Nhiều hộ gia đình ở xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) đầu tư phát triển chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập.
Thực hiện phân định vùng đồng bào DTTS theo các quyết định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc, trên địa bàn huyện có 13 xã và 7 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài và cũng là vấn đề cấp bách hiện nay. Do vậy, công tác này luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các phòng, ban của huyện quan tâm. Đặc biệt, những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, các chủ trương, chính sách đối với công tác dân tộc cũng như vùng ĐBKK trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các mô hình sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi... qua đó giúp bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tuy vậy, do điều kiện phát triển KT-XH, nhất là vấn đề giao thông còn nhiều bất lợi; diện tích tự nhiên phần lớn là đồi núi, đất sản xuất ít, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ; trình độ dân trí chưa cao… nên Đà Bắc vẫn chưa thể thoát khỏi huyện nghèo. Đến nay, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ dân sinh. Vùng ĐBKK có đông đồng bào DTTS sinh sống, canh tác lâu đời vẫn là "lõi nghèo” của huyện…
Thực tế cho thấy, với nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện trong giai đoạn vừa qua đã giúp bình quân tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đà Bắc giảm khoảng 5,8%/năm. Song, nếu so với kết quả giảm nghèo chung của cả huyện thì tình trạng hộ nghèo và cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn hiện nay, khi hộ nghèo người DTTS chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo cả huyện. Theo kết quả rà soát, trên địa bàn huyện còn 695 hộ dân cần được hỗ trợ về nhà ở để xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát; 232 hộ thiếu đất ở hoặc chưa có đất ở. Mặc dù sinh kế của người dân gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, nhưng toàn huyện có đến 1.101 hộ nghèo sinh sống tại vùng ĐBKK chưa có hoặc thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, có 2.236 hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và có nhu cầu xây dựng 89 công trình nước sinh hoạt tập trung…
Để giải quyết các vấn đề nói trên đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá với nguồn lực đầu tư đủ mạnh cho chính sách giảm nghèo gắn liền với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN thì mới thực hiện được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc. Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được huyện Đà Bắc xác định là động lực và cũng là đòn bẩy hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển của huyện, giúp người dân thoát nghèo, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Đà Bắc; trong đó yêu cầu cần xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình, cũng như xác định địa bàn, đối tượng cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH khu vực khó khăn có đông đồng bào DTTS, để tiến tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, KT-XH phát triển ở những xã chưa đạt nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ ra được những nhiệm vụ cụ thể, giải quyết những vấn đề căn cơ, cấp thiết của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào ở những khu vực thôn, xóm, xã ĐBKK; xác định được các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS&MN.
Huyện Đà Bắc đã đề ra các mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025, cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác nhằm nỗ lực phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm từ 2,5 - 3%, trong đó các xã ĐBKK bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn ĐBKK. Phấn đấu nâng cấp, duy trì 100% đường ô tô đến trung tâm xã đạt chuẩn; 90% đường giao thông liên thôn, xóm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Từng bước quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ DTTS đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát… Bên cạnh đó, huyện cũng đề ra các mục tiêu cụ thể khác trên các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội…
Bình Giang