(HBĐT) - Năm 2022, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, với việc duy trì tốc độ tăng trưởng khá, các chỉ tiêu, hoạt động công nghiệp và xuất nhập khẩu đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.


Năm 2022, sản phẩm linh kiện điện tử tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, 
xuất khẩu của tỉnh. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, KCN bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình).

Theo Sở Công Thương, sự tăng trưởng mang tính chất bứt phá từ lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu năm qua của tỉnh có sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ UBND tỉnh, cùng nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Chính nhờ đó, tình hình KT-XH có những chuyển biến tích cực; kinh tế tăng trưởng khá với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,03%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 66,7 triệu đồng/người, đạt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng, bằng 164% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 14% so với năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên toàn địa bàn ước tăng 16% so với năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19%, ngành công nghiệp cung cấp nước sạch và xử lý rác thải tăng 3%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 41.626 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.437 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.097 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử, thấu kính và dệt may tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với tốc độ tăng trưởng đạt gần 14%, đây đều là những con số cao nhất từ trước đến nay kể từ khi tái lập tỉnh.


Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình (KCN Lương Sơn) giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động địa phương.

Tại Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) những ngày cận Tết Quý Mão 2023, hơn 700 công nhân hối hả trong các công đoạn gia công sản phẩm thấu kính xuất khẩu dùng cho máy ảnh chuyên dụng, camera cho ô tô, trong lĩnh vực y tế và các thiết bị theo dõi khác. Theo ông Nguyễn Long, phụ trách sản xuất, xuất nhập khẩu của Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, đến đầu tháng 12/2022, công ty đã sản xuất, xuất khẩu được trên 13 triệu USD, vẫn thấp hơn 2 triệu USD theo kế hoạch. Công ty đã tập trung nhân lực nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra.

KCN bờ trái Sông Đà những ngày cuối năm, nhiều doanh nghiệp tập trung cho hoạt động gia công, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như: Công ty TNHH Sankoh với các sản phẩm linh kiện điện tử, Công ty TNHH may xuất khẩu GGS, Công ty TNHH MTV quốc tế Harico… với hàng nghìn công nhân trong lĩnh vực may mặc đáp ứng nhu cầu của các đối tác Hàn Quốc, Đài Loan cùng nhiều nước trong liên minh châu Âu…

Tại KCN Lương Sơn (Lương Sơn), nhiều doanh nghiệp tập trung hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của năm như: Công ty may mặc của Tập đoàn Esquel - một trong những doanh nghiệp sớm đầu tư tại KCN Lương Sơn, từ khi đi vào hoạt động đến nay luôn có tăng trưởng về doanh thu, quy mô, năng lực sản xuất. Công ty HNT Vi Na (nay là Công ty Coasia CM ViNa) sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử; Công ty TNHH Minh Trung với thương hiệu cháo Bát Bảo nổi tiếng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam sản xuất linh kiện điện thoại…

Theo đánh giá, cùng với việc tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đã tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh cũng đề ra và thực hiện nhiều giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, xuất nhập khẩu. Vì vậy, năm 2022, các lĩnh vực công nghiệp và xuất nhập khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng khá ở tất cả các khu vực như khối nhà nước, ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đây là khu vực quyết định đến tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.

Bên cạnh đó, năm 2022, tín hiệu đáng mừng về xuất khẩu các sản phẩm nông sản, hoa quả cũng cho thấy những nỗ lực trong xuất nhập khẩu của tỉnh như mía tím, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thuỷ (Kim Bôi)… xuất sang thị trường Anh quốc và EU.

Đánh giá khách quan, theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp còn có sự chỉ đạo kịp thời từ UBND tỉnh đối với các ngành chức năng, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng và đa dạng hóa phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới để cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ mục đích xuất khẩu, tạo ra thế mạnh cho ngành sản xuất công nghiệp, từ đó có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp và xuất nhập khẩu tăng nhiều trong một vài năm trở lại đây. Để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề trên địa bàn liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm đào tạo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc tuyển dụng, đồng thời giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Nhìn lại một năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự cố gắng vượt bậc, lĩnh vực công nghiệp và xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục có sự phát triển, đóng góp lớn, quyết định đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động... Những kết quả đạt được trong năm qua là một bước tiến lớn, khẳng định công nghiệp, xuất nhập khẩu tiếp tục là nền tảng, động lực tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà những năm tới đây. 


Hồng Trung


Các tin khác


Làng nghề nhộn nhịp vào xuân

(HBĐT) - Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) lâu đời của tỉnh như làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu); làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy); chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… được bảo tồn và phát triển. Mỗi khi Tết đến, xuân về, không khí lao động của bà con trong làng nghề nhộn nhịp, khẩn trương.

Giá cả hàng hóa dịp Tết ổn định, cung cầu thị trường sôi động

Báo cáo tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của Bộ Tài chính cho biết, tính từ những ngày giáp Tết tới ngày mồng 2 Tết, tổng quan mặt bằng giá cả thị trường trong nước cho thấy tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hằng năm. Các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết vẫn diễn ra tương đối nhộn nhịp trước Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Âm vang quê hương Tổng Kiêm - Đốc Bang

(HBĐT) - Năm Quý Mão đã cận kề. Giữ lời hẹn với lãnh đạo xã và khát vọng của người cầm bút, tôi lại hăm hở trở về xã Mông Hóa, quê hương của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang - người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xưa kia. Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910” huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Chính sách thuế mới doanh nghiệp, người nộp thuế cần lưu ý

Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2022 là ngày 30/1/2023. Đến ngày 30/1/2023, doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp 80% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Bắt đầu từ ngày 1/1/2023 không áp dụng quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục