(HBĐT) - Tháng 8/2022, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Để đạt được thành quả này, ngoài sự đầu tư của Đảng, Nhà nước còn có sự ủng hộ, đóng góp rất lớn của người dân.


Thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) phát huy nội lực của nhân dân xây dựng đường hoa, nhà văn hóa xóm, đường điện thắp sáng làng quê nhằm thực hiện khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Đến thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm có lẽ bất kỳ ai cũng chung cảm nhận nơi đây thực sự là một miền quê lý tưởng với cảnh quan thiên nhiên xanh - sạch - đẹp và tình người nồng hậu. Tuyến đường bê tông dẫn vào thôn thẳng tắp, hai bên là hàng bách diệp xanh tốt cùng nhiều loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc. Những ngôi nhà khang trang thấp thoáng trong các vườn cây ăn quả toát lên vẻ trù phú, yên bình. Vào buổi chiều, tối, thôn Tân Tiến nhộn nhịp với những môn thể thao bóng chuyền hơi, bóng bàn, dưỡng sinh. Không những vậy, CLB văn hóa văn nghệ của thôn cũng thường xuyên luyện tập. Nhà văn hóa trở thành nơi hội họp, giao lưu của người dân trong thôn. 

Bà Dương Hương Lan, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến cho biết: Ngay sau khi xã về đích NTM vào cuối năm 2015, bắt tay xây dựng NTM nâng cao, thôn được UBND xã chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Theo đó, cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn đã xây dựng kế hoạch, đề ra những phần việc cụ thể, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền vận động để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Thôn đã phát động đợt cao điểm ủng hộ xây dựng các công trình công cộng. Với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, thôn đã huy động được gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa, tuyến đường hoa, đường điện thắp sáng và lắp đặt camera an ninh. 

Phát huy sức dân để phục vụ nhân dân cũng là phương châm mà cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đồng Tâm đã triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng chí Bùi Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã xác định thành công hay không chính là nhờ tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Vì vậy, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mình chính là chủ thể xây dựng NTM. 

Không chỉ xã Đồng Tâm, với phong trào "Chung sức xây dựng NTM", những năm qua, huyện Lạc Thủy đã huy động từ nhân dân được 814,514 tỷ đồng, trong đó hiến 167.624 m2 đất,  đóng góp hiện vật, vật tư, vật liệu… trị giá khoảng 99,143 tỷ đồng và 650.000 ngày công để kết cấu hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, đầu tư vốn để phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa và các công trình phụ trợ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa được 128 công trình hạ tầng giao thông; xây mới, nâng cấp, sửa chữa, nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa 300,53 km đường giao thông nông thôn, nâng số km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn lên 541,19 km.... Đặc biệt, huyện Lạc Thủy đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực từ nhân dân thực hiện các tiêu chí khó. Trong đó, tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện là một ví dụ điển hình. Để thực hiện tiêu chí này, huyện đã huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Với hình thức thực hiện các phần việc thanh niên, gây quỹ của các tổ hội phụ nữ, nông dân, Hội CCB mua bảo hiểm y tế cho đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 8/8 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiêu chí này.

Trong thời gian tới, huyện Lạc Thủy đề ra mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 50% tổng số xã; trong đó phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 30% thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đa dạng hóa, huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy nội lực của nhân dân để hoàn thiện các tiêu chí về NTM nâng cao. Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao năng lực hoạt động của HTX, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, cải tạo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. 


Đinh Hòa


Các tin khác


Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại cần đẩy nhanh việc nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Tạo đột phá, rút ngắn lộ trình công nghiệp hóa: Bài 2 - Ưu tiên nguồn lực cho công nghiệp nền tảng

Công nghiệp nền tảng là những ngành tạo dựng cơ sở vật chất cho kinh tế-xã hội, đóng vai trò cung cấp đầu vào, công cụ máy móc, tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác.

Triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2022

(HBĐT) - Chiều 13/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức hội chợ công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2022. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội chợ chủ trì hội nghị. 

Điểm hẹn kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc (Hội chợ). Hội chợ thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của 18 tỉnh, thành phố tham gia với quy mô 232 gian hàng. Tại đây, các đơn vị, HTX, doanh nghiệp (DN) có cơ hội để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Gỡ khó cho hợp tác xã phi nông nghiệp

(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 119 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 29,38%). Trong đó có 34 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 7 HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, 13 HTX điện năng, 11 HTX giao thông vận tải, 5 HTX vệ sinh môi trường, 49 HTX thương mại - dịch vụ. Các HTX phi nông nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Hạt dổi Thạch Yên - "ngọc đen" của núi rừng

(HBĐT) - Hạt dổi từ xưa được đồng bào các dân tộc trong tỉnh sử dụng làm gia vị chấm hoặc tẩm ướp các món ăn. Ở xã Thạch Yên (Cao Phong), tại vùng đất canh tác của gia đình ông Bùi Văn Tiến, xóm Ngái có khoảng 100 cây dổi mọc tự nhiên. Nắm bắt cơ hội, ông Tiến đã dồn lực đầu tư, chăm sóc và nhân rộng diện tích trồng dổi với hy vọng biến sản phẩm thành đặc sản chất lượng cao cung cấp ra thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục