(HBĐT) - Khi em hát lên, cả núi rừng như mơ màng, say tiếng hát, anh quên cả thời gian, quên cả bó củi đang đốn dở. Thương mến nhau vì câu hát, ta nên bạn tâm giao, thành đôi tri kỷ... Là người con đất Mường, từ lúc thơ bé, tôi đã được chìm đắm trong những câu hát ví (hát đối), hát thường rang. Với tôi, những câu hát vừa ngọt ngào, vừa thể hiện sự đối đáp thông minh, khéo léo là một di sản thật đáng tự hào. Những ngày đầu xuân, trong chuyến tìm về mảnh đất Mường Động giàu truyền thống, một lần nữa, tôi lại được lắng đọng trong những câu hát, mẩu chuyện và những giai thoại vui…

 

 “Hát thua chớ bán lên trời mà thương”…

 

 Chúng tôi đến xóm Cốc, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) - nơi vẫn còn đó những “cây” hát nổi tiếng ở xứ Mường Động. Một trong những người đó là bà Bùi Thị Tớm, năm nay 66 tuổi. Từ thuở bé theo mẹ lên nương, ra đồng, bà Tớm đã say mê những câu hát ví. Rồi, những làn điệu đó in sâu vào tâm thức của bà lúc nào không rõ, chỉ biết rằng, hễ đi kiếm củi, đi chăn trâu là bà lại hát. Nhờ có giọng hát hay trời phú và khả năng đối đáp linh hoạt, bà Tớm đã sớm trở thành một sơn ca trong nhóm bạn đồng niên. Đến năm 13 tuổi, đi nghe các chị trong xóm hát giao duyên với thanh niên làng bên, khi đội nhà có phần đuối lý, cô bé Tớm dù mới 13 tuổi nhưng đã cất tiếng hát và “cứu” đội nhà một “bàn thua” trông thấy.

 

“Nhiều người biết hát nhưng để tự tin hát đối với người khác thì rất ít. Vẫn làn điệu đó nhưng tùy từng hoàn cảnh, từng tình huống cụ thể mà người hát phải nghĩ ra những câu đối hợp lý, thông minh. Thêm nữa, giọng hát phải truyền cảm mới cuốn hút được người nghe. Thế nên, có những đôi hát thâu đêm suốt sáng, có những người chỉ vì giọng hát mà si mê nhau”, bà Tớm chia sẻ.

Các nghệ nhân ở thôn Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) biểu diễn dân ca Mường.

 

Bà Tớm kể, có lần cùng hội Thanh niên xung phong đi phát rừng, biết bà có tài hát, nhiều người đề nghị hát cho mọi người nghe để tạo không khí làm việc vui vẻ. Thế nhưng “tác dụng phụ”, khi bà cất lên tiếng hát, chẳng ai buồn làm việc nữa, tất cả ngồi chỉ để nghe hát. Trong quan niệm của người Mường, bố chồng và con dâu không được hát đối với nhau. Dẫu vậy, ở bản Mường này vẫn có một giai thoại vui mà bà con vẫn hay kể, đó là trường hợp bố chồng và con dâu hát với nhau trên rừng. Hôm đó, ông bố chồng đi lấy củi và nghêu ngao hát, cô con dâu đang đào măng ở đồi nọ không biết nên cũng đáp lời. Hai người cứ thế hát qua lại, chỉ đến khi giáp mặt mới tá hỏa nhận ra người thân!

 

Câu chuyện mà đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng kể cũng bi hài không kém. Đó là câu chuyện của anh Bùi Văn Diển, người ở xã Hạ Bì. Anh Diển đi cùng đoàn vào đón dâu ở huyện Lạc Sơn, khi ăn cơm, uống rượu và làm thủ tục xin dâu xong thì cả đoàn quay về. Tuy nhiên, vì gặp đúng người hòa hợp với mình, anh Diển đã hát suốt 2 ngày ở Lạc Sơn mà vẫn chưa chịu về. “Có đôi chỉ hát vài ba câu là thôi vì không hòa hợp, hoặc 1 trong 2 người không còn đối lại được nữa, đành phải nhận thua. Thông thường, hình phạt dành cho người thua là chấp nhận bị người kia bán”, đồng chí Bùi Văn Hùng cho hay.

 

Với một người hát giỏi và hầu như chưa chịu thua ai bao giờ như bà Tớm thì hát chủ yếu để vui, chứ bà chẳng “bán” ai bao giờ. Trước khi tham gia hát đối đáp, bà thường khiêm tốn mở lời: “ún ni kém thiểng, ít  lời/Hát thua chớ páanh lên tlời mà thương” (Em đây kém tiếng, ít lời/ Hát thua chớ bán lên trời mà thương). Hay với những người còn e ngại, muốn hát nhưng chưa dám mở lời thì bà khéo léo: “Hát chơi, hát dộông pới eng ơi/ Hát thua, ún chăng đắm lệ là chồông mà lo, pợi lả eng ơi” (Hát chơi, hát cùng vui đi anh ơi/ Hát thua, em không lấy làm chồng đâu mà anh lo)…

 

Tết về Mường Động lại du dương câu hát

 

Trong nhịp sống ngày càng bận rộn, có nhiều sự du nhập về văn hóa, con người có nhiều sự lựa chọn về nghe - nhìn. Thế nên, những câu thường rang, câu ví với những buổi hát đối say mê đến quên cả giấc ngủ đã ít đi vài phần. “Trong những dịp vui, chúng tôi vẫn hát với nhau. Hiện tại, câu lạc bộ Thanh niên xung phong của chúng tôi hằng năm vẫn tổ chức các buổi gặp mặt. Trong buổi đó thì không thể thiếu được những câu hát. Còn dịp Tết  được mọi người mong chờ nhất, con cháu sum vầy, anh em gặp mặt, chúc tụng, hỏi thăm nhau qua những câu hát ”, bà Tớm cho hay.

 

Đối với bà Bùi Thị èm, 65 tuổi, xóm Cốc thì Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi những câu hát đối. “Tôi hát không giỏi nhưng có dịp thì đều góp vui với mọi người. Khi quây quần bên mâm cơm, uống chén rượu và hát với nhau giúp mọi người gần gũi, cởi mở hơn. Từ những người xa lạ, qua vài câu hát cũng đã thành quen”, bà èm chia sẻ.

 

Thuộc thế hệ hậu bối nhưng chị Bùi Thị Lưu (40 tuổi) cũng đang kế thừa những câu hát của cha anh mình. Nghe cái cách chị say sưa kể, rồi khoe về những tấm ảnh của những buổi đi biểu diễn văn nghệ mới thấy được tình yêu của chị đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. “Người hay nhiều, người hay ít vì còn tùy thuộc vào năng khiếu nữa. Thế nhưng, mỗi người phải có ý thức giữ gìn, truyền dạy cho con cháu, khi chúng nó đã hiểu thì cũng sẽ yêu như mình thôi”, chị Lưu bộc bạch.  

 

Nguyên là một cán bộ văn hóa xã, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng rất am hiểu về những câu hát của người Mường. Đồng chí cho biết: “Chất liệu trong những câu hát bắt nguồn từ đời sống nên giản dị, gần gũi. Được nghe hát từ bé, đến giờ, có thể thấy được những sự biến  đổi linh hoạt trong câu hát. Trong các ngày hội ở KDC, những chủ đề như chương trình xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, rồi ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước được các cụ đề cập đến rất thú vị. Trong dịp Tết, những năm trước, trong Lễ hội Mường Động chúng tôi tổ chức thi hát đối. Đây cũng một điểm nhấn độc đáo mà chúng tôi muốn duy trì trong Lễ hội hàng năm, vừa tạo sân chơi, vừa để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống nói chung, hát thường rang và hát đối nói riêng”.

 

                                                                              Viết Đào

 

Các tin khác


Gà trống có ý nghĩa gì trong phong thủy

(HBĐT) - Những ngày năm hết Tết đến hay giỗ chạp, cưới xin, ma chay, người Việt Nam thường hay cúng gà thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên mà điều đặc biệt đó luôn là gà trống. Gà trống từ trước đến nay là biểu tượng của sự cao quý, gà trống gáy sáng gọi mặt trời dậy, vì thế mà trong phong thủy, gà trống đóng một vai trò quan trọng. để biết được cụ thể về ý nghĩa của gà trống trong phong thủy hãy theo dõi bài viết bên dưới đây, bạn sẽ thú vị.

Người đẹp đất Mường tỏa sáng

(HBĐT) - Hòa Bình - vùng đất tươi đẹp, thiên nhiên trong lành, từ lâu nổi tiếng sản sinh ra những người con gái đẹp. Những cô gái Hòa Bình với vóc dáng cân đối, làn da trắng hồng đã trở thành nàng thơ, đi vào những bài hát của những nhạc sỹ nổi tiếng. Có lẽ vì thế, các cuộc thi hoa hậu hay người đẹp xứ Mường xưa đã được tổ chức từ thời Pháp thuộc. Vào năm 1932 và năm 1942, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” với những bông hoa đẹp của núi rừng được vinh danh như Quách Thị Tẻo, xứ Mường Vang và Đinh Thị Nụ ở Châu Lương Sơn… Bẵng đi một thời gian khá dài, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức các cuộc thi sắc đẹp - đây là cơ hội cho người đẹp đất Mường đua tài, khoe sắc. Đặc biệt, trong năm 2016, người đẹp Hòa Bình đã có sự tỏa sáng vượt bậc khi ghi danh vào “bản đồ” sắc đẹp Việt Nam.

Hồ Hòa Bình mênh mang xuân về

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng con người được tạo ra trong quá trình trị thủy bắt sức nước thành dòng điện tỏa sáng muôn nơi. Du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh núi non, mây nước hữu tình, mộng mơ, cảm nhận nơi đây là một sự kết hợp đến hoàn mỹ của thiên nhiên và con người. Với tiềm năng lớn phát triển các loại hình du lịch, trong tương lai, hồ Hòa Bình được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Mênh mông hoa cải

(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở khắp núi rừng Tây Bắc, điều đó đã thành quen thuộc cả với những du khách. Nhưng những vườn cải vàng, những sườn đồi cải trắng mênh mang trong gió rét lại mang đến một ấn tượng thú vị rất riêng cho những chuyến đi.

Bên thềm chiều ba mươi Tết

(HBĐT)- Qua xuân rồi đến hạ, thu sang lại tới đông. Cỗ máy thời gian cứ thế vận hành nhịp nhàng, nhịp nhàng từng thời khắc. Nhoáng một cái, chiều ba mươi Tết lại đến. Bao cảm xúc dồn nén ở trong lòng, bời bời nỗi niềm bâng khuâng, trước thời khắc chuyển giao năm mới.

Tết cổ truyền trong nhịp sống hiện đại

(HBĐT) - Tết cổ truyền của dân tộc - ngày quan trọng nhất trong năm, vì vậy, trong mỗi người dân Việt vẫn vẹn nguyên sự háo hức, đợi chờ. Tết để được nghỉ ngơi, sum vầy, chăm sóc gia đình và… làm những điều mình thích. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người chọn cách hưởng thụ Tết cho cả gia đình mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn tràn ngập sắc xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục