(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có nhiều tiềm năng về đất đai, lao động thích hợp cho việc phát triển cây có múi tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất cây có múi của huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, an toàn đồng thời đã khẳng định được giá trị kinh tế cao, vượt trội so với các cây trồng khác trên địa bàn huyện. Sản phẩm cam Mường Động và bưởi Mường Động được chứng nhận nhãn hiệu tập thể là động lực rất lớn thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện.  



Sản phẩm bưởi da xanh của thành viên HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, xã Tú Sơn (Kim Bôi) cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất theo hướng an toàn

Từ năm 2010 trở về trước, cuộc sống của gia đình chị Bùi Thị Hảo ở xóm Muôn, xã Kim Sơn gặp nhiều khó khăn do đời sống kinh tế chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Không cam chịu đói nghèo, năm 2011, chị Hảo đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cam ở huyện Cao Phong. Về chị bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng chuyển đổi sang đầu tư trồng cây ăn quả có múi với 2 giống cam Canh và cam V2, diện tích 2 ha. Năm 2014, cây cam bắt đầu cho thu bói, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha. Từ năm 2015 đến nay cho thu hoạch ổn định, cam Canh cho năng suất từ 25-30 tấn/ha, giá bán từ 18-20 ngàn đồng/kg; cam V2 cho năng suất từ 20-25 tấn/ha với giá bán từ 25-30 ngàn đồng/kg. Doanh thu từ cam của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm. Từ năm 2018, nhận thấy sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đầu ra ổn định, chị Hảo tham gia làm thành viên HTX DVNN và cây ăn quả có múi xã Kim Sơn. Chỉ Hảo chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi đang chăm sóc cây cam theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường sạch và an toàn cho người sử dụng. Kế hoạch đến năm 2020, sẽ đăng ký bao bì và tem truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Từ năm 2017 đến nay, với sự phát triển và hình thành các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác và trang trại đã mang lại sự thay đổi lớn trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cam, bưởi. Nhiều mô hình mới được ra đời như HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động thành lập năm 2016 là một trong những HTX điển hình về xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tạo được hiệu quả cho đầu ra sản phẩm nông sản có múi của địa phương với trên 70% sản lượng cam, bưởi VietGAP của HTX được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có 6 HTX Dịch vụ nông nghiệp tham gia cung ứng, sản xuất và tiêu thụ các loại cây ăn quả có múi. Trong đó có 2 HTX có sản phẩm cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích đạt gần 170 ha; có 1 trang trại với diện tích 3,8 ha cam, bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích cam đạt trên 576 ha, các giống cam chính bao gồm: cam chín sớm, cam Đường Canh, cam V2. Trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Tú Sơn 71 ha, Vĩnh Tiến 174,8 ha, Kim Sơn 122 ha, Nam Thượng 60,6 ha, Mỵ Hòa 117 ha... Năng suất đạt trên 24 tấn/ha, sản lượng cả năm đạt trên 9.100 tấn. Giá trị sản xuất từ cam đạt trên 182,1 tỷ đồng; doanh thu đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Tổng diện tích bưởi trên toàn huyện đạt trên 770 ha, trong đó, diện tích kiến thiết cơ bản 442,7 ha, diện tích kinh doanh 330,1 ha, năng suất đạt 19 tấn/ha, sản lượng đạt 6.295 tấn. Giá trị sản xuất thu được từ bưởi năm 2019 đạt trên 157,3 tỷ đồng. Các giống bưởi chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh. Cây bưởi chiếm diện tích lớn nhất toàn huyện, chiếm trên 56% tổng diện tích cây ăn quả có múi, tập trung tại các xã Tú Sơn 56 ha, Đú Sáng 91,5 ha, Hùng Tiến 92,2 ha, Mỵ Hòa 83,1 ha, Nam Thượng 59,7 ha... Doanh thu từ bưởi đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha.

