Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật Đất đai (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Việc xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật nhằm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm sự hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 92 điều.

Luật Nhà ở (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Việc xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 10 chương, 83 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.

Luật Viễn thông (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương và 74 điều.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho CTQP và KQS. Thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 04 nhóm chính sách:

(1) Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;

(2) Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các CTQP và KQS;

(3) Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS;

(4) Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 34 điều.

Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ "Luật Căn cước công dân (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước". Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, trong đó, sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều so với Luật Căn cước công dân năm 2014.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Dự thảo Luật gồm 06 chương, 34 điều.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều.



Theo VTV.VN

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục