Thời gian gần đây, lượng tiền giả lưu thông, trôi nổi trên thị trường và tình hình tội phạm về tiền giả còn nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Các ngành chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhằm góp phần ngăn chặn tiền giả xâm nhập thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024 và bảo đảm an ninh tiền tệ trên địa bàn.



Người dân giao dịch tiền tệ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hòa Bình.

Nhiều nguy cơ bị vướng vào tiền giả

Rút kinh nghiệm từ dịp Tết Nguyên đán 2023, chị Trần Thị Hà, chủ một cửa hàng bách hóa tự chọn ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đều kiểm tra rất kỹ khi khách mua hàng trả tiền với mệnh giá cao. Bởi thời điểm Tết Nguyên đán 2023, chị bị khách hàng trả 1 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng giả. Lo sợ tình trạng người mua hàng sử dụng tiền giả tiếp diễn nên trong năm 2023, chị đã đến ngân hàng mở tài khoản giao dịch đề nghị mở ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt QR code. Tới đây chị Hà cũng đăng ký với ngân hàng để cửa hàng tạp hóa được cấp máy POS (thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng), vừa để tạo thuận lợi cho khách hàng vừa giảm nguy cơ bị kẻ xấu dùng tiền giả trong thanh toán.

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng tiền giả để thanh toán, mua bán. Điển hình là vụ Công an huyện Yên Thủy phối hợp quần chúng nhân dân phát hiện, bắt giữ Quách Thị Biên (SN 1956), trú tại xóm Tích, xã Yên Trị (Yên Thủy) dùng tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng mua cám và thanh toán tiền điện. Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn tiền polyme giả mệnh giá 500 nghìn đồng (khoảng 2,2 tỷ đồng).

Theo đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, tiền polymer có mệnh giá 500 nghìn đồng và 200 nghìn đồng là 2 loại tiền được các đối tượng tội phạm hay làm giả nhất. Lúc đầu tờ tiền giả có thể còn thô sơ, song những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ in ấn, nhiều loại tiền giả đã đạt đến mức "siêu giả”, nếu không có cách phân biệt khó có thể phát hiện đâu là tiền thật, đâu là tiền giả.

Trước thực trạng trên và để người dân có ý thức cảnh giác trong việc nhận biết tiền giả, hiện nay, 10/10 ngân hàng (gồm 1 ngân hàng chính sách xã hội và 9 ngân hàng thương mại), 30 chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh cấp tỉnh các ngân hàng và khoảng 50 phòng giao dịch trực thuộc ngân hàng chi nhánh huyện trên địa bàn tỉnh đều niêm yết áp phích tiền Việt Nam, cách nhận biết tiền thật, tiền giả nhằm giúp người dân nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật, kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán khi hoạt động giao dịch, thanh toán tiền tệ của người dân gia tăng mạnh.

Đẩy mạnh phương thức giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt

Trong thực tế có thể dễ dàng mua bán tiền giả trên các trang mạng xã hội, khi thường xuyên xuất hiện thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau. Do vậy, việc giao dịch bằng tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tiền giả xâm nhập. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ Ngân hàng NN& PTNT tỉnh, thông qua việc thanh toán các khoản nợ hay gửi tiết kiệm bằng tiền mặt, nhiều khi ngân hàng cũng phát hiện tiền giả ở các mệnh giá khi soi chiếu và sự cảnh giác của cán bộ giao dịch, kiểm soát. Đây không phải là hành vi cố tình mà những người giao dịch với ngân hàng cũng là nạn nhân. Bởi việc làm tiền giả ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt, phát hiện tiền giả.

Thời gian qua, NHNN tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các phương thức TTKDTM nhằm đảm bảo an ninh tài chính. Đồng thời hạn chế sự xâm nhập của tiền giả trong hoạt động giao dịch, mua bán, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, khi hoạt động mua bán hàng hóa, giao dịch tiền tệ của người dân diễn ra sôi động. Cũng theo đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, việc sử dụng phương thức TTKDTM được xem là phương thức giao dịch có mức độ an toàn rất cao. Hiện nay, theo xu hướng chung, hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mang tính đột phá. Toàn tỉnh hiện có 73 máy ATM, 492 máy POS và hầu hết các hộ kinh doanh, shipper đều có mã QR code để thanh toán, chuyển khoản qua dịch vụ internet banking, mobile banking. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 661 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian cung ứng tín dụng thanh toán, chiếm 75% dân số của tỉnh.

"Việc phát triển mạnh các hình thức giao dịch TTKDTM đã góp phần hạn chế đáng kể sự xâm nhập của tiền giả vào hệ thống tiền tệ trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu hết giao dịch tiền tệ của người dân với số tiền lớn đều được giao dịch theo phương thức TTKDTM qua hệ thống ngân hàng và các hệ thống cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến”, đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh nhấn mạnh.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Toàn tỉnh có 339 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

Năm 2023, trong tỉnh số lượng các tổ chức kinh tế tập thể tăng so với năm 2022, chất lượng hoạt động được nâng cao. Các HTX nông nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua các dịch vụ đầu vào, đầu ra.

Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững

Cuối năm 2023, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh (QHT) Hoà Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023. Với việc chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, QHT Hoà Bình đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, tạo động lực, sức lan toả mạnh mẽ thu hút đầu tư, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển.

Ánh điện mang mùa Xuân đến sớm

Với sự hỗ trợ của ngành Điện, trên địa bàn tỉnh đã có thêm một số tuyến đường "Thắp sáng đường quê” được xây dựng trước thềm năm mới. Ánh điện soi sáng, mùa Xuân như đến sớm hơn đối với các thôn, bản được hưởng lợi.

Lan tỏa phong trào thi đua trong các lĩnh vực phát triển kinh tế

Với nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình đã tạo nên phong trào thi đua (PTTĐ) phát triển kinh tế sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn huyện Lạc Sơn. PTTĐ lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; xây dựng nông thôn mới...

Vùng cao Đà Bắc tất bật chuẩn bị đào Tết

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, thời gian này, người trồng đào trên địa bàn huyện Đà Bắc tất bật chăm sóc để đào nở đúng vụ, kịp khoe sắc trong dịp Tết cổ truyền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục