Đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni, khu công nghiệp bờ trái sông Đà.
Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, BQL đã tham mưu UBND tỉnh trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung 8 KCN vào quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (tại Văn bản số 2350/TTg-KTN, ngày 31/12/2008), bao gồm các KCN: Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, Yên Quang, Nhuận Trạch, Thanh Hà. BQL đã chủ trì, triển khai hoàn thành việc lập, công bố quy hoạch chi tiết các KCN vào tháng 7/2011 với tổng diện tích quy hoạch chi tiết 1.672 ha. Đặc biệt, BQL các KCN tỉnh đã phối hợp các ngành liên quan tham mưu xây dựng, trình BCH Đảng bộ tỉnh ban hành các văn bản định hướng phát triển công nghiệp như: Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 26/5/2014 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020; Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức BQL được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh như công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, công tác xúc tiến thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường trong các KCN; thực hiện tốt công tác quản lý lao động làm việc tại doanh nghiệp trong các KCN. Đồng thời, BQL đã phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, diễn tập phương án chữa cháy cho các doanh nghiệp KCN.
Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đặc biệt là tinh thần quyết tâm vượt khó của BQL, nhà đầu tư, các KCN đã hoàn thành nhiệm vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao, công tác phát triển các KCN của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu phát triển KCN đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, thu hút được 8 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,5 triệu USD và 315,85 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 4 triệu USD và 88,9 tỷ đồng. Doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp vượt so với kế hoạch lần lượt là: 13,9% và 11,2%; giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, tăng 7,8% so với năm 2020, tăng 11,2% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 250 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020, đạt 100% kế hoạch; tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư đạt 100 ha, tăng 400% so với năm 2020. Đến nay, các KCN của tỉnh có 104 dự án đầu tư, trong đó, 26 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 514,78 triệu USD và 78 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 13.574,66 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các chỉ tiêu về phát triển các KCN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh (giá trị xuất khẩu chiếm 56%, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 44,36% giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, BQL các KCN tỉnh đã chủ trì, tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh Chiến lược phát triển các KCN, CCN tỉnh đến năm 2030; sửa đổi một số quy định, quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; tham mưu hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, CCN của tỉnh; phối hợp các cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng, trình ban hành một số đề án của tỉnh, trong đó có lĩnh vực phát triển các KCN; triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số KCN: Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, bờ trái sông Đà. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, Ban đã chỉ đạo thành lập và ra mắt 2 Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành tại KCN Lương Sơn, KCN bờ trái sông Đà nhằm tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các KCN. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, giúp các doanh nghiệp trong KCN hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Công ty TNHH Thấu kính R Việt Nam giải quyết việc làm cho trên 670 công nhân lao động trên địa bàn. Ảnh: P.V
Nghị quyết, đề án, chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể là huy động mọi nguồn lực, tập trung chủ yếu vào các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư để đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Yên Quang, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN đã hình thành lên trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các KCN, CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha)…
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phát huy thành tích đạt được trong 15 năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động BQL các KCN tỉnh tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, tham mưu, phối hợp thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và minh bạch; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.