Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới và nhập viện do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi và xuất hiện biến thể phụ của virus SARS-CoV-2. Nhiều người tỏ ra lo ngại nguy cơ xuất hiện một đợt dịch COVID-19 mới sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới.

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính từ 16 giờ ngày 20/4 đến 16 giờ ngày 21/4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 185 ca mắc COVID-19, tăng 22 ca so với ngày 20/4; trong đó có 50 ca nhập viện, 14 ca xuất viện. Các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang điều trị 140 ca COVID-19, trong đó có 46 ca cần hỗ trợ hô hấp.


TP Hồ Chí Minh đang có 140 trường hợp mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2022 đến đầu năm 2023, tình hình dịch COVID-19 đã kiểm soát tốt. Tuần đầu tiên của tháng 4, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh chỉ có từ 1 - 2 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, từ tuần thứ 2 của tháng 4, số ca mắc COVID-19 tăng lên trung bình 5 - 6 ca/ngày và đang tiếp tục tăng lên. Cùng với số ca mắc mới tăng là số bệnh nhân nhập viện cũng tăng, trong đó có trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.

"Dù số ca mắc và nhập viện có tăng nhưng không có trường hợp tử vong do COVID-19 như một số thông tin lan truyền trên mạng, tất cả đều nằm trong sự kiểm soát và được theo dõi chặt chẽ của ngành y tế”, ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng trong thời gian qua, nhiều người lo ngại nguy cơ xuất hiện một đợt dịch mới sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới. Nhận định về tình hình dịch sau kỳ nghĩ lễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi đi du lịch tập trung đông người, tỷ lệ mắc COVID-19 sẽ tăng và trong đó, nếu có người lớn tuổi mà chưa được tiêm phòng đầy đủ thì có thể mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, số này không nhiều, do vậy trong những ngày sắp tới có thể tăng số ca mắc nhưng không thay đổi cấp độ dịch COVID-19.

"Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở nhiều quốc gia do tiêm chủng chưa đầy đủ vẫn có khả năng lây lan nhanh và xuất hiện biến chủng mới. Hiện nay, COVID-19 ở Việt Nam không đáng lo ngại vì đa số người dân đều tiêm chủng đầy đủ và một số lượng lớn đã từng bị nhiễm. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng có kinh nghiệm đối phó với dịch. Do vậy, về nguy cơ xuất hiện một đợt dịch mới là có nhưng khá thấp”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng thông tin thêm.

Tăng cường bảo vệ nhóm có nguy cơ cao

Theo số liệu về tình hình dịch bệnh của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, nhóm trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc cao và tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác, kế đến là nhóm 50 - 65 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Thành phố vẫn còn ở mức thấp so với tỷ lệ của cả nước.

Về tình hình miễn dịch cộng đồng, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết qua khảo sát, đơn vị nhận thấy kháng thể có sự giảm nhẹ, nếu như trước đây 98,7% người dân thành phố có kháng thể thì nay xuống còn 94,17%. Miễn dịch cộng đồng có sự giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao.

Trước tình hình số ca mắc và nhập viện do COVID-19 tăng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố kích hoạt trở lại "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”. Chiến dịch này sẽ được triển khai quyết liệt trong hai tháng 5 và 6/2023.

Ngành y tế cho rằng, để "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” thành công, cần có sự tham gia và hưởng ứng của người dân. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đủ liều và đúng lịch là vô cùng cần thiết, đặc biệt là những người có bệnh nền, người trên 50 tuổi… Vì đây là những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc COVID-19.

Theo đó, chiến dịch sẽ bao gồm 4 hoạt động chính gồm: Cập nhật danh sách và quản lý; tổ chức tiêm vaccine đầy đủ nhóm nguy cơ (đảm bảo tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt tối thiểu 90%); chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 và tổ chức truyền thông, tư vấn và giáo dục sức khỏe.

Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân cầm tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, người dư cân béo phì, phụ nữ mang thai và trẻ em trong độ tuổi phù hợp.

Về liều tiêm vaccine đối với từng đối tượng cụ thể, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, người trên 18 tuổi cần tiêm 2 liều cơ bản và 2 liều nhắc lại. Trường hợp người trên 18 tuổi có sự suy giảm miễn dịch sẽ tiêm thêm 1 liều bổ sung. Đối với trẻ từ 12 - dưới 17 tuổi cần tiêm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại. Riêng trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được khuyến khích tiêm 2 mũi cơ bản.

"Những người có bệnh nền, nguy cơ cao, trên 50 tuổi, đặc biệt là 65 tuổi càng nên tiêm đủ 4 mũi. Người đã mắc COVID 19 một hay nhiều lần thì số mũi tiêm vẫn như nhau. Không phải tôi đã nhiễm là tôi khỏi tiêm hoặc tiêm ít hơn”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là chủ quan, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 và có ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình, cộng đồng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, biểu hiện bất thường ở đường hô hấp (ho, sổ mũi, khó thở) kèm có hoặc không có yếu tố nguy cơ tiếp xúc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và xác định khả năng mắc COVID-19. Người mắc COVID-19 nên khai báo với y tế địa phương và có ý thức bảo vệ cho những người xung quanh.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục