Tuần từ 28/2 đến 6/3, các thông tin đáng chú ý về tình hình COVID-19 trong nước là: Số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt trên quy mô cả nước và đặc biệt tại Hà Nội. Trong tuần, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y trong vụ kit test Việt Á...


Số ca nhiễm mới hàng ngày lên 6 con số

Tuần từ 28/2 đến 6/3 ghi dấu sự tăng vọt của số ca nhiễm mới hàng ngày. Từ đầu tuần, số ca nhiễm mới tăng xấp xỉ 100.000 ca, từ ngày 2/3, số ca nhiễm mới hàng ngày đều trên 100.000. Đặc biệt, từ 16 giờ ngày 5/3 đến 16 giờ ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 117.379 ca/ngày.

Như vậy, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 4.434.700 ca nhiễm. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.427.225 ca, trong đó có 2.678.630 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 2.681.447 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.208 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.813 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm. Từ 17 giờ 30 ngày 5/3 đến 17 giờ 30 ngày 6/3 ghi nhận 87 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 96 ca.

Trả lời báo chí trong họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3 liên quan đến việc đi học, nhất là khối tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Chúng tôi tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đã có sự chỉ đạo sát sao, chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Theo công văn số 4726 của Bộ GD&ĐT, những nơi cấp độ dịch ở mức 3, mức 4 thì không cho học sinh đi học trực tiếp và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Liên tục tăng ca nhiễm, Hà Nội quyết định cho học sinh tiếp tục học online

Tuần từ 28/2 đến 6/3, Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm mới trong ngày tăng kỷ lục. Nếu như tuần trước, con số mắc mới mỗi ngày chỉ trên dưới 10.000 ca, thì tuần 28/2-6/3, số ca nhiễm hàng ngày vọt tăng lên trên 20.000 ca/ngày và duy trì xu hướng tăng. Đặc biệt ngày 6/3, số ca mắc mới tại Hà Nội gần chạm mốc 30.000 ca , (chính xác là (29.578 ca nhiễm mới).

Trước tình hình số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng nhanh, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ- giáo viên- học sinh, theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Sở đề nghị các Trưởng Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và Thông báo đến các trường phổ thông, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có dịch cấp độ 3 thì cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ thứ hai, ngày 07/3/2022.

Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh học tập trực tiếp theo kế hoạch.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý, đối với những trường học đóng trên địa bàn xã phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 3-4 thì toàn trường chuyển sang phương án dạy học trực tuyến.

Theo công bố đánh giá cấp độ dịch của UBND TP Hà Nội, Thủ đô có 326 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã, ở cấp độ dịch mức 3. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng loạt trường học sẽ đóng cửa từ 7/3.

Trong đó, huyện Sóc Sơn dẫn đầu với 21 đơn vị, tiếp đó là huyện Thường Tín 19 đơn vị, huyện Chương Mỹ 19 đơn vị, huyện Đông Anh 18 đơn vị, huyện Quốc Oai 15 đơn vị, huyện Thạch Thất 15 đơn vị, huyện Ứng Hòa 15 đơn vị, quận Hoàn Kiếm 13 đơn vị, huyện Hoài Đức 13 đơn vị, huyện Thanh Oai 13 đơn vị, huyện Ba Vì 12 đơn vị, huyện Mê Linh 12 đơn vị, huyện Phúc Thọ 12 đơn vị, huyện Phú Xuyên 11 đơn vị, huyện Thanh Trì 11 đơn vị…

Theo quy định, trường học tại các địa phương này sẽ phải chuyển sang học trực tuyến từ đầu tuần tới (từ 7/3) cho tới khi đánh giá cấp độ dịch có thay đổi.

Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y

Từ ngày 2-4/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 12. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

 

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 – 2025. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Những vi phạm nêu trên có trách nhiệm của Ban cán sự đảng, một số đồng chí lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

 

Cung cấp thông tin cho báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3 về mở rộng và tiếp tục điều tra vụ án Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an) cho biết: Đến nay, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành ủy thác cho Cơ quan điều tra công an cấp tỉnh, thành phố tại 62/63 tỉnh, thành phố để tiến hành thu thập các tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tập hợp, củng cố, xác minh, làm rõ đầy đủ các hành vi của các đối tượng trong vụ án này.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục