(HBĐT) - Bà Hoàng Thị Chiển, nguyên UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ - vị nữ lãnh đạo tỉnh chúng tôi đặc biệt ấn tượng và trân trọng không chỉ bởi những thành công, đóng góp trong công việc, sự nghiệp của bà mà còn bởi ấn tượng đẹp về một người phụ nữ yêu và hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc; luôn gần gũi, duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc Mường truyền thống.
Các cô gái Mường huyện Lạc Sơn tham gia thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, tại hội thi trình diễn trang phục dân tộc và trình tấu chiêng Mường huyện Lạc Sơn năm 2016, góp phần giữ gìn và tôn vinh giá trị truyền thống của trang phục dân tộc.
Không chỉ tham dự trong các chương trình, sự kiện quan trọng của tỉnh mà khi đi công tác ở các tỉnh bạn hay đi họp ở Trung ương và cả khi ra tới Trường Sa, hình ảnh của bà luôn gắn với bộ trang phục dân tộc Mường truyền thống. Mới đây, trong sự kiện Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh chúng tôi gặp lại bà vẫn giữ nguyên cảm nhận, ấn tượng đặc biệt ấy. Và, trong “cơ hội” đặc biệt khi chúng tôi được chứng kiến hình ảnh gần 2.000 phụ nữ Mường trong ngày hội; hình ảnh các cô gái Mường trong cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc Mường truyền thống, chúng tôi đã ghi lại những chia sẻ, kiến thức của bà về bộ trang phục dân tộc của quê hương.
Bà Hoàng Thị Chiển cho biết: Cùng với nét văn hóa “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới” được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ trong văn học dân gian Mường, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế - một hiện thân sống động của tư duy triết học và nghệ thuật tạo hình độc đáo bậc nhất trong chiều sâu lịch sử văn hóa dân tộc Mường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Từ Chi đã viết: “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng, như tranh!”. Quả thật, cái hay, cái đẹp, tinh túy và thâm sâu nhất được khắc họa trên bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường.
Bà Chiển đã giới thiệu về nét đẹp tinh tế, độc đáo trong trang phục nữ dân tộc mình: Có hai màu sắc cổ truyền là nâu và trắng. áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Phần này thường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Đi đôi với váy là bộ tênh, thường bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy, làm nổi eo người mặc. Bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước (bộ sà tích chỉ đeo trong dịp lễ hội). Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường - chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Qua bộ trang phục cũng thể hiện rõ được gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường.
Đặc biệt trong bộ trang phục của phụ nữ Mường, chiếc khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng. Khăn có màu trắng. Người Mường quan niệm màu trắng như một sự tinh khiết, thanh cao, là bầu trời, một cõi cực lạc và thoát tục nên phụ nữ Mường đội đầu bằng chiếc khăn màu trắng để thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh. Bên cạnh ý nghĩa về màu sắc, nét tinh tế, độc đáo, mang đậm tính triết học về nhân sinh quan của văn hóa Mường còn được thể hiện rất rõ trong cách đội khăn. Chiếc nút thắt của khăn nằm ở vị trí phía trên búi tóc thể hiện cho sự yên bình. Tuy nhiên chỉ có phụ nữ đã lập gia đình mới chít khăn trên đầu. Ngoài ra, bộ trang phục còn có áo chùng (chỉ mặc trong ngày lễ hội), khăn thắt áo, cạp cấu váy, vòng bạc, vòng cườm đeo cổ, đeo tay…
Quá trình hình thành bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường xuyên suốt cùng chiều dài lịch sử và đồng hành mật thiết với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. Trước đây, chất liệu tạo nên trang phục thường được lấy từ thiên nhiên như vỏ cây lanh, cây đay, da thú… Sau này, người Mường biết nuôi tằm, lấy tơ dệt vải và sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên để nhuộm vải tạo nên màu sắc. Ngày nay, với đa dạng chất liệu dệt, bộ trang phục dân tộc Mường cũng được sáng tạo may gọn nhẹ, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc bộ trang phục. Trong xu thế có quá nhiều sự lựa chọn trang phục, thời trang như hiện nay nhưng đa phần phụ nữ Mường ở Hòa Bình vẫn lưu giữ trang phục truyền thống, luôn trang bị cho mình ít nhất một bộ để diện trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, 100% trường dân tộc nội trú trong tỉnh, học sinh dân tộc luôn ý thức, tự hào mặc trang phục dân tộc trong giờ chào cờ và các buổi học đầu tuần, cuối tuần. Tại các cơ quan, đơn vị cũng khuyến khích cán bộ, CNVC sử dụng trang phục truyền thống trong các ngày lễ.
Là con gái chính gốc Mường Vang, bà Chiển đã được các bà, các mẹ truyền dạy những đức tính: công, dung, ngôn, hạnh cần có của người phụ nữ Mường truyền thống. Cùng với đó, bà luôn giữ và nói tiếng Mường chuẩn giọng, không lơ lớ biến âm. Việc khâu vá, đan len, dệt sợi bà cũng được truyền dạy và làm thật khéo. Cả những câu hát thường rang, bộ mẹng bà cũng không nhớ nổi bao lần tự hào hát cho các bạn của mình nghe. Bà Chiển cũng như bao người phụ nữ yêu trang phục dân tộc Mường ở Hòa Bình khi diện trang phục truyền thống của mình đi kèm, gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng đã luôn cảm thấy tự tin, mềm mại, uyển chuyển hơn. Đây cũng là cách khẳng định sự trân trọng bản sắc dân tộc của phụ nữ Mường Hòa Bình.
Hồng Duyên
(HBĐT) - Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2016, Sở VH -TT&DL đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện phong trào có hiệu quả.
Một cuộc thi chung kết “Người đẹp ảnh 2016” quy mô lớn nhưng lại “diễn chui” dưới vỏ bọc của một chương trình thời trang. Sự việc đang chờ hướng xử lý từ UBND tỉnh Gia Lai và Cục Nghệ thuật Biểu diễn...
(HBĐT) - Thôn Ba Bường (xã Thanh Nông - Lạc Thủy) có 90% đồng bào dân tộc Mường. Đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, trong những năm qua, phát huy tinh thần đoàn kết, người dân thôn Ba Bường đã từng bước vươn lên, giúp nhau phát triển kinh tế, trở thành nền tảng vững chắc trong xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh ở khu dân cư (KDC).
(HBĐT) - Ngày 23/12/2016, Sở VH-TT&DL ra Quyết định số 499/QĐ-SVHTTDL về việc công bố 10 sự kiện VH-TT&DL nổi bật năm 2016, bao gồm:
Tối 3-1, Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016.
(HBĐT) - Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN) là nhu cầu chính đáng của CNLĐ qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh... Hiện nay, tính riêng KCN bờ trái sông Đà và KCN Lương Sơn có tổng số 12.985 CNLĐ đang làm việc tại 45 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp FDI. Theo Công đoàn các KCN tỉnh, có trên 50% doanh nghiệp ở KCN Lương Sơn dành quỹ đất xây dựng sân chơi thể thao cho CNLĐ. Các hoạt động thi đấu thể thao, liên hoan, giao lưu văn nghệ thường được tổ chức vào Tháng công nhân và dịp lễ, tết hàng năm.