Thành phố Hòa Bình được quy hoạch là trung tâm của cực tăng trưởng kinh tế. Ảnh: P.V
Hiện thực hoá 1 trong 4 đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Lập QHT là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Chính vì vậy, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập QHT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hoà Bình đã thành lập Ban chỉ đạo lập QHT do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng ban; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban chỉ đạo và tổ chức nhiều hội nghị tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương, tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh ngày 26/2/2023, tỉnh ta đã xác định công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu và quyết tâm xây dựng quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030), kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngày 14/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh có tờ trình báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHT Hòa Bình. Ngày 20/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1648/QĐ-TTg phê duyệt QHT Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình quy mô 459.029 ha, với 10 đơn vị hành chính. Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Quy hoạch sẽ "mở đường lớn" cho phát triển bền vững
Với những chỉ tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển, đồng thời đề ra phương hướng phát triển các ngành quan trọng, ngay sau khi được phê duyệt, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tin tưởng, kỳ vọng QHT sẽ "mở đường lớn" cho phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Vị, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà Huy, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chia sẻ: Tại quy hoạch lần này đã xác định 4 ngành quan trọng là công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp và phát triển nhà ở vệ tinh. Có thể thấy quy hoạch đã đi trúng vào những lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, tôi đặc biệt tâm đắc khi tỉnh ta xác định phát triển Hòa Bình trở thành trung tâm đô thị và nhà ở mới xanh, sạch, đẹp, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông công cộng kết nối cao, vượt trội về giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hoà Bình có tiềm năng để phát triển loại hình nhà ở vệ tinh. Quy hoạch sẽ là cơ sở quan trọng để chính quyền cũng như các doanh nghiệp có chiến lược lâu dài đầu tư phát triển loại hình này, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với phương án phát triển ngành, QHT đã khẳng định phương án tổ chức hoạt động KT-XH. Theo đó, các cực tăng trưởng kinh tế được xác định phát triển theo mô hình tập trung đa cực; hình thành những trung tâm phát triển tập trung với tốc độ cao và bền vững bằng các thế mạnh của đô thị công nghiệp, đô thị thương mại dịch vụ, đô thị du lịch, tạo động lực phát triển KT-XH. Đô thị Hòa Bình, Lương Sơn đóng vai trò trung tâm tác động trực tiếp và lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh; thị trấn Bo, thị trấn Ba Hàng Đồi và thị trấn Chi Nê… là khu vực động lực phát triển các huyện phía Đông của tỉnh, là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội vàvùng trung du, miền núi phía Bắc; thị trấn Hàng Trạm, thị trấn Vụ Bản... có vai trò phát triển kinh tế các huyện phía Nam của tỉnh; các thị trấn: Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Mãn Đức có vai trò động lực thúc đẩy phát triển khu vực lòng hồ Hòa Bình và các địa phương phía Tây của tỉnh.
Đô thị Lương Sơn được quy hoạch là trung tâm vùng động lực phát triển của tỉnh Hoà Bình.
"Với việc phát triển đa cực, ngoài các đô thị đóng vai trò trung tâm phát triển, quy hoạch đã xác định thêm nhiều đô thị giữ vai trò động lực, cầu nối kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng mà tỉnh đang nỗ lực triển khai. Qua đó giúp đánh thức tiềm năng, lợi thế của các vùng chưa được khai thác", đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi chia sẻ.
Ngoài ra, quy hoạch cũng xây dựng phương án quy hoạch đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn. Theo đó, đô thị Hòa Bình phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính - chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du, miền núi phía Bắc và quốc gia. Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống. Phát triển mô hình "Hành lang xanh" trong cấu trúc không gian đô thị của tỉnh.
Song song với đó, quy hoạch đề ra phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị và vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 22/1/2024, tỉnh Hoà Bình tổ chức công bố QHT Hoà Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, ngay sau khi công bố quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hoá quy hoạch, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, tạo đà thúc đẩy KT-XH địa phương.
Đinh Hòa