(HBĐT) - Mới đây, UBND huyện Lạc Thủy đã tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Gà Lạc Thuỷ” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT, ngày 19/3/2019. Tại buổi lễ, UBND huyện Lạc Thủy trao giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Gà Lạc Thủy” cho 30 tổ chức, cá nhân SX-KD đáp ứng đủ điều kiện về chăn nuôi giống gà. Sự kiện đã khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy trên thị trường, mở hướng đưa giống gà này đến với người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Người dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển nuôi giống gà Lạc Thủy, được thị trường ưa chuộng.
Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, gà Lạc Thủy là giống bản địa của Việt Nam, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, được đưa vào đối tượng để bảo tồn nguồn gen. Sau khi phát hiện giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và chăn nuôi đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống. Đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành (Lạc Thủy) và xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), hiện được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy.
Theo chia sẻ của đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, gà Lạc Thủy là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình, có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây còn là giống gà có khả năng chống chịu bệnh và dễ nuôi, lớn nhanh.
Khi trưởng thành con mái có lông màu lá chuối khô, gần giống với gà Mía (Sơn Tây), nhưng con trống hoàn toàn khác, ngoại hình đẹp với bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng, mào đơn, rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Gà Lạc Thủy mọc lông sớm và nhanh nên có khả năng thích nghi, chống chịu thời tiết tốt, nhất là vào mùa lạnh. Có thể nuôi theo phương thức nuôi nhốt, bán chăn thả, thích hợp với quy mô hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.
Từ hiệu quả kinh tế rõ nét, người dân huyện Lạc Thủy đã mở rộng quy mô nuôi gà theo hướng hình thành vùng hàng hóa. Nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn đồi kếp hợp nuôi gà sản xuất an toàn với số lượng hàng nghìn con. Hiện, toàn huyện có 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy, 15 cơ sở ấp nở gà giống, trên 150 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn. Hàng năm, người chăn nuôi cung cấp cho thị trường khoảng 10 triệu con giống, 500 tấn gà thương phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và phát triển KT-XH địa phương.
Để khai thác và phát huy giá trị của NHCN "Gà Lạc Thủy", UBND huyện ban hành Quy chế quản lý và sử dụng NHCN "Gà Lạc Thủy"; hướng dẫn quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN cũng như quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ, mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế; tuyên truyền người dân đầu tư mở rộng vùng sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi.
Thu Hiền
(HBĐT) - Cuối năm 2014, sản phẩm "Quả lặc lày và rau quả hữu cơ” Lương Sơn được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó, rau hữu cơ (RHC) Lương Sơn đã nhận được những phần thưởng xứng đáng: "Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2016”; "Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”. 3 năm liên tục được tôn vinh "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” và có mặt trong chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm (ATTP) "Thực phẩm xanh, nông sản sạch”. Đó là những dấu ấn đầy thuyết phục cho thấy sản phẩm RHC đang có bước tiến dài về chất lượng trong hành trình hướng ra thị trường lớn.
(HBĐT) -Trong những năm qua, tỉnh ta không ngừng khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi thủy sản. Với việc nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình" được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận đã tạo ra cơ hội cho lĩnh vực nuôi cá lồng trên hồ sông Đà phát triển mạnh mẽ.
(HBĐT) - Kể từ niên vụ thu hoạch cây ăn quả có múi 2017 - 2018, tại các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thêm gian hàng của nông trại Linh Dũng, địa chỉ thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Gian hàng này đặc biệt thu hút khách bởi sản phẩm bán ra nguồn gốc hữu cơ. Cho đến hiện tại, nông trại là cơ sở duy nhất của miền Bắc, 1 trong 2 cơ sở trên toàn quốc đưa sản phẩm cây ăn quả có múi sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ ra thị trường.
(HBĐT) - Ngày 26/10, tại siêu thị Vinmart Royal City (72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội Cá Sông Đà - Hòa Bình. Chương trình do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh phối hợp thực hiện.
(HBĐT) - Ngày 25/10, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp và cho ý kiến về việc tổ chức "Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019”; Tuần lễ giới thiệu "Sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình năm 2019” tại siêu thị BigC Hà Nội. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
(HBĐT) - Ngày 25/10, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Hội nghị công bố chứng nhận nhãn hiệu "Gà Lạc Sơn” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp. Đây là sản phẩm thứ 2 của huyện Lạc Sơn, sau hạt dổi được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.