Nằm ở điểm cao nhất huyện Đà Bắc và có mặt bằng ổn định, khu tái định cư (TĐC) Tuổng Đồi thuộc xã Mường Chiềng là nơi ở mới của 68 hộ dân. Sau đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 10/2017, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất rất cao và không đảm bảo an toàn để sinh sống. Vì thế, huyện Đà Bắc đã cấp thiết triển khai xây dựng khu TĐC Tuổng Đồi để đưa các hộ dân về nơi ở mới.


Người dân xã Vầy Nưa (Đà Bắc) ổn định nơi ở và tìm hướng nâng cao thu nhập từ nuôi cá lồng trên sông Đà.

Được hỗ trợ di dời về nơi ở mới có điều kiện sống ổn định để "an cư, lạc nghiệp”, những người dân như ông Hà Văn Xoan rất phấn khởi. Ông Xoan cho biết: So với nơi ở cũ thì về đây chúng tôi có điều kiện sống tốt hơn nhiều, đặc biệt không còn cảm giác lo sợ khi mưa bão kéo dài. Không chỉ có mặt bằng ổn định, khu TĐC còn được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, các nhu cầu về điện, đường, trường học, nước sinh hoạt đều đảm bảo, giúp chúng tôi yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

Cùng với nỗ lực xây dựng khu TĐC Tuổng Đồi, huyện vùng cao Đà Bắc tích cực triển khai một số dự án quan trọng nhằm hỗ trợ ổn định dân cư cho các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Điển hình như: dự án TĐC tập trung tại xóm Duốc, xã Nánh Nghê với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng cho khoảng 50 hộ; dự án xây dựng khu định canh, định cư tập trung Lũng Phiệng thuộc xóm Mới, xã Đồng Chum với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng cho khoảng 60 hộ. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục rà soát để thực hiện di dân hoặc TĐC xen ghép, dự kiến ổn định dân cư tại chỗ cho khoảng 120 hộ và TĐC tại chỗ cho khoảng 50 hộ trên địa bàn huyện… 

Theo lãnh đạo UBND huyện Đà Bắc, các dự án sử dụng nguồn lực khác nhau nhưng cùng chung mục đích ổn định dân cư cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, vì thế được lồng ghép phù hợp để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện đề án trên địa bàn huyện Đà Bắc, UBND huyện được giao thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà với tổng mức đầu tư 167,7 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được đầu tư thực hiện 11 công trình hạ tầng cơ bản, như: Xây dựng trung tâm học tập cộng đồng tại các xã Mường Chiềng, Đồng Chum, Cao Sơn; xây dựng nhà văn hóa kết hợp nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Tiền Phong; cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xóm tại các xã Vầy Nưa, Nánh Nghê, Tiền Phong… Đến nay, 11 công trình đều có tiến độ thi công cơ bản đạt yêu cầu đề ra, ước khối lượng đạt trên 72%, sau khi hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định và nâng cao đời sống nhân dân vùng hồ sông Đà thuộc địa bàn huyện. 

Cũng như Đà Bắc, các địa phương nằm trong phạm vi thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình đang tích cực lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ ổn định dân cư cho các xã vùng chuyển dân sông Đà. Theo Quyết định số 1554/QĐ-TTg, ngày 21/9/2021, đề án (giai đoạn 2009 - 2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2021 đến hết năm 2025; tổng vốn đầu tư 4.053,256 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn lồng ghép các chương trình). Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn 34 xã vùng chuyển dân sông Đà, trong đó, huyện Đà Bắc 12 xã, thị trấn; TP Hòa Bình 2 xã và 5 phường; 2 huyện Tân Lạc, Mai Châu mỗi huyện 4 xã;  2 huyện Cao Phong, Kim Bôi mỗi huyện 2 xã; các huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn mỗi huyện 1 xã. 

Triển khai thực hiện đề án trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho các danh mục dự án đầu tư; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp thực hiện đề án trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vừa linh hoạt huy động, khai thác tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực hiện đề án. Cụ thể, trong năm 2024, UBND tỉnh xác định các mục tiêu quan trọng cần đạt là: Hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu TĐC tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ). Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 30% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới… Đây là những điều kiện cơ bản nhằm hỗ trợ người dân ổn định nơi ở, nâng cao thu nhập và đời sống, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh.

Ghi nhận đến thời điểm này, các địa bàn thuộc phạm vi thực hiện đề án đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024, tạo đà thuận lợi để hoàn thành kế hoạch năm 2025, đảm bảo hiệu quả thực hiện đề án giai đoạn 2021 - 2025 trên phạm vi toàn tỉnh.


Khánh An

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy: Dồn điền, đổi thửa - tiền đề xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lạc Thủy đã tạo đột phá trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ đây giúp địa phương khắc phục được tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất và thu nhập cho người sản xuất.

Huy động nguồn lực phát triển cụm công nghiệp

Xác định phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Lạc Thủy đã triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương hình thành, phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về đẩy mạnh phát triển CCN.

Những tín hiệu tích cực về hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh Hòa Bình

Trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới có phục hồi nhưng không mạnh mẽ và bền vững; cùng với đó là tình hình khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự Nga - Ukraine… đã ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam. Song hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc.

Huyện Đà Bắc nỗ lực giảm nghèo bền vững

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV).

Giá vàng "neo" gần mức cao kỷ lục trước triển vọng hạ lãi suất

Vàng vững giá trong phiên giao dịch ngày 26/8, gần mức cao kỷ lục gần đây, trước những dự đoán chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và nhu cầu trú ẩn an toàn do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.

Hàn Quốc thúc đẩy xuất khẩu thiết bị nông nghiệp sang Việt Nam

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ngày 26/8 cho biết, sẽ cử một phái đoàn phát triển thị trường gồm 15 công ty xuất khẩu thiết bị nông nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam từ ngày 26-31/8 nhằm quảng bá các sản phẩm thiết bị nông nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc, giúp thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục