Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang chạy đua để có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh quá trình triển khai mô hình này đã phát sinh những bất cập cần tháo gỡ nhằm mở rộng "vùng xanh”, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang chạy đua để có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh quá trình triển khai mô hình này đã phát sinh những bất cập cần tháo gỡ, nhằm mở rộng "vùng xanh”, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 15/7, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Đến nay, 618 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố đã đăng ký hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ” với tổng số 57.507 lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại Công ty CP Dược phẩm SaVipharm tại khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện tổ chức khu vực bố trí nơi ở tập trung của các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ. Qua kiểm tra, thẩm định, có 414 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động với số lao động là 44.145 người, các doanh nghiệp còn lại đang được hướng dẫn đáp ứng các tiêu chí để sớm hoạt động trở lại.

Theo ông Phạm Thanh Trực,  để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể như: Có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát… Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân Công ty TNHH CCH TOP Việt Nam.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ”  hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm” vì phần lớn đều có số lượng công nhân đông. Trong điều kiện sản xuất thông thường, các nhà máy cũng được bố trí rất nhiều máy móc nên không đủ chỗ để thu xếp chỗ ở cho người lao động.

Nhà ăn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilerver Việt Nam được lắp tấm chắn ngăn cách.

Đến thời điểm này, chỉ có từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện được phương châm "3 tại chỗ” và đang nỗ lực duy trì sản xuất. Tại Việt Thắng Jean, có 550 công nhân đăng ký ở lại nhà máy nhưng công ty chỉ bố trí sản xuất được cho 350 công nhân vì đặc thù làm việc theo dây chuyền. Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tổ chức cho số công nhân dôi dư ở lại.

"Phần lớn công nhân làm việc trong các công ty may có thu nhập thấp, sống tập trung trong các khu nhà trọ, không đủ điều kiện phòng, chống dịch nên họ cũng không thể về quê do quy định hạn chế đi lại. Do đó, việc đưa công nhân vào doanh nghiệp "cắm chốt” không chỉ để duy trì sản xuất mà còn là cách để bảo toàn lực lượng lao động”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Còn theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng thương mại Đại Dũng, để trên 1.000 công nhân, nhân viên, người lao động an tâm lao động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ”, công ty đã sử dụng toàn bộ khu văn phòng còn trống trang bị đầy đủ tiện nghi cùng 1.000 m2 sàn nhà xưởng chưa sử dụng đã được lắp thêm vật dụng thiết yếu làm nơi ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo...

Cán bộ và người lao động Công ty APT nỗ lực thực hiện chiến dịch sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ".

"Hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu trong doanh nghiệp xuất hiện 1 trường hợp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất và tiến độ thực hiện đơn hàng nội địa cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly là biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc yêu cầu doanh nghiệp "cắm trại” theo phương châm "3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm” là giải pháp tốt nhất nhằm thực hiện "mục tiêu kép” nên rất được các doanh nghiệp ủng hộ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu chi tiết về sản xuất, ăn, ở như cơ quan thẩm định yêu cầu. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã rất cố gắng, tận dụng hết các diện tích để sắp xếp chỗ ở lại, sinh hoạt cho công nhân nhưng rất ít doanh nghiệp có thể phân chia khu nghỉ ngơi riêng, khu sản xuất riêng.

Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định tại Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn.

Bên cạnh đó, hoạt động của bếp ăn tại công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cung cấp đủ 3 bữa ăn/ngày thay vì 1 bữa như trước, trong khi nguồn cung ứng thực phẩm xuất hiện nhiều bất cập, thiếu hụt về số lượng, chủng loại và thời gian giao hàng chậm. Đối với những doanh nghiệp tổ chức theo hình thức "1 cung đường - 2 địa điểm” thì gặp phải vấn đề thiếu phương tiện để vận chuyển cùng lúc số lượng lớn công nhân, lao động đến nhà máy và về chỗ ở.

"Đáng nói nhất, theo quy định tại công văn 2337/UBND-TH của UBND Thành phố, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện việc xét nghiệm nhanh cho người lao động là 7 ngày/lần nhưng hiện nay một số nơi, địa phương lại ban hành quy định xét nghiệm 3 ngày/lần dẫn đến không nhất quán và gây tốn kém cho doanh nghiệp. Trong khi chi phí một lần test nhanh dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/người và doanh nghiệp phải tự chi trả. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, ông Phương nêu vấn đề.

Công nhân Công ty TNHH Nagata Việt Nam được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. 

Cùng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp rất đồng tình và ủng hộ với giải pháp tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ. Tuy nhiên việc yêu cầu test nhanh tất cả công nhân với tần suất 7 ngày/lần lại tạo gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ” mà không mang lại nhiều giá trị thực tế trong việc phòng chống lây lan dịch bệnh.

Lực lượng hóa học Quân khu 7 phun xịt thuốc khử trùng Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Theo phân tích của ông Đỗ Phước Tống, việc test nhanh để phát hiện người nhiễm COVID-19 đang là chiến dịch lớn của toàn Thành phố nhưng doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ” theo chỉ đạo của thành phố thì phải tự bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân, nhân viên. Trong khi đó, doanh nghiệp đã phải chi rất nhiều để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ như: màn, chăn, chiếu, gối, quạt điện, thiết bị vệ sinh phục vụ công nhân.

Chưa kể, việc tổ chức test nhanh cho công nhân rất bất cập khi không có đội y tế đến doanh nghiệp lấy mẫu mà công nhân phải tự đến các cơ sở y tế để thực hiện. Điều này lại đi ngược với mục đích của việc áp dụng "3 tại chỗ” mà doanh nghiệp đang áp dụng và có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào công ty.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cũng ghi nhận nhiều ý kiến hội viên phản ánh việc đánh giá doanh nghiệp có đáp ứng đủ  "3 tại chỗ” hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng. Theo cách hiểu của doanh nghiệp, chỉ cần đáp ứng được 3 yếu tố: sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ trong một khuôn viên của doanh nghiệp theo hình thức "dã chiến”, tức là công nhân có thể sản xuất, nghỉ ngơi trong xưởng, miễn đáp ứng yêu cầu giãn cách. Tuy nhiên nhiều đoàn thẩm định yêu cầu khu vực ngủ, nghỉ phải tách riêng khu vực đặt thiết bị máy móc; bếp ăn công ty phải đủ công suất phục vụ ngày 3 bữa…

Song song đó, hoạt động của các kho bãi và việc vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất ra đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khu vực thuộc Thành phố không cho phép các kho bãi hoạt động, nhiều trạm kiểm soát trong Thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ, vì coi là mặt hàng không thiết yếu.

Để phát huy hiệu quả phương án sản xuất "3 tại chỗ”, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giải quyết các bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chỉ đạo của Thành phố; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp được cung ứng đầy đủ dịch vụ vật tư để đảm bảo sản xuất ổn định kể cả trong kịch bản phải áp dụng "3 tại chỗ" trong thời gian dài hơn so với áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp cho biết hoàn toàn ủng hộ giải pháp quản lý sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Tuy nhiên, cần có cách hiểu rộng hơn về điều kiện "3 tại chỗ” trong giới hạn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. 

Các y bác sỹ Trung tâm y tế Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân tại Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp hội viên thì việc đánh giá "đạt” hay "không đạt” điều kiện sản xuất "3 tại chỗ” giữa các đoàn thẩm định (liên ngành) hiện nay không thống nhất. Có đoàn chỉ cần doanh nghiệp bố trí đủ điều kiện sản xuất, ăn, ở tại chỗ theo yêu cầu giãn cách là được cấp phép, nhưng cũng có đoàn yêu cầu ở mức cao hơn như: khu vực ở lại phải có phòng riêng, cách xa khu sản xuất; tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cũng mỗi nơi xác nhận một kiểu.

Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận. 

Theo ông Đỗ Phước Tống, UBND Thành phố và các đơn vị chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho công tác thẩm định các tiêu chí để việc thực thi không bị vênh nhau. Thêm vào đó, cần xác định mức độ đánh giá phù hợp với phương án dã chiến, linh hoạt hơn so với hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường để những doanh nghiệp có ý thức phòng chống dịch tốt và đang có nhu cầu duy trì sản xuất được hoạt động. 

Cũng liên quan đến vấn đề thẩm định việc đáp ứng điều kiện sản xuất "3 tại chỗ”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh thông tin, nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó khăn về điều kiện ăn uống tại chỗ, vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân. 

Với những trường hợp như trên, Thành phố nên cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp.
 
Cách thức thực hiện giống như trước đây Thành phố đã cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung. Đối với việc tổ chức giao nhận cần đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch như: nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm COVID-19 âm tính và không tiếp xúc trực tiếp. 

Đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu được tạo điều kiện này sẽ giúp thêm nhiều doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất mà vẫn đáp ứng yếu tố an toàn về phòng cháy chữa cháy; đồng thời, giảm tải trong việc phục vụ công nhân, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người lao động yên tâm sản xuất.  

Riêng với điều kiện thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm”, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, những doanh nghiệp có đông công nhân thì phải thuê nhiều khách sạn, nhà nghỉ độc lập ở các địa chỉ khác nhau để cho công nhân ở và được quản lý tập trung. Việc đưa đón công nhân từ chỗ ở tập trung đến nơi sản xuất có thể nhiều hơn 2 địa điểm. Vì vậy, khái niệm "1 cung đường - 2 địa điểm” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không được dừng dọc đường . 

"Thành phố có thể hỗ trợ điều phối các đội xe bus đang ngừng hoạt động hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe thực hiện việc đưa đón công nhân. Các xe được dán logo, giấy phép hoạt động chuyên trách đưa đón công nhân cho từng doanh nghiệp, thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, lái xe đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch”, ông Việt nêu đề xuất.

 
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân Công ty TNHH Solen Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19 cho lao động tham gia sản xuất, cách ly tập trung tại chỗ, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị chỉ bắt buộc xét nghiệm 1 lần ngay thời điểm doanh nghiệp bước vào sản xuất "3 tại chỗ”. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhân viên của mình tại địa điểm sản xuất hoặc khu nhà ở tập trung.

Bên cạnh đó, Thành phố nên xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp như đang áp dụng xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng thời gian qua để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Các yếu tố "tại chỗ” theo chỉ đạo của Thành phố mới chỉ là điều kiện cần nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh nhưng để doanh nghiệp hoạt động được thì yếu tố đủ chính là việc duy trì đồng bộ hệ sinh thái phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Phước Tống cho rằng, doanh nghiệp đã sắp xếp các điều kiện để được hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ” nhưng nếu không có các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất như: năng lượng (điện, nước, xăng dầu, gas), internet, hạ tầng mạng; không có các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ, nguyên vật liệu, phụ liệu, vật tư, bao bì, đóng gói sản phẩm… thì cũng không thể hoạt động ổn định được. 

Công nhân lao động Công ty TNHH giấy Xuân Mai, ở khu công nghiệp Hiệp Phước thực hiện giờ làm giãn cách.

Do đó, khi đã áp dụng tiêu chuẩn "3 tại chỗ”, "1 cung đường - 2 điểm đến” thì không nên giới hạn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm thiết yếu mà bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu phòng chống dịch đều được hoạt động. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp ngành nghề khác không bị "đóng băng” quá lâu, cùng duy trì hoạt động, tạo ra giá trị kinh tế cho thành phố. 

Song song đó, các doanh nghiệp đề nghị UBND Thành phố cho phép và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động của văn phòng điều hành công ty với một số lượng nhân viên tối thiểu, không vượt quá 30% số nhân sự thường xuyên. Nhân viên làm việc tại văn phòng điều hành được cấp phép đi lại để thực hiện các hoạt động tài chính, kinh doanh, hành chính thật sự cần thiết do không phải tất các thủ tục này đều có thể thực hiện qua phương thức trực tuyến. 

Đối với nhóm nhân viên này, doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm hoặc thuê dịch vụ xét nghiệm COVID-19 thường xuyên (3 ngày/lần) và Thành phố có thể thực hiện kiểm tra đột xuất để giám sát sự tuân thủ của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Liên quan đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp đề nghị Thành phố có hướng dẫn thực hiện chi tiết cho các chốt kiểm soát trên địa bàn. Với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố thống nhất với các tỉnh, thành cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông vì hiện tại việc mỗi dịa phương áp dụng một điều kiện khác nhau đang gây ách tắc chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo ông Chu Tiến Dũng, một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết ngay hiện nay chính là việc nhất quán trong chỉ đạo điều hành chống dịch và duy trì sản xuất. Cụ thể, do diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi theo hướng phức tạp, chỉ trong một thời gian ngắn có quá nhiều các văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý, từ Chính phủ, các bộ, ngành, đến UBND Thành phố, các sở, ngành, các quận huyện, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất… được ban hành và áp dụng đồng thời. Trong đó có những nội dung không nhất quán, chồng chéo lên nhau, đôi lúc mâu thuẫn làm cho doanh nghiệp rất khó khăn và rơi vào tình thế bị rối loạn thông tin.

Vì lý do đó, Hiệp hội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan thuộc Thành phố khi ban hành các văn bản cần có sự thống nhất về nội dung, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện.

Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thành phố tiếp tục dành một số lượng vaccine để điều phối ưu tiên tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp có quy mô người lao động cư trú rộng trên nhiều quận huyện, địa phương để tạo sức đề kháng cho người lao động, cũng chính là "sức đề kháng” cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang bám trụ sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ".

Trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký sản xuất "3 tại chỗ”, những ngày qua các đoàn thẩm định liên ngành đánh giá vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch và có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. PGS. TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, nhiều công ty còn chưa phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ COVID-19 của doanh nghiệp, chưa xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại nơi sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thực hiện giãn ca, rửa tay khử trùng và đo thân nhiệt trước khi vào xưởng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp không quyết liệt phòng, chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong môi trường tập trung đông công nhân. Vì vậy, các doanh nghiệp khi bắt tay vào sản xuất "3 tại chỗ” hay thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến” đều phải kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch.

"Những doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất theo từng phân xưởng, dây chuyền độc lập thì phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các phân xưởng, dây chuyền với nhau. Nếu làm tốt việc này, khi không may phát hiện có ca mắc COVID-19 doanh nghiệp chỉ cần phong tỏa tạm thời phân xưởng hoặc dây chuyền có F0 làm việc mà không ảnh hưởng đến các dây chuyền, bộ phận khác hay phải phong tỏa toàn bộ nhà máy”, PGS. TS Nguyễn Văn Sơn nêu giải pháp.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh. Ảnh: Bidrico.com.vn

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ, việc có nhiều doanh nghiệp thực hiện được sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ” sẽ đưa mức độ an toàn phòng dịch của doanh nghiệp, khu công nghiệp và toàn xã hội lên mức cao hơn. Tại Bidrico, có 280 nhân viên tham gia sản xuất "3 tại chỗ” được bố trí thành nhiều khu vực nghỉ ngơi khác nhau với tổng diện tích trên 1.000 m2.  Khu nhà ăn được bố trí đảm bảo giãn cách, các khu vực tắm, giặt cũng đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhân viên phải di chuyển để giao nhận hàng hóa. Xác định đây là nhóm có nguy cơ cao, nếu không chủ động phòng dịch thì sẽ tiềm ẩn khả năng mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà máy. "Doanh nghiệp đã quán triệt và áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, ngoài việc tuân thủ khẩu trang, khoảng cách thì bắt buộc phải khử khuẩn toàn bộ người và phương tiện ra vào công ty lấy hàng. Chúng tôi cũng yêu cầu các đối tác khi giao nhận hàng với nhân viên của công ty cũng áp dụng các biện pháp tương tự để đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả hai bên”, ông Nguyễn Đặng Hiến thông tin thêm.  

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định, dù số ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã giảm, nhưng diễn biến dịch bệnh tại thành phố còn rất phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc. Do đó, doanh nghiệp thực hiện đủ "3 tại chỗ” hay "1 cung đường - 2 điểm đến” vẫn không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Trong suốt thời gian này, phải kiên trì thực hiện 5K và xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn của Thành phố.

Các doanh nghiệp đang tạm thời đóng cửa do có ca mắc COVID-10 trước đó hoặc chưa đủ điều kiện để sản xuất "3 tại chỗ” cần bám sát các yêu cầu phòng, chống dịch mà cơ quan chức năng hướng dẫn để có thể khôi phục hoạt động, cùng nhau giữ vững và mở rộng "vùng xanh” sản xuất kinh doanh.


Theo TTXVN

Các tin khác


Môn nấu da trâu khô - Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

(HBĐT) - Khi đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, bạn sẽ thấy món ăn "Môn nấu da trâu khô” không hiếm gặp, thậm chí khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày. Nguyên liệu chính của món ăn gồm: da trâu khô, lá khoai môn, hạt he (mắc khén), củ gừng, lá kịa rừng, quả đu đủ non và được nêm bằng các loại gia vị: nước mắm, mì chính, bột nêm và một chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) tạo độ bùi ngậy.

Mây trắng vẫn bay trên bầu trời Đồng Lộc

(HBĐT - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…

Khu kinh tế Dung Quất có quy mô 45,3 nghìn ha

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục