(HBĐT) - Tân Lạc - Mường Bi là một trong 4 Mường lớn, được coi là cái nôi của người Mường có nền văn hóa phong phú, đặc sắc với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”; văn hóa của những nhạc cụ dân tộc có cồng chiêng, trống, sáo, nhị và những lời ca thường rang, bọ mẹng, hát ví, hát đúm, những điệu múa cờ, múa quạt, múa chuông... Truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm nét dân tộc tốt đẹp đang là khởi nguồn truyền thống tiếp thêm sức mạnh cho Mường Bi phát triển trong công cuộc đổi mới hôm nay.

 

Núi Cột Cờ như biểu trưng cho hình ảnh quê hương Mường Bi tọa lạc ở các xã Địch Giáo, Gia Mô, Lỗ Sơn. Núi Cột Cờ tồn tại cùng trời đất, chứng kiến sự thay đổi quê hương Mường Bi tươi đẹp. Chỉ mươi năm trước thôi, từ khu vực các xã quanh núi Cột Cờ mà lên được các xã vùng cao là hành trình gian nan mất tới cả ngày đường - mịt mùng và xa lắc, xa lơ. Người vùng cao ở lưng chừng dốc khi thấy núi Cột Cờ lòng mới nhẹ nhàng vì coi như tới trung tâm huyện. Cán bộ xã tới huyện và ngược lại hầu như phải ngủ lại mỗi khi có dịp công tác. Còn giờ, chỉ mất nửa tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện có thể lên tận các xã Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông…

 

 

Hạ tầng xã Địch Giáo (Tân Lạc) đáp ứng tiêu chuẩn nông thôn mới.

 

Từ trên lưng chừng dốc lên các xã vùng cao có thể chiêm ngưỡng sự đổi thay của quê hương Mường Bi. Vẫn là những cánh đồng bất tận, trong sắc lúa vàng và hương thơm nhẹ bâng của trăng ngà và gió, khi đêm xuống là nơi hẹn hò nên duyên đôi lứa, là tiếng chiêng âm vang, trầm hùng mỗi mùa lễ hội. Bây giờ vùng núi Cột Cờ đẹp như mơ trong làn mây mỏng. Trong màu xanh của nương ngô, cây trái, là những con đường được cứng hóa ra tận ruộng đồng làng quê đổi mới trong ấm no, hạnh phúc.

 

Chủ tịch UBND xã Địch Giáo Bùi Văn Đích tâm sự: Quê hương mình thay đổi thật rồi. Là xã thuần nông, được hỗ trợ của Nhà nước và cố gắng của người dân, Địch Giáo đã có bước tiến dài trong sản xuất và đời sống. Đường giao thông được cứng hóa tới tận thôn xóm, hệ thống kênh mương được cứng hóa. Cả ba trường học đều đạt chuẩn quốc gia... Nhiều mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ phát triển sản xuất đã cải thiện mạnh mẽ, đời sống nhân dân được thụ hưởng cuộc sống mới. Xã đã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng, hộ nghèo còn 6%.

 

Vùng đất Mường Bi đang vươn lên mạnh mẽ. Từ các nguồn lực đầu tư hiệu quả, kết cấu hạ tầng, diện mạo nông thôn miền núi đổi thay rõ rệt. Đường giao thông được cứng hóa, vươn tới vùng cao, vùng khó khăn. Tất cả các xã đều có trường học, trạm y tế được xây kiên cố bảo đảm cho học tập và chăm sóc sức khỏe người dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%. Hệ thống kênh mương được cứng hóa phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất. Trung tâm Mường Bi giờ đã là phố phường, KDC tấp nập, đêm về có ánh đèn đô thị. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện theo thời gian.

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện. Huyện duy trì tốt diện tích gieo trồng hàng năm. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa và các loại cây trồng nâng lên trông thấy. Huyện bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Tư duy sản xuất mới dần hình thành. Hướng đi trong sản xuất nông nghiệp đã định hình khá hiệu quả như đưa các cây trồng vào đất lúa kém hiệu quả, xây dựng vùng sản xuất đặc thù cây, con hàng hóa, cải thiện thu nhập cho nông dân. Các xã vùng dọc quốc lộ 12 B đã xây dựng vùng bưởi đỏ, bưởi da xanh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng /ha. Nam Sơn trồng quýt ngọt, Bắc Sơn trồng tỏi tía, trồng ngô, lạc hè - thu trên đất dốc. Quyết Chiến phát triển su su lấy quả, lấy ngọn. Phú Vinh, Phú Cường trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Thanh Hối, Tử Nê, Mãn Đức phát triển gia súc theo hướng vỗ béo, nuôi nhốt. Phong Phú phát triển mía tím. Trung Hòa, Ngòi Hoa phát triển nghề nuôi cá lồng...

 

Cùng với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cũng có những khởi động tích cực. Các ngành nghề chế biến nông sản, đan lát mây, tre và dệt thổ cẩm đã tận dụng lao động nhàn rỗi, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bình quân từ 3-6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 34% theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong quá trình đổi mới, Mường Bi vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp với các lễ hội truyền thống, đó là Khai hạ, duy trì các hình thức sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa Mường Bi, giữ gìn nhà sàn Mường. Một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang trải dài trên quê hương Mường Bi - Tân Lạc.

 

 

                                                                          Lê Chung

 

Các tin khác


Một hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh "từ tâm" và vì cộng đồng

Một triển lãm ảnh nghệ thuật đặc biệt ngay từ tên gọi Ánh sáng từ tâm 2, quy tụ nhiều tay máy tài năng và kỳ cựu đang diễn ra từ ngày 8 đến 15-8 tại Trung tâm Sách Hà Nội (số 4 Đinh Lễ). Công chúng yêu nhiếp ảnh có cơ hội thưởng thức những tác phẩm chất lượng cao và hơn thế nữa là đóng góp cho một dự án thiện nguyện đã có hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng.

Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2016

(HBĐT) - Tối 12/8, tức ngày 10 tháng 7 năm Bính Thân, tại chùa Hòa Bình Phật Quang, Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2016, Phật lịch 2560. Dự buổi lễ có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, thành phố Hòa Bình và hơn 1.000 phật tử đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

30 tác giả nhí đạt giải “Cây bút tuổi hồng” lần thứ VI năm 2016

(HBĐT) - Tối 12/8, tại Trung tâm hoạt động TTN tỉnh đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi sáng tác “cây bút tuổi hồng” lần thứ VI năm 2016. Tham dự có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; đại diện Hội nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong… và gần 500 ĐV-TTN là các tác giả đạt giải trong toàn quốc cùng các bạn thiếu nhi có chung niềm đam mê, khả năng sáng tác thơ, văn đến từ 4 tỉnh: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.

Xã Nật Sơn bảo tồn, phát huy văn hóa chiêng và hát dân ca Mường

(HBĐT) - Hàng trăm năm qua, các thế hệ người Mường ở xã Nật Sơn (Kim Bôi) đã giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đối với họ, chiêng và dân ca Mường không chỉ đơn thuần là nhạc cụ, âm nhạc mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Tiếng chiêng âm vang trong mỗi bản đã trở thành hình ảnh quen thuộc, gần gũi gắn liền với tâm hồn và đời sống tinh thần của bà con dân tộc Mường. Trong ngày tết cổ truyền, lễ hội đầu xuân, ngày mùa hay những chương trình văn hóa, văn nghệ của đồng bào nơi đây không thể thiếu âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng. Giọng hát mượt mà, tha thiết của các làn điệu dân ca truyền thống.

Việc giáo dục của người Mường trong xã hội cổ truyền

(HBĐT) - Ngày nay nói đến giáo dục, chúng ta nghĩ ngay đến trường học, giáo viên và học sinh cùng các công cụ kèm theo như: Sách giáo khoa, bút, mực, giấy viết... Trước tháng 8/1945, người Mường không có chữ, chỉ có số ít người và con em trong tầng lớp trên, nhà lang - đạo biết chữ nhưng là chữ Hán. Trường học khi đó rất xa lạ với con em Mường.

Triển lãm tem bưu chính ca ngợi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 12-8, tại Trung tâm triển lãm Hòa Bình - Đà Lạt, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng phối hợp Hội Tem tỉnh tổ chức triển lãm tem bưu chính lần thứ VII - năm 2016. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (28-8-1945 - 28-82016).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục