(HBĐT) - Chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và đời sống tinh thần của người Mường Hòa Bình. Văn hóa chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của chiêng Mường được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo thống kê, dân tộc Mường có 37 lễ hội lớn thì có tới 26 lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách trong, ngoài nước.

'

           Các nghệ nhân tham gia diễu hành chiêng đường phố.

 

Từ năm 2011, lần đầu tiên tại Lễ kỷ niệm 125 thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh, Lễ hội văn hóa chiêng lần thứ I, màn trình tấu chiêng với chủ đề “Vật báu - hồn thiêng” có sự tham gia của 1.400 diễn viên, nghệ nhân đến từ 4 vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động và các địa phương trong tỉnh. Qua 3 chương   là “Dậy chiêng”, “Tình yêu đất Mường” và “Vật báu - hồn thiêng” đã thể hiện được đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo của đồng bào dân tộc Mường trong suốt chiều dài  lịch sử của mình. Trong đó, không gian văn hoá chiêng là nơi gửi gắm tâm tư, khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, tươi đẹp của đồng bào dân tộc Mường từ bao đời nay. Đồng thời, thể hiện mối giao hoà giữa con người với con người, con người với thiên nhiên đất nước. Từ quy mô trình tấu hoành tráng, độc đáo “độc nhất vô nhị” đó, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam màn chiêng lớn nhất Việt Nam.

 

 Năm nay, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh tiếp tục tổ chức diễu hành đường phố và trình tấu màn chiêng lớn nhất Việt Nam lần thứ 2. Tuy nhiên, làm thế nào để chương trình độc đáo hơn với màn diễu hành chiêng đường phố và trình tấu chiêng quy mô lớn nhất từ trước đến nay để Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập màn trình tấu Chiêng lớn nhất Việt Nam lần thứ 2 là vấn đề khó với Ban Tổ chức Lễ hội. Được gặp gỡ nghệ sỹ ưu tú Bùi Chí Thanh, ông cho biết, mặc dù đã 84 tuổi nhưng khi được lãnh đạo tỉnh mời tham gia dàn dựng màn trình tấu Chiêng Mường lớn nhất, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng với tâm huyết, ông cùng các con đã dồn sức phối hợp với ê kíp tổ chức chương trình nghệ thuật này. Chứng kiến quá trình luyện tập mới thấy được những khó khăn, nỗ lực không ngừng của cả ê kíp thực hiện. Vào đúng thời điểm thời tiết rét đậm, nhưng nghệ sỹ ưu tú Bùi Chí Thanh cùng các nghệ sỹ và nghệ nhân vẫn hăng say luyện tập để có được những bước đi, bài chiêng đúng nhịp điệu, mang tính nghệ thuật cao.

 

Cuối cùng, bao ngày chờ mong cũng đã đến, đúng 14h30’ ngày 19/11/2016, trên các tuyến đường chính của thành phố Hòa Bình, các nghệ nhân chiêng chia thành 4 đoàn di chuyển về địa điểm tập kết để diễu hành. Đi đầu đoàn diễu hành là xe dẫn đường được trang trí rực rỡ, bắt mắt bằng cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo, chiêng Mường và các họa tiết hoa văn thổ cẩm… Tiếp theo là một nghệ nhân nam lớn tuổi  cầm chiêng con bắt nhịp. Nổi bật hơn cả là hàng trăm nghệ nhân từ các thiếu nữ mới mười tám đôi mươi đến các phụ nữ trung niên với trang phục truyền thống của dân tộc Mường tay cầm chiêng, trên khuôn mặt ánh lên niềm tự hào, tấu lên những bài chiêng của dân tộc mình. Trong hàng nghìn người tham gia diễu hành chiêng đường phố, chị Bạch Thị Tuyền, xã Tú Sơn (Kim Bôi) không giấu được niềm xúc động chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi được tham gia trình tấu chiêng vào ngày lễ hội lớn của tỉnh. Là người con của dân tộc Mường Hòa Bình, tôi thấy rất vinh dự, tự hào”. Nghệ nhân Bùi Văn ểu, người Mường Bi (Tân Lạc) cũng chia sẻ: “Đã nhiều lần tham gia biểu diễn tại lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh nhưng mỗi lần đều cho tôi một cảm xúc đặc biệt. Chiêng có từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tham gia trình diễn trong Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2 một lần nữa đã đem lại cho tôi cảm xúc đặc biệt, vì chiêng Mường đã được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hôm nay…”.

 

Tổng số có gần 2.000 nghệ nhân tham gia cả 2 chương trình diễu hành chiêng đường phố và màn trình tấu chiêng lớn nhất, trong đó có 1.600 nghệ nhân tham gia màn nghệ thuật, 400 nghệ nhân của 11 đoàn các huyện, thành phố và các tỉnh bạn. Các đoàn xuất phát từ 4 điểm đại diện cho 4 vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động. Cung đường diễu hành của Đoàn 1 gồm các nghệ nhân từ đầu đê Đà Giang gần cầu Đen, phường Đồng Tiến đi dọc theo tuyến đường Cù Chính Lan - đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình. Đoàn 2, các nghệ nhân xuất phát từ ngã tư trường Hoàng Văn Thụ đi theo Đại lộ Thịnh Lang - đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình. Đoàn 3, các nghệ nhân đi từ chân đập Thủy điện Hòa Bình theo đường Cù Chính Lan - đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình. Đoàn 4, các nghệ nhân từ Khách sạn Hòa Bình đi theo đường An Dương Vương - đường Trần Hưng Đạo về Quảng trường Hòa Bình. Các đoàn đều có xe biểu trưng dẫn đầu, vừa đi vừa trình diễn các bài chiêng như “Đi đường”, “Bông trắng, bông vàng” và các bài chiêng cổ của dân tộc Mường... Tiếng nhạc chiêng “bính boong, bính khầm…” của các nghệ nhân đi đến đâu, người dân 2 bên đường đủ các thành phần lứa tuổi, du khách trong và ngoài nước đứng reo hò, cổ vũ. Nhiều người dùng điện thoại thông minh lưu lại những khoảnh khắc đẹp hiếm thấy của màn diễu hành chiêng đường phố độc đáo, tưng bừng này. Về tới đường Chi Lăng rực rỡ cờ hoa, 4 đoàn nghệ nhân di chuyển về phía trung tâm Quảng trường Hòa Bình. Từ trên khán đài quan sát, 4 Mường đổ về như những con sóng lớn uốn lượn, hội tụ thành một dàn chiêng lớn biểu diễn trên nền nhạc một số bài chiêng của dân tộc Mường thật là hoành tráng.

Màn trình tấu chiêng xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam lần thứ hai.

 

Trong buổi tối diễn ra Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, niềm vui như vỡ òa khi Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố và trao kỷ lục Guinness cho màn chiêng lớn nhất Việt Nam lần thứ 2. Cùng  với Mo Mường, nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình được trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ đối với những người con của dân tộc Mường mà của toàn thể cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 

                                                                   Linh Đan

Các tin khác

Không có hình ảnh

Bên thềm chiều ba mươi Tết

(HBĐT)- Qua xuân rồi đến hạ, thu sang lại tới đông. Cỗ máy thời gian cứ thế vận hành nhịp nhàng, nhịp nhàng từng thời khắc. Nhoáng một cái, chiều ba mươi Tết lại đến. Bao cảm xúc dồn nén ở trong lòng, bời bời nỗi niềm bâng khuâng, trước thời khắc chuyển giao năm mới.

Tết cổ truyền trong nhịp sống hiện đại

(HBĐT) - Tết cổ truyền của dân tộc - ngày quan trọng nhất trong năm, vì vậy, trong mỗi người dân Việt vẫn vẹn nguyên sự háo hức, đợi chờ. Tết để được nghỉ ngơi, sum vầy, chăm sóc gia đình và… làm những điều mình thích. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người chọn cách hưởng thụ Tết cho cả gia đình mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn tràn ngập sắc xuân.

Thầy mo - “người đặc biệt” trong ngày Tết của người Mường

(HBĐT) - Đối với thầy mo ở các bản mường, những ngày thường trong năm đã bận rộn, Tết về, họ càng bận rộn hơn. Nếu như Tết của người Kinh không thể thiếu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, thì với người Mường, Tết không thể trọn vẹn nếu không có thầy mo.

Giáo xứ Hòa Bình hân hoan đón chào năm mới

(HBĐT) - Cùng đoàn công tác của thành phố Hòa Bình, chúng tôi có dịp đến thăm nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đúng vào dịp bà con giáo dân hân hoan, phấn khởi chuẩn bị đón chào xuân Đinh Dậu. Người nhanh tay dọn dẹp vệ sinh, người đóng gói bánh kẹo, quà Tết. Các em gái thì tươi tắn luyện tập và chuẩn bị trang phục cho các tiết mục văn nghệ đón chào năm mới. Hòa vào dòng chảy của đời sống văn hóa dân tộc, bà con giáo dân giáo xứ Hòa Bình hân hoan, phấn khởi đón chào năm mới.

Đón Tết theo cách của phật tử

(HBĐT) - Hòa chung với nhịp điệu của đất trời chuẩn bị đón xuân sang, những ngày cuối tháng Chạp se lạnh, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) để cùng thầy và các tổ phật tử dọn dẹp, trang hoàng nhà chùa. Trong thoang thoảng mùi hương trầm, Tết ở chùa nhẹ nhàng, thanh tịnh nhưng cũng không kém phần hân hoan. Đó là một điểm đến không thể thiếu đối với người Việt khi đón chào năm mới.

Rộn ràng chợ hoa ngày Tết

(HBĐT) - Hội hoa xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại Quảng trường Hòa Bình năm nay là một nét mới trong công tác tổ chức của các cơ quan chức năng thành phố Hoà Bình. Ngoài việc tạo điều kiện cho người bán hoa quy tụ vào một điểm chung, dễ quản lý, người dân thành phố Hoà Bình và khu vực lân cận có điều kiện hơn trong việc lựa chọn những nhu cầu mua sắm hợp lý nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục