Theo VASEP hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả 3 nhóm hàng, tôm, cá tra và hải sản khai thác đều đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính do doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm.
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu đang khiến các hoạt động kinh tế và nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đứt thanh khoản, dòng tiền không đủ để duy trì hoạt động bộ máy.
Trước tình hình này, các ngân hàng thương mại tiếp tục tung ra các gói miễn giảm, hỗ trợ lãi suất và doanh nghiệp đang ngóng chờ cơ hội dành cho mình.
Quý 1/2020, xuất khẩu tôm của cả nước sụt giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Khó khăn lan rộng
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả ba nhóm hàng, tôm, cá tra và hải sản khai thác đều đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính do doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm; trong khi đó, doanh thu xuất khẩu của ngành giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.
Mặc dù đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, còn khoản vay cũ không được áp dụng.
Ngoài việc lãi suất vay cao, các doanh nghiệp đang phải "gánh” quá nhiều loại phí tại các ngân hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí tài chính của doanh nghiệp, nhất là trong lúc dòng tiền bị thu hẹp đáng kể - VASEP dẫn chứng.
Không chỉ riêng nhóm thủy sản đối mặt với khó khăn này mà nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng đang phải gồng mình bám trụ trước những tác động tiêu cực do dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, dù giao dịch các sản phẩm cao su nhựa vẫn diễn ra bình thường song dòng tiền lại về rất chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì bộ máy hoạt động, trả lãi suất đúng hạn cho ngân hàng... Ngay giữa mùa dịch, dù đã thử liên hệ với một số ngân hàng có công bố tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thực tế vẫn khó tiếp cận sự ưu đãi này.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày, hiện nguồn hàng từ Trung Quốc đã được nối lại, nguyên liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thế nhưng, chưa kịp mừng thì các doanh nghiệp lại phải "đau đầu” tìm đầu ra vì cả hai thị trường chính là châu Âu và Mỹ đã có thông báo ngừng nhập hàng để chống dịch. Trước đó, rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản cao.
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều hiệp hội ngành nghề liên tục gửi đơn "kêu cứu” lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ; trong đó có nội dung khoanh nợ, miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Mới đây nhất, VASEP cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO) cùng ký văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều bộ ngành về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến sản xuất, xuất khẩu; trong đó, chủ yếu là các kiến nghị liên quan đến chi trả bảo hiểm xã hội, lương cho người lao động, thuế phí…
Về vấn đề vay vốn ngân hàng, cả ba hiệp hội thống nhất kiến nghị được hỗ trợ hạ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020. Cụ thể, hạ 4-5% đối các khoản vay bằng VNĐ và hạ 2-3% đối với các khoản vay bằng USD; đồng thời, xin giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 với thời hạn trả chậm được phép tối thiểu là 3-6 tháng mà không tính lãi suất chậm trả nợ.
Các dây chuyền dệt may của Công ty Cổ phần dệt may Phú Hòa An tại Khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Tiếp tục "bơm” vốn ưu đãi
Trước những khó khăn chung, đầu tháng 4/2020, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cũng như thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng, nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chung tay vượt qua khó khăn do dịch bệnh kéo dài, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp chia sẻ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như chủ động tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu…; kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.
Đầu tháng Tư, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng có chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường với quy mô lên đến 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước thời điểm xảy ra dịch; trong đó, đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân giai đoạn đại dịch COVID-19.
Theo ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, ngân hàng này đã giảm từ 0,5-1,5% lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng; giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ 18.000 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng 2% dư nợ của VietinBank.
Ngoài việc cơ cấu nợ, miễn giảm hỗ trợ lãi suất, VietinBank cũng thực hiện giảm phí cho các doanh nghiệp với giảm khoảng 20-50%. Cá biệt có một số loại phí, đặc biệt phí tài trợ thương mại có thể giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 kể từ ngày 31/3/2020. Đặc biệt, HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Đầu tư phát triển (BIDV), Quốc tế (VIB)... cũng tiếp tục thực hiện giảm thêm lãi suất cho khoản vay hiện hữu và khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đều đồng thuận giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Với dòng tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp kỳ vọng có thể sớm tiếp cận để khơi thông sản xuất, vực dậy thị trường vượt qua "bão” COVID-19./.
Theo TTXVVN
(HBĐT) - Huyện Đà Bắc có tổng diện tích rừng 47.143,24 ha, trong đó, rừng tự nhiên 31.458,04 ha, rừng trồng 15.685,20 ha. Thời gian qua, trồng rừng trở thành một trong những nghề tạo việc làm, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ khai thác. Chính vì vậy, công tác trồng rừng được cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc quan tâm, đầu tư, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng.
(HBĐT) - Qua hơn 1 năm triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo động lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.
(HBĐT) - Theo UBND huyện Lạc Thủy, đến nay, toàn huyện có 50 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 15.753 tỷ đồng, một số dự án trọng điểm đang được triển khai đầu tư như: Dự án cáp treo Hương Bình, Khu du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng huyện Lạc Thủy của Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình; Dự án Tổ hợp thể thao - văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản và Dự án sân golf Đồng Tâm; Dự án nhà sản xuất vôi và máy bột nhẹ Xuân Thiện và cảng Xuân Thiện.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Bài 2 - Thúc đẩy sản xuất mía tím chất lượng cao gắn với liên kết đầu ra bền vững
(HBĐT) - Ở các niên vụ gần đây, giá trị thu nhập bình quân đối với cây mía tím vẫn giữ trong khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha, có vườn đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. So với một số cây lương thực như lúa, ngô đạt giá trị thu nhập khoảng 65 triệu đồng/ha, trồng mía tím vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần. Bên cạnh đó, mía tím Hòa Bình đang vấp phải những khó khăn, thách thức trong việc giữ thương hiệu, đó là chất lượng giống bị thoái hóa, sức mua trên thị trường giảm.