(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, huyện Đà Bắc đặt mục tiêu phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm hiện có (khoảng 4 sản phẩm) được công nhận, triển khai thực hiện từ 1 - 2 làng, bản văn hóa du lịch. Tuy nhiên, đến nay, huyện chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn OCOP. Hành trình đưa sản phẩm của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP gặp nhiều khó khăn.


Ông Khương Xuân Thưởng (bên phải), Giám đốc HTX Đa nghề Yên Lý, xã Cao Sơn (Đà Bắc) giới thiệu sản phẩm miến dong.

Năm 2019, huyện đăng ký 3 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm: miến dong - chủ thể là HTX Đa nghề Yên Lý, xã Cao Sơn; gạo J02 - chủ thể là HTX Quyết Tiến, tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc; rượu ngô - chủ thể là hộ sản xuất Khương Xuân Thưởng, xóm Sèo, xã Cao Sơn. Năm 2020, huyện đăng ký thêm sản phẩm hạt sachi rang sấy - chủ thể là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình - chi nhánh Đà Bắc.

Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2019, huyện ưu tiên chuẩn hóa các sản phẩm nông sản đặc sản. Huyện tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ, đại diện doanh nghiệp, HTX… về nội dung trong chương trình OCOP. Tổ giúp việc thực hiện chương trình xuống cơ sở tìm hiểu tình hình sản xuất để trợ giúp các chủ thể, hướng dẫn chủ thể thực hiện các thủ tục về an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể... Tuy nhiên, cả 3 sản phẩm của huyện đăng ký năm 2019 còn thiếu hồ sơ nên không đạt yêu cầu, không đủ điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đồng chí Phùng Đình Châm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm nay là năm cuối thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, tuy nhiên, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện khó đạt các tiêu chuẩn để công nhận. Nguyên nhân do một số chủ thể chưa nhiệt tình trong việc tham gia Chương trình OCOP; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản của huyện rất hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản; nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận. Một số chủ thể còn thiếu vốn để sản xuất...

Sản phẩm miến dong - chủ thể là HTX Đa nghề Yên Lý, xã Cao Sơn được đánh giá là sản phẩm có tiềm năng nhất của huyện đạt các tiêu chuẩn công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2020. Hiện, sản phẩm đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất được đảm bảo; thị trường tiêu thụ ổn định… Tuy nhiên, theo ông Khương Xuân Thưởng - Giám đốc HTX Đa nghề Yên Lý, sản phẩm miến dong vẫn còn gặp một số khó khăn trong hành trình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP như nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất còn mang tính thời vụ. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho HTX sản xuất miến dong chủ yếu tại xã, HTX không nhập thêm nguyên liệu từ vùng khác. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khó khăn về vốn để duy trì sản xuất; hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hạn chế; còn nhiều vướng mắc trong việc làm hồ sơ công nhận sản phẩm…

Đồng chí Phùng Đình Châm cho biết thêm: Để tháo gỡ những khó khăn, tiến tới xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, tạo điều kiện, động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế. Huyện bố trí phân bổ kinh phí hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các tiêu chuẩn. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách giúp các chủ thể tháo gỡ khó khăn về vốn. Trong năm, huyện sẽ mở thêm 4 lớp tập huấn với khoảng 200 học viên tham gia nhằm hướng dẫn cán bộ, chủ thể tham gia chương trình có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước đưa nông dân hội nhập thị trường; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ công nhận sản phẩm... Huyện phấn đấu đến tháng 8/2020, Hội đồng thẩm định huyện sẽ tổ chức đánh giá, chấm điểm xong các sản phẩm.

Thu Thủy


Các tin khác


Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ người vay vốn đối phó dịch Covid-19

(HBĐT) - Trước tình hình dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm thời hạn trả nợ vay và không tính lãi phạt quá hạn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp nhằm vượt qua khó khăn.

Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 8 doanh nghiệp

(HBĐT) - Bước vào năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Xăng, dầu giảm giá sâu nhất từ đầu năm

Chiều 15/3, xăng dầu đồng loạt giảm giá sâu, xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít.

Xã Đú Sáng thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

(HBĐT) - Đú Sáng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi. Những năm gần đây, người dân đã tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, liên kết với doanh nghiêp, HTX tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện bền vững đời sống người dân.

Tăng cường quản lý Nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có Văn bản số 272/UBND-NNTN ngày 3/3/2020 chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - LTS: Với sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trên toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 (15/3), phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này. Sau đây là nội dung:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục