Đã là tháng thứ 4 và qua 3 lần hứa, người trồng ớt tại huyện Yên Thủy vẫn chưa được thanh toán tiền ớt thương phẩm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 (gọi tắt là Công ty T9) - đơn vị liên kết và bao tiêu sản phẩm. Thực trạng này đã khiến không ít hộ trồng ớt lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ nần bởi "ớt vẫn cân mà tiền không được cầm”.



Người trồng ớt xã Ngọc Lương (Yên Thủy) gặp nhiều khó khăn do đơn vị liên kết trồng ớt chậm thanh toán tiền.

Kỳ vọng vào cây "xóa đói, giảm nghèo”

Từ nhiều năm trước, gia đình ông Bùi Ngọc Cảnh, xóm Chình, xã Ngọc Lương lấy ngô, lạc làm cây trồng chính. Năm 2023, Công ty T9 liên kết với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Lương xây dựng vùng trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu. Là một thành viên của HTX nông nghiệp Ngọc Lương, được sự vận động của công ty, gia đình ông Cảnh quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất trồng màu sang trồng ớt chỉ thiên với niềm tin "đổi đời” từ cây ớt. Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng chăm bón, xuất bán hơn 3 tấn ớt, ông Cảnh mới được thanh toán hơn 3 triệu đồng. 

Được biết, đây là lần thứ 2 nông dân Ngọc Lương "cay" vì cây ớt. Lần thứ nhất, năm 2015, nhiều hộ liên kết trồng ớt sừng bò cho một công ty tại Hải Phòng nhưng ớt chín rộ mà không có người thu mua. Lần này, dù công ty vẫn thu mua nhưng đã 4 tháng liên tục, người trồng ớt chưa được thanh toán một đồng nào, cán bộ kỹ thuật của công ty cũng "bặt vô âm tín", để nông dân tự chống chọi với 10ha ớt. Ông Cảnh cho biết: Công ty T9 cam kết hỗ trợ bà con 60% phân bón, 50% cây giống và 30% thuốc bảo vệ thực vật trong năm đầu tiên trồng ớt, giá thu mua 19.000 đồng/kg bất kể giá thị trường. Với mức hỗ trợ và giá thu mua công ty đưa ra, tính sơ cũng thấy trồng ớt mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây trồng khác, nông dân có thể đổi đời nhờ cây ớt. Quan trọng nhất, chúng tôi yên tâm vì công ty ký hợp đồng thu mua theo một mức giá ổn định, như vậy thì nông dân có cơ hội gắn bó lâu dài với cây ớt. Tuy nhiên, hiện dù vẫn đang được thu mua nhưng sợ rằng viễn cảnh ớt chín đầy đồng không ai hái tiếp tục tái diễn.

Tính đến thời điểm này, diện tích ớt chỉ thiên toàn huyện Yên Thủy có gần 30ha, trong đó xã Ngọc Lương 10ha, xã Đoàn Kết gần 20ha. Theo hợp đồng, các hộ thành viên trồng ớt thu hái 1 lần/tuần vào vụ thu hoạch và tập kết tại HTX, công ty tiến hành thanh toán 7 ngày sau khi cân ớt. Trong 2 tháng đầu, việc hợp tác giữa công ty và các hộ trồng ớt trên địa bàn thuận lợi. "Mặc dù có thời điểm giá mỗi kg ớt thương phẩm trên thị trường lên đến gần 40.000 đồng, nhưng vì đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty nên tất cả các hộ dân vui lòng cân ớt bán cho công ty theo giá đã thỏa thuận”, anh Bùi Văn Tuân, xóm Yên Lương, xã Ngọc Lương cho biết.

Bắt đầu từ tháng 2/2024, Công ty T9 vẫn thu mua nhưng không thanh toán tiền cho các hộ dân. Đến thời điểm này, nhiều hộ đã bán cho Công ty T9 hơn 1 tấn ớt nhưng mới được thanh toán vài triệu đồng. Chị Quách Thị Kim Mai, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Lương cho biết: Tổng sản lượng ớt HTX đã bán cho Công ty T9 gần 40 tấn, với giá hợp đồng ký kết, công ty phải thanh toán cho HTX gần 800 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này công ty mới thanh toán được hơn 282 triệu đồng.

Còn tại HTX Đại Lợi, xã Đoàn Kết, các hộ thành viên đã xuất cho công ty hơn 12 tấn ớt nhưng mới được thanh toán tổng cộng 33 triệu đồng, mỗi hộ được tạm ứng hơn 1 triệu đồng.

Nguy cơ mắc nợ vì… ớt

Bán ớt nhưng không thu được tiền, nhiều hộ dân tại Yên Thủy lâm vào tình cảnh khó khăn và mắc nợ tiền phân bón, nhân công. Anh Phạm Văn Kha, xóm Yên Lương, xã Ngọc Lương cho biết: Công ty cam kết hỗ trợ phân bón, giống nhưng thực tế là chưa hỗ trợ gì. Toàn bộ phân bón, thuốc BVTV các hộ dân tự bỏ tiền mua của các đại lý trên địa bàn. Trong khi đó, ớt là cây trồng khó tính, nhiều sâu bệnh, để đảm bảo cây ớt sinh trưởng, phát triển và đáp ứng được đúng quy chuẩn chất lượng, chúng tôi phải xử lý thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và sử dụng màng bọc nilon luống đất trong suốt quá trình cây ớt sinh trưởng, phát triển. Tính trung bình mức đầu tư khoảng 40 triệu đồng/mẫu. Hơn 8 tháng nay, gia đình đã bán cho công ty gần 5 tấn ớt nhưng mới được ứng 15 triệu đồng. Đến nay gia đình không còn khả năng để xoay xở.

Nợ tiền phân bón, nợ tiền mua thuốc BVTV, nhiều hộ dân còn nợ tiền công thu hoạch ớt. Anh Bùi Văn Quỳnh, thành viên HTX Đại Lợi, xã Đoàn Kết tham gia trồng ớt cho biết: Vào vụ thu hoạch, nhiều nhà trồng diện tích lớn phải thuê từ 5 - 10 nhân công, trung bình mỗi nhân công trả 200 nghìn đồng/ngày. Hiện nhiều nhà bán ớt không ứng được tiền phải đi vay tiền để trả nợ nhân công thu hoạch.

Trước tình trạng chậm thanh toán tiền ớt cho người dân, UBND huyện Yên Thủy đã phối hợp ngành chức năng làm việc với Công ty T9. Theo đó, Công ty T9 cam kết tiếp tục thu mua ớt thương phẩm của người dân và sẽ tiến hành thanh toán theo đúng cam kết. Mới đây nhất, tại cuộc làm việc ngày 5/6, Công ty T9 cam kết đối với sản lượng ớt các HTX và bà con đã chuyển về công ty, phần công nợ chưa được thanh toán công ty sẽ thanh toán theo lãi suất ngân hàng. Việc thanh toán được tiến hành chậm nhất ngày 15/6. Tuy nhiên qua 3 lần hứa, người trồng ớt vẫn chưa được nhận thêm bất cứ khoản thanh toán nào từ công ty. Điều này đã làm cho nhiều hộ trồng ớt tại Yên Thủy vô cùng khó khăn. Càng khó khăn hơn khi thời điểm này nông dân không thể tìm được đầu ra thay thế cho quả ớt và câu chuyện ớt chín đầy đồng không ai hái thực tế đã tái diễn.

 

Đinh Hòa

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy: Nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" lĩnh vực kinh tế

Những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Lạc Thủy được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Lạc Thủy: Trên 4,2 tỷ đồng thực hiện các dự án Chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lạc Thủy đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, y tế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng; tích cực huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội góp phần vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5 - 3%/năm.

Huyện Lạc Thủy: Bình quân tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đạt 9,75 tiêu chí/xã

Năm 2024, huyện Lạc Thủy được phân bổ 3.717 triệu đồng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó, vốn Trung ương 2.655 triệu đồng, vốn tỉnh 1.062 triệu đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đang trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dự kiến cuối tháng 6/2024 triển khai thi công các dự án đầu tư công nguồn vốn năm 2024.

Điểm lợi của người dân khi thực hiện Luật Đất đai mới

Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan.

Thúc đẩy các giải pháp thu ngân sách nhà nước

Theo đánh giá của UBND tỉnh, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc chống thất thu, tăng thu, tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Hòa Bình 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan so với cùng kỳ năm 2023.

UBND tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng 

Sáng 20/6, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục