. Để ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, từ năm 2020, bà đầu tư làm nhà màng trồng dưa leo, cà chua, dưa hồng… Ngay cạnh khu nhà màng là vườn trồng 500 cây nho giống Hạ Đen. Đây là một trong những loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Hòa Bình. Bà Tâm cho biết: Khi có những giống mới, công nghệ mới, tôi muốn thử nghiệm trên đất Hòa Bình. Nếu phù hợp sẽ nhân giống, chuyển giao công nghệ cho bà con. Như vậy sẽ tránh nhiều rủi ro.   

Tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt ở Trường Đại học Nông nghiệp 1, bà Nguyễn Thị Tâm lên Hòa Bình lập nghiệp, thành lập Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền. Bà tiên phong trong tuyển lựa và nhân nhiều giống cây chất lượng cao cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, bà mở các cơ sở ươm cây giống ở một số tỉnh và các huyện trên địa bàn tỉnh để người mua dễ tiếp cận giống cây mới.

Đi và sống ở nhiều vùng đất  Hòa Bình, bà hiểu giá trị của cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng đất Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Yên Hòa, Trung Thành (Đà Bắc). Bà đã liên kết với hộ trồng chè ở các xã này với chuỗi sản xuất từ trồng đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm búp chè tươi. Đồng thời, xây dựng một số mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: chè xanh Shan tuyết chất lượng cao, chè giảo cổ lam, chè cà gai leo... Mỗi năm, công ty thu mua từ 300 - 400 tấn búp chè tươi, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, hàng năm, gia đình bà tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, bình quân thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. 

Là người "ngoại đạo” với chăn nuôi, nhưng từ năm 2019, bà đã lựa chọn, tìm giải pháp lai tạo lợn đực rừng với lợn nái Meishan và lai tiếp với lợn bản địa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của đàn lợn bản địa Hòa Bình phục vụ cho sản xuất lợn thương phẩm sạch; lai tạo ra giống lợn chất lượng cao có đặc tính đẻ nhiều con/lứa, phù hợp nuôi dân dã, thức ăn tự sản xuất giống như nuôi lợn bản địa. Hiện nay trang trại của gia đình bà có 2 con lợn đực rừng, 2 con lợn đực bản địa, 2 con lợn nái Meishan thuần chủng, cho ra 30 con nái lai F1, chuyên phối giống với lợn đực bản địa cho ra con lai F2 làm lợn thương phẩm. Với giải pháp trên giúp tăng đàn nhanh, tăng năng suất, sản lượng lợn thịt, chất lượng tốt, thị trường ưa chuộng. Giải pháp này phù hợp với các hộ chăn nuôi có trang trại, dễ áp dụng, vì vậy được mở rộng trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Mô hình trồng cam theo hướng sản phẩm hữu cơ với 2ha đất trồng cam, gia đình bà đã chọn vùng đất sạch, nước sạch, dùng phân bón hữu cơ là chủ yếu, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường Hà Nội là chủ yếu, hàng năm cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Mô hình được giới thiệu cho các gia đình có nhu cầu trồng cây cam, bưởi, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật.

Trong những năm qua, từ những mô hình làm nông nghiệp, doanh thu của gia đình năm sau cao hơn năm trước. Sản phẩm cung ứng ra thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Bà Tâm còn phối hợp Hội Nông dân phường Tân Thịnh tổ chức các lớp tập huấn ở khu dân cư về kỹ thuật chăn nuôi lợn, thỏ, trồng cây ăn quả và trồng rau sạch cho người dân.

Với mô hình sản xuất hiệu quả, năm 2019, gia đình bà tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 8 (2019 - 2020), được Hội đồng đánh giá đoạt giải nhất toàn quốc với giải pháp lai tạo lợn đực rừng với lợn nái Meishan và lai tiếp với lợn bản địa Hòa Bình. Năm 2022, gia đình bà được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2019 - 2021.

Việt Lâm

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục