Gần 1 tuần kể từ khi thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về "ai ở đâu ở đấy" để chống dịch COVID-19, vẫn còn hàng ngàn người về quê tự phát bằng xe cá nhân.


Cảnh hàng ngàn người từ vùng có dịch trở về quê bằng xe cá nhân

Khi người về từ tâm dịch trở thành mầm bệnh ở quê nhà

Thời gian qua, hình ảnh từng đoàn dài người dân đi xe máy, chở theo con nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh, ngủ tạm bợ trên đường về quê khiến chúng ta không khỏi nao lòng. Đây là vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ trong bối cảnh dịch bệnh và từ góc độ nhân văn hoàn toàn thấu hiểu và thông cảm. Vì khó khăn đường cùng họ buộc phải hồi hương. Nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh theo đó mà càng phức tạp.

Sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ cách đây 1 tuần, dòng người giảm hẳn, nhưng vẫn còn nhiều. Con số hồi hương trong đợt dịch này lên tới hàng vạn. Điều đáng nói là rất nhiều người từ vùng tâm dịch trở về đã trở thành mầm bệnh trong cộng đồng quê nhà của họ.

 Ngày 1/8, 4 người đi xe máy từ tỉnh Bình Dương về quê ở Lào Cai, khi đi qua địa bàn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã bị tai nạn. 3 trong số 4 trường hợp này qua test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 51 trường hợp liên quan phải đưa đi cách ly

Tại Quảng Trị,trong hai ngày liên tục 2-3/8 có thêm 4 người mắc COVID-19 đều là những người từ TP Hồ Chí Minh trở về quê bằng xe ô tô và xe gắn máy.

Ở Quảng Ngãi, đến ngày 3/8 có tổng cộng 45 ca dương tính với SARS-CoV-2 là những người tự phát trở về quê từ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Hà Tĩnh ngày 5/8 ghi nhận thêm 5 bệnh nhân là 5 người tự về từ tỉnh Bình Dương.

Tại Quảng Bình, trong số 30 ca bệnh COVID-19 hiện tại có 5 ca liên quan đến người đi xe máy về từ các vùng dịch.

Cho đến hiện tại nhiều địa phương đã dừng việc tiếp nhận công dân về quê, nhưng vẫn có những địa phương tổ chức các chuyến xe ô tô, thậm chí cả chuyến bay đưa người về từ vùng dịch.

Đánh giá về tình trạng người dân về quê trong đợt dịch này, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Trong cuộc chiến chống dịch cam go như thế này, người tổng chỉ huy là rất cần thiết và phải là Thủ tướng Chính phủ. Tất cả phải tuân theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta mới có sự nhất quán trong hành động để khống chế dịch bệnh. Cách ứng xử hợp lý nhất là kêu gọi người dân đang ở vùng dịch thì ở lại nơi đấy. Địa phương nếu muốn thì trợ giúp người dân đăng ký để được chăm lo đầy đủ, cả về mặt y tế lẫn an sinh xã hội. Cách đó là cách nhất quán và tốt hơn".

Trước ý kiến phối hợp đưa người dân trở về giữa các địa phương để giảm tải cho vùng dịch như TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh: "Giảm tải cho TP Hồ Chí Minh là tăng tải cho quốc gia. Đó là lý do tôi nói cần có tổng chỉ huy. Nếu chuyển tải của TP Hồ Chí Minh sang các tỉnh, an sinh xã hội vẫn phải lo mà rủi ro lại lớn hơn nhiều. Ở tỉnh vẫn phải cách ly nhưng rủi ro lây lan dịch bệnh rất lớn. Vẫn hiểu tấm lòng với đồng bào nhưng vì lợi ích quốc gia phải chọn phương án hợp lý hơn".

Làm thế nào để người dân an tâm ở lại?

Việc về quê tự phát thì hoàn toàn là không được phép. Nhưng việc tổ chức đón công dân một cách có tổ chức thì nằm trong quyền hạn của lãnh đạo địa phương. Đó là bài toán không đơn giản.

Ví dụ điển hình vào ngày 2/8, Quảng Trị ban hành công văn cho phép các trường hợp đặc biệt người già, trẻ nhỏ; bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo về quê cách ly nhưng chỉ 1 ngày sau đã thu hồi công văn vì có có quá nhiều người thuộc diện "trường hợp đặc biệt" xin về quê, tỉnh không thể giải quyết nổi. Nhìn ở 1 góc độ khác, vấn đề đặt ra là làm gì và làm thế nào để người dân an tâm ở lại?

Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh - nơi có hàng triệu lao động ngoại tỉnh đang sinh sống đã hết sức nỗ lực để hỗ trợ đối tượng này.

Mỗi ngày, cả ngàn cuộc điện thoại và tin nhắn được chuyển đến tổng đài hỗ trợ tại Ủy ban MTTQ Thành phố, chưa kể số cuộc gọi đến tổng đài 1022 và các đường dây nóng tại quận huyện. Thông tin không khỏi tránh trùng lắp, dẫn đến quá tải cả về tiếp nhận lẫn đi xác minh để kịp thời xử lý.

Chính vì vậy, từ nền tảng các chương trình được triển khai tại các địa phương, TP Hồ Chí Minh sẽ có một trung tâm hỗ trợ an sinh xã hội với đầu mối chính là Mặt trận tổ quốc hoạt động trong tổng thể khoa học và nhịp nhàng hơn.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ lần 2 trị giá 900 tỷ đồng cho tất cả những lao động nghèo tại thành phố sau gói hỗ trợ đầu tiên. Chính sách tiêm vaccine cũng được công bố là tiêm cho tất cả những ai đang có mặt tại thành phố, không quan trọng có hộ khẩu hay không.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá đây là chính sách rất cần thiết và rất đúng: "Người dân chạy ra khỏi TP Hồ Chí Minh vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sợ dịch bệnh, sợ không được an toàn, không được chăm sóc. Thứ hai là vì ở đó người ta không đủ sống, thiếu đói nên phải chạy. Thứ 3 là cảm giác bị bỏ rơi, cảm giác rất nặng nề. Nếu không xử lý, người ta sẽ tiếp tục ra di. Vì vậy, cần có tầm nhìn rộng hơn".

Dừng tiếp nhận không có nghĩa là bỏ rơi người dân

"Ai ở đâu ở đấy" hết sức cần thiết, để không còn những dòng người kiệt sức trên con đường về quê, gây mất an toàn cho chính bản thân và cộng đồng. Nhưng để đảm bảo cuộc sống cho những người lao động tại các thành phố lớn thì không chỉ là trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Trên thực tế, dừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch về cũng không có nghĩa là bỏ rơi người dân. Rất nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho người tỉnh mình hiện đang sinh sống tại vùng dịch.

Thành  phố Hải Phòng sẽ hỗ trợ người dân Hải Phòng ở thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn với mức 2 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tỉnh Bắc Ninhphối hợp với Hội đồng hương tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 8 tỷ đồng cho hơn 6.000 người dân tỉnh Bắc Ninh đang làm ăn sinh sống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã quyết định trích 5 tỷ đồng, thông qua Hội đồng hương Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, để hỗ trợ các gia đình khó khăn khác mức hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ.

Tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ người dân Quảng Bình đang gặp khó khăn trong vùng dịch số tiền 1 triệu đồng/hộ.

Đánh giá cách làm trên của các địa phương, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho biết đây là cách làm rất hay, trợ giúp người dân để ở lại và đề xuất chuyển cho TP Hồ Chí Minh hơn là trực tiếp hỗ trợ: "TP Hồ Chí Minh có thể có điều phối, tránh tỉnh nhiều, tỉnh ít, tạo ra sự so bì".

 Bức ảnh trên đã khiến rất nhiều người rơi nước mắt: 1 cặp vợ chồng bồng bế con nhỏ chỉ mới 9 ngày tuổi ngồi xe máy chạy hàng ngàn cây số từ Bình Dương về Nghệ An. Có lẽ đây là câu chuyện gây ám ảnh nhất trong dòng người về quê tránh dịch. Không ai mong muốn lặp lại những hình ảnh như vậy nữa.

Giờ đây mạng lưới an sinh đã được phủ rộng mạnh mẽ hơn. Ở lại, họ có thể có đồ ăn, thức uống, được tiền trợ cấp, được tiêm vaccine, không gặp phải những rủi ro trên đường quê, dễ tìm lại việc làm khi dịch đi qua…

Tất nhiên, ngay cả khi còn khó khăn, thiếu thốn, ngay cả khi chính quyền địa phương chưa thể tổ chức đón về thì tuân thủ quy định phòng dịch, "ai ở đâu ở đó" là trách nhiệm công dân lúc này. Chúng ta đang ở trong cuộc chiến và không có chiến thắng nào đến mà không có sự chung sức đồng lòng và sự hy sinh, đặt lợi ích dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân.


Theo VTV

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục