Sản phẩm cơm lam Mường Động được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện giai đoạn 2021- 2025; Văn phòng điều phối NTM huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Nhận định, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn của địa phương, từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, UBND huyện, Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối đã ban hành trên 170 văn bản triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, quy định của T.Ư, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, báo cáo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Ban chỉ đạo huyện tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các xã, đặc biệt là các xã phấn đấu về đích NTM giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã tổ chức rà soát, đánh giá lại tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025…
Bên cạnh việc ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM, các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động tổ chức các nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm truyền tải các nội dung về Chương trình MTQG xây dựng NTM; tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP…
Với sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị và tham gia tích cực của nhân dân, tại huyện Kim Bôi, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của huyện; giữ vững an ninh trật tự xã hội…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Tuấn Sơn, hiện nay, 100% xã trên địa bàn đã được huyện thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng NTM, đồng thời ban hành quy định quản lý quy hoạch theo quy định. Từ các nguồn vốn, huyện đã làm mới 20 km, nâng cấp, sửa chữa hơn 11 km đường giao thông nông thôn; xây mới 3 ngầm; sửa chữa, nâng cấp 6 km kênh mương, 8 hồ đập; làm mới trên 4 km đường điện; xây mới 24 công trình, sửa chữa, nâng cấp 37 công trình trường học các cấp; đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa 13 nhà sinh hoạt cộng đồng…
Xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí quan trọng, có tác động đến kết quả thực hiện các tiêu chí khác, do vậy, huyện Kim Bôi tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân duy trì và phát triển các sản phẩm chất lượng như: cam, bưởi, thanh long, rau các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 310 ha; duy trì, mở rộng vùng sản xuất tập trung như vùng trồng bí xanh, dưa chuột tại các xã: Nam Thượng, Kim Lập, Sào Báy, Đú Sáng,... với diện tích khoảng 60 ha/vùng; vùng trồng khoai tây tại xã Vĩnh Đồng; vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã: Tú Sơn, Kim Lập, Vĩnh Tiến, Mỵ Hòa với diện tích khoảng 100 ha/xã; vùng trồng cây dược liệu diện tích 40 ha tại xã Hùng Sơn…
Duy trì và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ như: Mô hình trồng cây gai xanh AP1 liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình và Công ty An Phước, với tổng diện tích trên 40 ha tại 2 xã Tú Sơn và Xuân Thủy; trồng dưa bao tử liên kết với Công ty Hajmex, diện tích 5 ha tại 2 xã Hùng Sơn và Kim Bôi; trồng ngô sinh khối quy mô trên 45 ha tại 6 xã: Cuối Hạ, Kim Bôi, Đông Bắc, Vĩnh Đồng, Xuân Thủy, Sào Báy... Trên địa bàn huyện hiện có 30 HTX, 17 trang trại chăn nuôi hoạt động ổn định, hiệu quả. Bên cạnh đó, các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa… tiếp tục được quan tâm, giữ vững và nâng cao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với cách làm linh hoạt, phù hợp thực tiễn, hết năm 2023, huyện Kim Bôi dự kiến có 6 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã được công nhận mới; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí xã NTM toàn huyện đạt 14 tiêu chí/xã; có thêm 1 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 2 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn; có thêm 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP…
Hải Yến