          Phát triển thương hiệu bền vững

Các diện tích cam, bưởi được sản xuất chủ yếu với hình thức hộ gia đình, một số diện tích do HTX Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ về giống và vật tư. Quy mô diện tích trồng trung bình từ 0,2 - 2 ha/hộ. Một số hộ tại các xã như Kim Sơn, Mỵ Hòa liên kết sản xuất theo hình thức 50/50, một bên có đất và lao động, một bên đầu tư giống, vật tư và kỹ thuật. Sản lượng cam, bưởi sản xuất chủ yếu được tiêu thụ theo hình thức bán buôn cho tư thương (chiếm 95%), một số sản phẩm cam, bưởi được các đơn vị tiêu thụ theo hợp đồng liên kết như: Công ty CP đầu tư Kho Vận SK Logistics - Hưng Yên; Công ty CP sản xuất và chế biến nông sản số 1 Hà Nội; Công ty Chuẩn Nông Việt Nam và Công ty TNHH BioBee Việt Nam, địa chỉ tại thành phố Hà Nội. Số còn lại là hộ tự bán lẻ (chiếm 5%). Thị trường tiêu thụ chủ yếu là địa bàn ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Sức ép cạnh tranh với khoảng trên 30 vùng cam, bưởi khác nhau trong và ngoài tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm cam, quýt được nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch... Cam, bưởi Kim Bôi có chất lượng tốt, phương thức trồng phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại (theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ). Bởi sản phẩm chưa có các dấu hiệu nhận biết trên thị trường nên khả năng cạnh tranh thấp. Chất lượng cam và bưởi không đồng đều giữa các khu vực trồng do chế độ chăm sóc, giống. Chưa có các liên kết ngang, dọc theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, quản lý môi trường sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ...

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi khẳng định: "Sự kiện cam, bưởi Mường Động được bảo hộ nhãn hiệu tập thể vừa được tổ chức là thành công lớn của huyện. Để bảo vệ và phát triển thương hiệu, chúng tôi sẽ chỉ đạo đơn vị sở hữu nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Mường Động cùng các phòng, ban liên quan tăng cường quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, mở rộng vùng sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất theo hướng VietGAP, ứng dụng mạnh KHKT trong sản xuất để sản phẩm cam, bưởi Mường Động vươn xa trên thị trường. Đồng thời, tổ chức kết nối giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi giá trị để bảo đảm thu nhập ổn định cho người sản xuất; quy hoạch vùng trồng cũng như xác định giống có chất lượng tốt. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam, bưởi Mường Động với các dấu hiệu nhận diện, hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và ATTP nhằm thích ứng với yêu cầu thị trường ngày càng cao là cần thiết nhằm phát triển cây cam, bưởi một cách bền vững và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Đinh Thắng

Các tin khác


Thêm năm doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang LB Nga

Kể từ ngày 4-12-2019, năm doanh nghiệp gồm: DL 374, Phân xưởng 1, Công ty Seaprodex Minh Hải; DL 34, Công TNHH chế biến thủy sản 1; DL 344, Công ty TNHH thủy sản Huy Nam; DL 409, Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản XNK Kiên Cường; DL 266, Công ty TNHH Ngọc Tùng, được phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Liên bang Nga.

Bỏ phiếu xét công nhận huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019

(HBĐT) - Chiều 5/12, UBND tỉnh tổ chức họp BCĐ các chương trình MTQG tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2016-2020 xét công nhận huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tiêu thụ mía nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020

(HBĐT) - Ngày 5/12, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp mía đường, các địa phương có diện tích trồng mía đường nhằm tìm giải pháp tiêu thụ nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020.

Diện mạo nông thôn mới xã Đông Lai

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đông Lai (Tân Lạc) xuất phát điểm còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập người dân ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Sau 9 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân đã góp phần giúp xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Diện mạo NTM của xã có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên.

Chi cục Thuế khu vực sau khi sáp nhập hoạt động ổn định, không gây xáo trộn

(HBĐT) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH T.Ư khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, ngày 13/4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 520 phê duyệt Kế hoạch triển khai, sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hơn 170 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135 

(HBĐT) - Năm 2019, công tác dân tộc được triển khai đồng bộ, trong đó, các chương trình, dự án chính sách dân tộc được triển khai thực hiện lồng ghép. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục