Đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
(HBĐT) - Chiều 29/10, đại biểu Quốc hội các đoàn: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Trà Vinh đã tiến hành thảo luận tại tổ về “Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn” .
Cơ bản các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội cũng như mục đích và yêu cầu về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Việc ban hành Nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Nghị quyết của QH quy định trực tiếp về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nếu Nghị quyết này được thông qua sẽ đáp ứng đượng nguyện vọng của cử tri cả nước.
Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm nhiều đại biểu cho rằng, theo quy định hiện hành của pháp luật thì QH, HĐND có quyền bầu hoặc phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó cần phải có cơ chế để QH, HĐND giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ các chức vụ này. Nhiều ý kiến đề nghị nội dung phiếu tín nhiệm nên để là “tín nhiệm cao”. “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “không tín nhiệm”, nếu quy định “chưa có ý kiến” như dự thảo sẽ gây bất bình trong dư luận, điều đó chứng tỏ đại biểu QH không thể hiện được chính kiến của mình.
Về thời hạn bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ của QH, HĐND, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, không dám nghĩ, dám làm, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với công việc điều hành cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, cũng không cần thiết tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào năm cuối nhiệm kỳ vì không mang lại hiệu quả thiết thực.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu QH tỉnh Hòa Bình đề cập đến phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm. Ý kiến nhất trí với phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm theo Khoản 1, Điều 5 bao gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước. Đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết nên xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm theo Khoản 2, Điều 5 “Hội đồng dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc. Các Ủy ban của Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ nhiệm, các ủy viên của Ủy ban mình ” vì việc cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các ủy viên của Hội đồng dân tộc và các ủy viên các Ủy ban là rất khó. Chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm khi ta có đủ các thông tin về họ nhằm tránh hình thức, đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri.
Theo Chương trình kỳ họp, ngày 10/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về “Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”. Quốc hội sẽ truyền hình, phát thanh trực tiếp nội dung trên/..
Bích Ngọc
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp)
(HBĐT) - Trong nhiệm kỳ 2008 - 2012, nét nổi bật hoạt động Công đoàn Viên chức tỉnh là chỉ đạo các CĐCS làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, CBCCVC - LĐ, nhất là các chính sách, pháp luật về tiền lương, BHXH, BHYT, thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.
(HBĐT) - Công đoàn ngành NN&PTNT có 2.115 đoàn viên, sinh hoạt tại 32 công đoàn cơ sở, trong đó, khối hành chính sự nghiệp 20 công đoàn cơ sở với 683 đoàn viên, khối công ty TNHH một thành viên có 6 công đoàn cơ sở với 1.231 đoàn viên, khối công ty cổ phần có 6 công đoàn cơ sở với 197 đoàn viên. Về trình độ học vấn, có 15 thạc sỹ, 450 đại học và cao đẳng, 131 trung cấp, 332 sơ cấp và 1.187 công nhân kỹ thuật.
(HBĐT) - Sáng 29/10, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) do ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) làm trưởng đoàn. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo, chuyên viên các Sở, ngành: KH&ĐT, Nội vụ, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Văn phòng UBND tỉnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, báo chí Thái Lan ra ngày 28/10 đưa nhiều tin, bài và ảnh về Cuộc họp Nội các chung lần thứ hai giữa Việt Nam và Thái Lan vừa diễn ra tại Hà Nội, trong đó nhấn mạnh đến việc hai bên ký kết các thỏa thuận hợp tác và nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2015.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam để kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ngày 28/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đến thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát; gặp gỡ với 30 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
(HBĐT) - Ngày 27/10, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh ký công điện khẩn số 14/CĐ-UBND gửi Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8 năm 2012. Nội dung chính như sau: