(HBĐT) - Sáng 16-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng chủ trì hội nghị.


Cùng dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ-TCTNN).

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sản phẩm từ hội nghị sẽ là một Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, tạo nền tảng pháp luật cho việc tổ chức thực hiện. Hội nghị này không bàn về DN quốc phòng, lĩnh vực mà Bộ Chính trị sẽ có chủ trương riêng cũng như không bàn về nông, lâm trường quốc doanh bởi sẽ có hội nghị riêng.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung chính khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách DNNN; nhấn mạnh phải hiểu rõ chủ trương, quan điểm để làm tốt hơn nhiệm vụ của các DNNN, bảo đảm đúng hướng, hiệu quả, bền vững, coi trọng vai trò DNNN. Chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, đúng kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn, có kinh nghiệm hơn trong việc này. Hội nghị cũng tập trung bàn về giải pháp trọng tâm thời gian tới, tập trung trả lời câu hỏi chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy mạnh mẽ về cơ cấu lại, cổ phần hóa (CPH), nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.

Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật, trong đó, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước, đất đai, hầm mỏ và DNNN. Chúng ta đã có nhiều cách làm, nhiều chủ trương, cho nên chống được trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả về cơ bản trong DNNN. Do đó, tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu tăng, nộp ngân sách nhà nước cao hơn, bảo toàn vốn nhà nước, hiệu quả DNNN được cải thiện. Nhiều TĐ-TCTNN tái cơ cấu thành công; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp quan trọng cho vĩ mô; nhiều thương hiệu của các DNNN được củng cố và giữ vững; đời sống người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập nhiều vấn đề tồn tại như hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, phương án CPH đạt thấp, phương án xác định giá trị đất, giá trị DN còn nhiều khó khăn; cơ chế phối hợp còn bất cập; thu hút vốn đầu tư phát triển mới còn thấp hơn khu vực ngoài nhà nước; tồn tại về tái cơ cấu và thoái vốn; công tác đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân thực trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận chủ quan là chính. Nhiều đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện CPH; nhận thức về vai trò của người đứng đầu DNNN chưa cao, chưa thực hiện công khai, đúng quy định vấn đề CPH. Việc lựa chọn cán bộ của các TĐ-TCTNN còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý có nơi vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi vì lợi ích cá nhân, đặc quyền đặc lợi, thậm chí có tình trạng tham nhũng trong DNNN, "sân trước, sân sau”... Do đó, DNNN phải cùng hệ thống chính trị đóng góp vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Những vụ việc đáng tiếc vừa qua ở một số TĐ-TCTNN là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta.

Trước thách thức của thời đại mới, cạnh tranh khốc liệt, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, sự biến động nhanh của thị trường trong nước, quốc tế, sự tụt hậu về công nghệ, sự khắt khe các rào cản thị trường, Thủ tướng đề nghị các TĐ-TCTNN cũng cần đổi mới, cải cách kịp thời hơn, bảo đảm vai trò tiên phong và chủ lực của mình.

Đề cập nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, sự lớn mạnh của DNNN có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế trong công cuộc phát triển đất nước trước những thách thức của toàn cầu, sự biến động của thị trường, do đó, các TĐ-TCTNN đổi mới kịp thời, bảo đảm luôn tiên phong. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo:

Trước hết,khẩn trương nâng cao năng lực quản trị DNNN cạnh tranh hơn. Bộ máy điều hành phải được nâng cấp thông qua phương pháp quản trị hiện đại, nâng cao tính tự chủ để nâng cao tính cạnh tranh; cần đặt ra chỉ số hiệu quả trong quản lý .

Hai là,đi đầu trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới phát triển công nghệ. Mỗi TĐ-TCTNN phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo; tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái các DN vừa và nhỏ chung quanh; đi đầu trong thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thứ ba,chủ động hơn nữa trong hội nhập cạnh tranh quốc tế; lấy thị trường nội địa là trọng tâm, làm bàn đạp kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Trao quyền tự chủ cho cấp dưới nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Thứ tư,phải khắc phục những thất bại của thị trường, góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư và những lĩnh vực nhạy cảm liên quan an ninh, quốc phòng.

Thứ năm,góp phần tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế về năng lượng, lương thực, môi trường; Nhà nước nắm chi phối các lĩnh vực quan trọng, các DN quốc phòng an ninh, một số DN phúc lợi; một số vấn đề chiến lược như thế hệ mạng 5G, thành phố thông minh, Chính phủ điện tử... Chúng ta phải nhận thức vai trò, vị thế của DNNN để đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho TĐ-TCTNN, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư. Phối hợp tốt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN); kiện toàn, củng cố bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban QLVNN.

Vì vậy, thời gian tới của năm 2019 và cả năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các TĐ-TCTNN phải nỗ lực minh bạch hóa hoạt động. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Nghị định nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; có những việc thuộc về pháp luật mà vướng mắc thì sớm trình Chính phủ để sớm trình Quốc hội.

Các cơ quan quản lý phải tạo ra sân chơi bình đẳng, thuận lợi cho DNNN phát triển, không để tạo ra các "tầng nấc” khó khăn cho DNNN; phải "xắn tay” vào việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân, DN. Các bộ, ngành, cơ quan từ T.Ư đến địa phương phải nhận thức rõ điểm này để khắc phục yếu kém, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Các DNNN cần chủ động vươn lên, đổi mới sáng tạo, đổi mới quản lý, dự báo chính xác tình hình; có khát vọng dân tộc, phát triển đất nước hùng cường để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Cùng với đó, các DNNN cũng cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, gắn liền với đó là tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; giữ gìn đoàn kết nội bộ, thu hút người tài giỏi về DNNN.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Huyện Yên Thủy xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa

(HBĐT) - Mặc dù mới triển khai một thời gian, nhưng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của huyện Yên Thủy.

Triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn

(HBĐT) - Dự hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu những nội dung chính trong Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương, tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003 và cơ bản tên các chương, điều không thay đổi, có bổ sung một chương mới là chương Kiểm ngư.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam lỗ 4.800 tỷ, nợ xấu hơn 46 nghìn tỷ

Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán năm 2019 cho thấy Ngân hàng Phát triển Việt nam đang lỗ nặng.

Họp báo thông tin về Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019

(HBĐT) - Ngày 15/10, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin cho báo chí về kế hoạch tổ chức Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019. Đây là các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tại Hòa Bình, dự kiến khai mạc vào ngày 1/11.

Năng suất bình quân của cây lúa vụ mùa đạt 53 tạ/ha

(HBĐT) - Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 22,5 nghìn ha lúa, vượt 3% kế hoạch. Trong đó, diện tích trà sớm và chính vụ cấy trước 10/7 chiếm khoảng 40%, diện tích cấy từ 10-25/7 chiếm khoảng 47%, còn lại khoảng 13% cấy sau 25/7. Hiện, trà sớm và chính vụ đã thu hoạch. Dự kiến đến hết ngày 20/10 tới sẽ cơ bản thu hoạch xong. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, với năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha, dự kiến tổng sản lượng lúa vụ mùa năm nay sẽ đạt trên 118,9 nghìn tấn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - nền tảng cho tiến trình giảm nghèo

(HBĐT) - Sau học nghề, 85% lao động có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ; một bộ phận người lao động học nghề phi nông nghiệp đã chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm mới tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ, hợp tác xã… Đó là những tín hiệu vui sau hơn 3 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục