(HBĐT) - Nhiều năm trước, cây ngô được lựa chọn là cây "xóa đói, giảm nghèo" ở vùng cao. Thế nhưng, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vì nhiều nguyên do, ngô đã không còn là cây hàng hóa chủ lực. Tại một trong những vựa ngô của tỉnh là huyện vùng cao Đà Bắc, diện tích ngô 2 vụ từ trên 8.000 ha nay giảm còn khoảng 5.000 ha.



Nông dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) hiện chủ yếu trồng ngô phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm với diện tích giảm một nửa so với trước đây.

Từ bấp bênh hiệu quả kinh tế

Lý giải vì sao nhiều hộ không còn mặn mà với cây ngô,chị Lò Thị Thi ở xóm Sơn Phú cho biết: Làm một phép tính về chi phí đối với 1 ha ngô hiện nay, người trồng sẽ phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua giống, khoảng 10 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Trong thời gian 4 tháng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, nông dân sẽ phải bỏ rất nhiều công, thậm chí phải thuê nhân công để thu hái, tuốt ngô. Đổi lại, với tình hình giá cả như thực tế thời gian qua thì người trồng ngô chịu phần thua thiệt. Giá ngô bán tươi mấy năm nay giữ ở mức 3.000- 3.500 đồng/kg, ngô hạt khô giá 6.000 đồng/kg. Với năng suất ổn định 50 tạ/ha ở vụ mùa và 35 tạ/ha ở vụ hè thu, người trồng ngô thu về kết quả là hòa vốn đầu tư, còn phần công sức bỏ ra gần như không có.

Xóm Nà Chiếu dẫn đầu về diện tích ngô của cả xã ở thời điểm trước với khoảng 250 ha. Cả xóm có 175 hộ thì có trên 120 hộ tham gia trồng. Tuy nhiên, hiện tại, diện tích ngô của xóm giảm còn chưa đến 70 ha, gần 80 hộ trồng. Trong số đó, hộ ông Đinh Văn Công từng có diện tích ngô trồng lớn nhất. Ông Công chia sẻ: Trước đây, tôi tập trung làm mạnh, có vụ trồng tới hơn 80 kg giống, tương đương 5 - 6 ha. 2 - 3 năm nay, vật tư đầu vào cao mà hạt ngô làm ra bán với giá rẻ nên diện tích co cụm lại. Ngô bây giờ trồng chủ yếu phục vụ chăn nuôi của gia đình chứ không để bán như trước nữa.

Mường Tuổng, Đoàn Kết cũng là những vùng ngô lớn của huyện Đà Bắc.Theo đồng chí Hà Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, với những đất bưa bãi, thuận tiện cho vận chuyển tư liệu sản xuất và thu hoạch, tập kết hàng hóa, các hộ vẫn tiếp tục trồng vì năng suất ngô vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, với những diện tích ở xa, đồi dốc thì bà con bỏ trồng gần hết. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho rằng, thực trạng trồng không hiệu quả, thậm chí bị thua lỗ phần lớn rơi vào hộ nghèo, thiếu vốn phải lựa chọn hình thức mua vật tư, phân bón trả chậm. Đến khi có trả, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vậtcao hơn rất nhiều so với bỏ vốn mua thẳng. Đơn cử, nếu có tiền mua thẳng thì phân bón 3 màu chuyên dùng cho ngô là 64.000 đồng/kg, nhưng nếu là ứng phân bón của tư thương thì sau này phải trả với giá 100.000- 110.000 đồng/kg. Mỗi kg giống ngô hiện có giá 130.000 đồng nhưng nếu mua nợ đến cuối vụ trả thì giá là 170.000 đồng/kg...

Đến xu hướng lao động vùng cao về phố

Trước thực trạng trồng ngô không được giá, lao động ở các vùng chuyên canh ngô Đà Bắc có xu hướng về các thành phố lớn làm thuê. Đa số làm công việc chân tay, phụ xây hoặc làm may mặc, điện tử tại các khu công nghiệp của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên.

Luồng lao động đi làm ăn xa tập trung ở những xã trước trồng ngô như: Cao Sơn, Đoàn Kết, Yên Hòa, Mường Tuổng, Suối Nánh, Toàn Sơn. Ở những năm trước, hộ ông Đinh Văn Tha, xóm Nà Chiếu (xã Cao Sơn) trồng diện tích ngô khá lớn, mỗi vụ xuống 30 kg giống. Hai năm nay, bỏ trồng ngô, ông cho 2 con đi làm công nhân ở một nhà máy của tỉnh Thái Nguyên. Mỗi tháng, trừ chi tiêu, các con vẫn gửi về chục triệu đồng, so với trồng ngô thì thu nhập cao gấp mấy lần. Vợ chồng ông Xa Văn Lơn ở xóm Khem, xã Đoàn Kết mấy năm nay cũng thu hẹp diện tích trồng ngô chỉ còn khoảng 1.000 m2 để phục vụ chăn nuôi trong gia đình. Thời gian còn lại dành để trông nom cháu cho các con yên tâm đi làm ăn xa.

Ước tính, lực lượng lao động bỏ trồng ngô về phố có đến vài nghìn người. Tính riêng trên địa bàn xã Cao Sơn, qua chia sẻ của đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã, theo tính toán nếu trồng ngô, mỗi ngày, nông dân thu được khoảng 50.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi làm thuê, ngoài cơm nuôi, mỗi lao động phổ thông còn đảm bảo mức thu nhập từ 150.000- 200.000 đồng/ngày. Một số lao động làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp ngoài việc được ăn ở miễn phí còn đạt mức lương 5-7 triệu đồng/tháng. Thống kê sơ bộ, cả xã có 700 lao động đang đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố. Có những xóm hiện nay chỉ còn toàn người già và trẻ em ở nhà.

Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng

Theo đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, với thực trạng cây ngô mất giá, công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được triển khai mạnh mẽ. Từ chủ trương, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, các địa bàn trước đây trồng ngô đang tích cực chuyển dịch sang trồng cây lâm nghiệp và các loại cây ăn quả lâu năm. Điển hình như tại vùng đất đồi trước đây chuyên canh ngô của xã Cao Sơn đã chuyển đổi trồng trên 500 ha rừng trồng, chủ yếu là cây mỡ, lát, xoan hương, bồ đề, keo. Với diện tích đất nông nghiệp, toàn xã đã trồng 140 ha cây ăn quả có múi các loại. Toàn huyện hiện chuyển đổi được 250 ha cam, bưởi, trên 10 ha chè, trên 100 ha cây dược liệu. Diện tích rừng trồng mới tăng đều từ 800- 1.100 ha mỗi năm. 
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp như hiện nay là giải pháp bền vững để người dân vùng cao Đà Bắc ổn định cuộc sống về sau, đồng thời, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đa dạng theo chuỗi giá trị. Thực tế hiện nay, ngoài những lý do cây ngô không mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc sử dụng thuốc diệt cỏ tại các vùng trồng ngô chuyên canh cũng đáng quan ngại. Nhiều địa phương như Đồng Chum, Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Chiềng do nhận thức được tính chất nguy hại của thuốc diệt cỏ tác động tới sức khỏe con người và môi trường đã đưa vào quy ước, hương ước thống nhất không sử dụng thuốc diệt cỏ. Bên cạnh việc hình thành vùng sản xuất ngô sạch thì những thay đổi về nhận thức này cũng tác động giảm đáng kể về diện tích trồng ngô.

 


Bùi Minh



Các tin khác


Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục