(HBĐT) - Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN) là nhu cầu chính đáng của CNLĐ qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh... Hiện nay, tính riêng KCN bờ trái sông Đà và KCN Lương Sơn có tổng số 12.985 CNLĐ đang làm việc tại 45 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp FDI. Theo Công đoàn các KCN tỉnh, có trên 50% doanh nghiệp ở KCN Lương Sơn dành quỹ đất xây dựng sân chơi thể thao cho CNLĐ. Các hoạt động thi đấu thể thao, liên hoan, giao lưu văn nghệ thường được tổ chức vào Tháng công nhân và dịp lễ, tết hàng năm.
Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn CNLĐ tại các KCN lại chưa được thụ hưởng đời sống văn hóa tương xứng với vai trò của họ. Nguyên nhân chính là hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của CNLĐ như hội trường, nhà văn hóa, sân chơi, sân luyện tập thể thao, phòng đọc sách, báo, truy cập internet… vẫn còn rất thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn. Vì vậy, sau một ngày lao động với cường độ làm việc căng thẳng, đa phần CNLĐ trở về nhà trọ chỉ có một công cụ duy nhất để giải trí là điện thoại di động. Ngoài ra, không ti vi, không sách, báo và hiếm có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội… Từ đó dẫn đến không ít CNLĐ thường xuyên trong tình trạng “đói” văn hóa”, thiếu thông tin.
Làm việc tại một doanh nghiệp tại KCN bờ trái sông Đà, chị Bùi Thị X (đề nghị giấu tên) cho biết: Với mức thu nhập bình quân của CNLĐ đạt 4 triệu đồng /người/tháng dẫn đến đời sống của CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Do những áp lực về đời sống vật chất khiến nhiều CNLĐ phải làm thêm giờ, tăng ca để tăng thu nhập. Vì cường độ lao động căng thẳng nên ít có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa tinh thần và tham gia các hoạt động giải trí. Bởi vậy, cuộc sống của không ít CNLĐ dường như chỉ có một vòng luẩn quẩn từ phòng trọ đến nhà máy và ngược lại.
Đời sống tinh thần và hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao để tăng cường thể lực đã có những bước cải thiện, nhưng nhà ở, nhà trẻ dành cho CNLĐ trong tỉnh hiện đang vẫn là vấn đề khá nan giải.
Trong tổng số 12.985 CNLĐ đang làm việc tại 45 doanh nghiệp ở các KCN, có 10.275 CNLĐ nữ và đa số đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đến nay, mới chỉ có 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sankoh Việt Nam, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà) và Công ty TNHH Seyoung INC (KCN Lương Sơn) xây dựng được khu nhà trẻ cho CNLĐ. Ngoài ra có 7 doanh nghiệp hỗ trợ CNLĐ về nhà ở và tiền thuê nhà ở nhưng kết quả khá khiêm tốn. Bởi vậy, hiện có 3.604 CNLĐ đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở và 7.078 cháu là con CNLĐ có nhu cầu về nhà trẻ.
Chị Lường Thị Mai ở xã Đoàn Kết (Đà Bắc) cho biết: Thu nhập mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng nhưng đã mất 700.000 đồng thuê nhà trọ (gồm cả điện, nước) lại còn ăn uống, sinh hoạt hàng ngày nên hầu như chúng tôi không có tích lũy.
Vì Công ty không có nhà trẻ, chị Bùi Thị Lan CNLĐ tại KCN Lương Sơn phải đó bà ngoại ra trông con. Chị phàn nàn: không kể tiền thuê phòng trọ, cuộc sống sinh hoạt hàng tháng của ba bà cháu, mẹ con trông chờ vào một xuất lương gần 4 triệu đồng. Phải tằn tiện lắm mới tạm đủ, nếu kéo dài tình trạng này em đành phải bỏ việc về quê mất.
Chưa KCN nào trên địa bàn tỉnh có siêu thị hoặc điểm bán hàng hóa thiết yếu, thực tế đó cũng khiến CNLĐ khá bức xúc. Chị Nguyễn Thị Hồng, làm việc tại KCN Lương Sơn chia sẻ: Có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm không còn cách nào khác, chúng tôi phải ra chợ “cóc” mới hình thành trên QL 6 trước cổng KCN. Tình trạng họp chợ lấn chiếm lề đường, lòng đường gây ùn tắc, mất an toàn giao thông đã kéo dài mấy năm nay. Không rõ nguồn gốc các loại thực phẩm nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, đành phải mua và sử dụng dù biết rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.
Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp CNLĐ tạo lập lối sống văn hóa, yêu lao động, có ý thức phấn đấu vươn lên. Từ thực tế, trên CNLĐ và người sử dụng lao động ở các KCN đều mong muốn các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa dành cho công nhân, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin báo chí chính thống và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí lành mạnh để nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị hoặc điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho CNLĐ để đảm bảo an toàn, ổn định lực lượng lao động. Những nguyện vọng, nhu cầu đó được quan tâm giải quyết cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đó cũng là những việc làm thiết thực thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư T.ư Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN, khu chế xuất.
Đ.P
(HBĐT) - Cùng là việc đưa chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân về nguồn vốn, kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhưng huyện Tân Lạc đã vận dụng một cách uyển chuyển để phát huy tối ưu hiệu quả.
(HBĐT) - Từ xa xưa, dân tộc Mường đã coi dân ca Mường là loại hình giao tiếp, lời tâm sự, tỏ tình với người khác giới, là sự rung động của trái tim. Khi hát, họ được thể hiện tâm tư, tình cảm, nỗi lòng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trong nhiều năm, hát dân ca Mường tại các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn huyện Kim Bôi cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh không còn được người dân mặn mà như trước nữa. Không chỉ các cháu nhỏ mà ngay các bà, các chị hiểu, hát được và yêu thích các làn điệu dân ca Mường không còn nhiều. Một số bài dân ca có nguy cơ thất truyền, lãng quên. Thấy được điều đó, nhiều năm nay bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết và với mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như bảo tồn các làn điệu dân ca Mường, bà Đinh Thị Kiều Dung, xóm Bo, xã Kim Bình (Kim Bôi) đã mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, hát dân ca tại nhiều địa phương cho phụ nữ cùng các cháu nhỏ tham gia học để thêm hiểu và yêu dân ca Mường hơn.
(HBĐT) - Năm 2016 trở thành một năm đặc biệt đáng nhớ đối với ngành du lịch tỉnh Hòa Bình. Trong nhiều sự kiện mang ý nghĩa văn hóa - xã hội to lớn được tổ chức năm nay, có hai dấu ấn quan trọng hứa hẹn trở thành hai “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ sự chú ý của du khách muôn phương. Hơn bao giờ hết, khát khao vươn tầm thương hiệu lại được đặt vào hai cái tên nổi bật nhất của du lịch Hòa Bình hiện nay: Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và điểm du lịch quốc gia Mai Châu.
(HBĐT) - Tối 31/12, tại Nhà văn hóa thành phố Hòa Bình, Trung tâm VH-TT Thành phố đã tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân Đinh Dậu 2017. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 30/12, đồng chí Hoàng Quang Minh, Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở LĐTB &XH đã đến thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc Mông hai xã: Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) nhân dịp đón Tết cổ truyền của đồng bào Mông năm 2017.
Sáng 29-12, tại Hà Nội, đại diện của hàng trăm cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng đã tham dự cuộc bầu chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và báo Văn hóa tổ chức.