Thông qua các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Lạc phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên để thoát nghèo bền vững.


Gia đình ông Bùi Văn Nam, xóm Bái Trang, xã Đông Lai (Tân Lạc) thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách.

Mường 2, cái tên khoảng chục năm về trước khiến người ta mường tượng về một vùng quê xa xôi, với đường giao thông trắc trở ở xã Đông Lai (Tân Lạc). Gần đây, vùng quê này đã đổi thay với đường giao thông thuận lợi, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Sau sáp nhập, Mường 2 có tên gọi là xóm Bái Trang. Sự "lột xác" của Mường 2 hôm nay có dấu ấn của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.

Gia đình ông Bùi Văn Thái trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Mặc dù có đất rộng vài ha nhưng không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Từ khi được vay vốn chính sách, ông Thái đã đầu tư trồng nhãn, trồng bưởi. Nhờ đó kinh tế dần khấm khá, sau này gia đình ông tiếp tục được vay thêm vốn cho hộ cận nghèo, gần đây nhất là vốn cho hộ mới thoát nghèo. "Đây là những đồng vốn rất quý đối với gia đình tôi. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của NHCSXH, gia đình có vốn để sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Nhờ đó kinh tế dần ổn định, thu nhập được cải thiện”, ông Thái chia sẻ.

Cùng ở xóm Bái Trang, gia đình ông Bùi Văn Nam cũng chính thức thoát khỏi diện hộ nghèo, với hành trình hơn 10 năm có sự đồng hành của tín dụng chính sách. Ông Nam nhớ lại, khi kinh tế còn nhiều khó khăn, nhờ vốn chính sách mà gia đình đã đầu tư nuôi trâu, bò. Qua mỗi năm, số lượng trâu, bò tăng thêm, gia đình ông bắt đầu có được sự tích cóp. Số tiền tích cóp vừa sử dụng để trang trải, vừa đầu tư trồng trọt nên kinh tế đã cải thiện rõ rệt. "Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi, vì thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất thấp. Hiện nay, gia đình đã thoát nghèo nhưng vẫn mong muốn được vay vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, có được hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Nam bày tỏ. Được biết, Đông Lai là xã đã về đích nông thôn mới, tuy nhiên, nhu cầu được tiếp cận vốn vay ưu đãi của người dân còn rất lớn. Đến hết tháng 10/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của xã đạt gần 34 tỷ đồng, doanh số cho vay trong 10 tháng qua hơn 8 tỷ đồng, cho trên 200 lượt hộ dân được vay vốn.

Ngoài xã Đông Lai, những năm qua, vốn chính sách đã "phủ” đến tất cả các thôn, xóm trên địa bàn huyện Tân Lạc. Đây là động lực quan trọng cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cũng như các chương trình tín dụng chính sách mới. Trong đó, luôn quan tâm ưu tiên nguồn vốn cho nhóm hộ nghèo, hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2023, đơn vị được giao 3,3 tỷ đồng thực hiện cho vay đối với hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Dân tộc huyện ngay từ việc xác định các đối tượng thụ hưởng. Trong tháng 11, dự kiến cho vay hỗ trợ nhà ở cho trên 40 hộ dân và hơn 1,4 tỷ đồng cho vay chuyển đổi nghề. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Viết Đào


Các tin khác


Phát triển bền vững rừng sản xuất

Với những chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, hiện, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 51%. Kinh tế rừng đóng góp tỷ trọng tương đối lớn trong kinh tế của tỉnh.

Khuyến công Hòa Bình: Hoạt động hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Thời gian qua, hoạt động khuyến công (HĐKC) đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. HĐKC đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).

Trà detox cam - món quà cho phái đẹp

Tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu cam hữu cơ của mình, HTX 3T nông sản Cao Phong (3T Farm) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để sớm ra mắt sản phẩm mới từ cam Cao Phong sấy khô. Với những tác dụng giúp tăng đề kháng cho người sử dụng, đặc biệt là tăng sắc khí cho chị em phụ nữ, sản phẩm Trà detox cam được HTX kỳ vọng sẽ được công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Thị trấn Mãn Đức: Cải cách hành chính, tạo niềm tin cho người dân

Thị trấn Mãn Đức là một trong những đơn vị cấp xã của huyện Tân Lạc được đánh giá cao về mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.

Trên 238 tỷ đồng thực hiện dự án về phát triển giáo dục vùng dân tộc

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Dự án số 5 về phát triển giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS &MN, giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh ta được phân bổ 238.198 triệu đồng thực hiện các tiểu dự án; trong đó vốn đầu tư phát triển 51.400 triệu đồng, vốn sự nghiệp 186.798 triệu đồng.

Đến năm 2030, xuất khẩu rau sẽ vượt 1 tỷ USD

Đến năm 2030, sản lượng rau cả nước đạt từ 23 - 24 triệu tấn; trong đó, sản lượng rau phục vụ chế biến khoảng 1 - 1,3 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục