Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan, các nhà phân phối, bán lẻ đang tích cực đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và thực hiện công tác bình ổn thị trường.



Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn).

Tung khuyến mại kích cầu tiêu dùng

Đón tâm lý sắm sửa phục vụ lễ, Tết của người tiêu dùng, thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng với các hình thức khác nhau như: giảm giá sâu, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…

Là đơn vị bán lẻ chiếm thị phần lớn tại TP Hòa Bình, siêu thị Hoàng Sơn liên tiếp triển khai các chương trình kích cầu với nhiều hình thức khuyến mãi như: giảm giá trực tiếp lên sản phẩm, tặng quà, mua 1 tặng 1…, trong đó tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm. Ghi nhận trong tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, sức mua tại siêu thị tăng dần so với thời điểm trước đó, có khả năng tăng nhanh vào những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2.

Với ngành hàng điện tử, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, phụ kiện..., các siêu thị điện máy, cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, may mặc cũng quảng bá rầm rộ chương trình ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng đến mua sắm. Theo nhân viên cửa hàng thời trang Yody tại TP Hòa Bình, cửa hàng đang thực hiện chương trình chào năm mới, càng mua càng giảm, với mức giảm hiện lên đến 50% kèm theo quà tặng để thu hút khách hàng. Các chương trình ưu đãi hấp dẫn cùng với thời tiết chuyển rét nên nhu cầu mua sắm quần áo của người dân những ngày này tăng cao.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người bán, các chương trình khuyến mãi cuối năm cũng giúp người dân mua được hàng hóa giá tốt, tiết kiệm chi phí tiêu dùng. "Dịp cuối năm, gần Tết bao giờ cũng là thời điểm phải mua sắm nhiều đồ dùng, bởi vậy tôi thường theo dõi thông tin khuyến mãi của các đơn vị kinh doanh lớn để mua được những sản phẩm có giá giảm so với giá niêm yết” - chị Nguyễn Phương Huyền, xã Bình Thanh (Cao Phong) bày tỏ.

Cùng với hình thức mua sắm truyền thống, "đi chợ” trực tuyến qua mạng, nhất là thông qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Tết Nguyên đán cận kề, dịch vụ mua hàng, giao hàng online ở TP Hòa Bình càng nở rộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của khách hàng, nhất là chị em công sở. Chị Lê Thị Xuân, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: "Công việc cuối năm ở cơ quan quá bận rộn nên không đi chợ hay siêu thị mua sắm được, chị em phòng tôi tranh thủ đặt mua online để tiết kiệm thời gian và không bỏ lỡ chương trình khuyến mại của các hãng. Từ quần áo, giày dép, thực phẩm đến đồ trang trí nhà cửa đều có sẵn trên các trang web, facebook nên rất tiện lợi”. Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho cả người bán, người mua, chị Xuân và các đồng nghiệp xem, chọn, đặt mua hàng của cùng một cửa hàng hoặc thông tin cho nhau những địa chỉ có uy tín, giảm giá sâu.

Theo nhận định của Sở Công Thương, hoạt động thương mại - dịch vụ những tháng cuối năm và cả năm 2023 tăng trưởng khá. Nguồn cung hàng hóa đảm bảo, đa dạng, giá cả cơ bản ổn định. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được các doanh nghiệp thực hiện không chỉ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mà còn là giải pháp hữu hiệu góp phần bình ổn thị trường, tạo thêm dư địa cho phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt trên 63 nghìn tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ tháng 12 tăng gần 8% so với tháng 11/2023, tập trung các nhóm hàng như: lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình… Doanh thu bán lẻ hàng hóa ở một số địa phương đạt mức tăng trưởng 2 con số như: TP Hòa Bình tăng 18%, Lạc Sơn tăng 15,56%, Yên Thủy tăng 14%...

Bình ổn thị trường tiêu dùng

Theo dự báo của Sở Công Thương, sức mua dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 tăng khoảng 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20 - 25% so với ngày thường. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng cao, thị trường bán lẻ sẽ sôi động hơn. Để đảm bảo nguồn hàng cho dịp cuối năm và mua sắm Tết với nhu cầu tăng, các đơn vị phân phối, bán lẻ đã chủ động dự trữ các mặt hàng dự báo sức tiêu thụ cao để không xảy ra gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, các mặt hàng tham gia bình ổn gồm: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, đường, bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ, nước đóng chai, xăng dầu…


Các siêu thị, trung tâm thương mại, hãng thời trang... áp dụng chương trình khuyến mại góp phần kích cầu tiêu dùng. Ảnh chụp tại cửa hàng quần áo Yody Hòa Bình (TP Hòa Bình).

Là một trong những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, theo bà Phạm Thị Nhuận, Giám đốc Công ty CP thương mại Định Nhuận (TP Hòa Bình), công ty đã chủ động lên kế hoạch, làm việc với các đơn vị sản xuất từ sớm để chuẩn bị lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết, tổng giá trị hàng hóa khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, những mặt hàng được chú trọng chủ yếu là lương thực, thực phẩm, các loại gia vị, bánh kẹo, nước giải khát... Hiện nay, nhiều mặt hàng Tết đã được dự trữ trong kho, riêng các mặt hàng thời hạn sử dụng ngắn sẽ "cập bến” muộn hơn.

Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai thực hiện, trọng tâm là theo dõi tình hình diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; chủ động phương án, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh biện pháp cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" kết hợp với các chương trình hội chợ kích cầu tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi...

Các đơn vị liên quan như Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường... theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cũng chủ động các giải pháp, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường; đánh giá tình hình sản xuất nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn cung cấp cho thị trường; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm...

Trao đổi thêm về việc nở rộ hoạt động mua sắm Tết online, lãnh đạo ngành Công Thương trăn trở: Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng và là dịp mua sắm lớn nhất trong năm của người dân. Việc mua sắm, thanh toán, giao hàng online đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm công việc bận rộn. Tuy nhiên, để trở thành người tiêu dùng online thông minh, khách hàng cần lựa chọn những địa chỉ bán hàng uy tín, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhận hàng để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.

 

Kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Hoàng Đức Trường

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

Cuối năm hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán diễn ra sôi động. Do đó, hiện tượng lợi dụng để buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái không đảm bảo chất lượng rất có thể xảy ra. Để kiểm soát, ngăn chặn, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá.

Tập trung thực hiện chuyên đề chống buôn lậu thuốc lá, xăng, dầu kém chất lượng. Kiên quyết xử lý những vi phạm để răn đe các đối tượng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ để người dân, doanh nghiệp cùng phối hợp lực lượng chức năng chung tay đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo ổn định thị trường.

 

Mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt

Vũ Thiên Trang

Thị trấn Cao Phong (Cao Phong)

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh. Hàng hóa trên thị trường đa dạng, nguồn gốc, xuất xứ từ nhiều nước. Tuy nhiên, tôi tin tưởng và lựa chọn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Các mặt hàng thực phẩm, lương thực, bánh kẹo, nước giải khát của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, màu sắc hấp dẫn, chất lượng tốt. Các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt còn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán của người dân. Hàng Việt có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, không sợ hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các điểm bán hàng Việt còn ít, tôi mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

 

Có chính sách ưu tiên hàng Việt Nam và mặt hàng sản xuất ở Hòa Bình Vương Thị Thu Hằng

Tổ dân phố Ngọc 1, phường Trung Minh, TP Hòa Bình

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức thành viên, các địa phương, đơn vị đã tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm trong nước, trong tỉnh, sản phẩm OCOP… Tuy vậy, chất lượng thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở các địa phương, đơn vị không đồng đều, đôi lúc chưa thực sự tốt, hiệu quả chưa cao.

Mặc dù chỉ là hộ kinh doanh, tuy nhiên nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực khảo cứu, thu thập, khôi phục, thử nghiệm, hiệu chỉnh thành công cách thức làm men lá cổ truyền từ thảo dược. Rượu men lá nếp cái hoa vàng với sự kết hợp của men lá thảo dược và giống lúa nếp trứ danh, tạo nên đồ uống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt - Mường. Hiện sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao.

Chúng tôi nhận thấy, dịp lễ, Tết có nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là các mặt hàng: rượu, miến, các loại trà… song việc những mặt hàng này xuất hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại có lúc còn gặp khó khăn. Do vậy, tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ để các mặt hàng này có thị trường phân phối rộng hơn, tạo điều kiện để chúng tôi chinh phục được thị trường trong tỉnh, hướng đến vươn rộng ra khu vực và cả nước.

 

Minh Vũ

Các tin khác


Xã Độc Lập đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 25/1, tại nhà văn hóa xã Độc Lập, UBND TP Hòa Bình tổ chức lễ đón bằng công nhận xã Độc Lập đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Đến dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, TP Hòa Bình và đông đảo người dân.

Xã Phong Phú chỉnh trang cảnh quan đón Tết Giáp Thìn

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Xã Phong Phú (Tân Lạc) đang khẩn trương thực hiện kế hoạch chỉnh trang đón Tết; trang trí hệ đèn thống chiếu sáng trên các tuyến đường, thay mới các băng rôn, áp phích, dọn dẹp vệ sinh môi trường bảo đảm mỹ quan.

Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024

Ngày 23/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh BÙI VĂN KHÁNH ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Xuất khẩu lô bưởi Diễn Hòa Bình đầu tiên trong năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ

Ngày 23/1, tại TP Hà Nội, Sở NN&PTNT phối hợp UBND 2 huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Công ty Cổ phần RYB tổ chức lễ xuất hàng chuyến container Bưởi Diễn Hòa Bình đầu tiên trong năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ. Dự lễ xuất hàng có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Huyện Mai Châu vượt khó xây dựng nông thôn mới

Năm 2023, huyện Mai Châu có 2 chỉ tiêu phát triển KT-XH không đạt Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Mặc dù thời gian qua, cấp ủy đảng và chính quyền hai cấp huyện Mai Châu có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện nội dung này và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song do xuất phát điểm thấp, lại là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, vì vậy việc XDNTM tại huyện đối mặt với không ít khó khăn.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ

Thời gian gần đây, lượng tiền giả lưu thông, trôi nổi trên thị trường và tình hình tội phạm về tiền giả còn nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Các ngành chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhằm góp phần ngăn chặn tiền giả xâm nhập thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024 và bảo đảm an ninh tiền tệ trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục