(HBĐT) - Trong không khí vui xuân đón Tết rộn ràng, theo âm thanh réo rắt, bổng trầm của làn điệu chèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Lê Thị Thu Hoàn ở tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn). Trên khoảng sân rộng trước hiên nhà, dưới ánh nắng xuân chan hòa một nhóm chị em trong phang phục áo váy sắc màu đang uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa, lời ca. Dàn nhạc có đủ bộ gõ, trống cơm, đàn tam, đàn tứ, đàn nhị, phách, nhạc công đều là các ông, bà cao tuổi nhưng vẫn say sưa với nhịp phách, tiếng đàn. Đó là một buổi tập dượt của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo 30/4 của huyện để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn mừng xuân mới.

 

Trên mảnh đất xứ Mường, quê hương của thường rang, bộ mẹng, nhịp điệu chiêng thấm đẫm hồn dân tộc thì câu hát chèo quả thật là lạ lẫm. ấy vậy nhưng hơn 10 năm thành lập, dù quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay CLB vẫn được duy trì, hàng tuần sinh hoạt đều đặn. Khởi đầu từ 32 thành viên, nay người còn, người mất, người vì điều kiện không tham gia được, hiện CLB có 20 người. Trẻ có, già có, 20 thành viên CLB như những người thân trong gia đình, đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau vì tình yêu duy nhất, đó là tình yêu nghệ thuật.

 

Bà Nguyễn Thị Hoán, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được hình thành từ ý tưởng của cố nghệ sỹ Minh Sáng công tác ở Đoàn chèo Hà Tây (cũ). Khi về nghỉ hưu tại thị trấn Lương Sơn, cố nghệ sỹ nảy sinh ý tưởng thành lập nhóm tập hợp những người yêu VH-VN, yêu những làn điệu dân ca, tiếng hát chèo truyền thống. Được sự ủng hộ của mọi người, ngày 30/4/2005 CLB được thành lập lấy tên là “CLB chèo 30/4”. Mọi hoạt động, kinh phí đều do các thành viên tự đóng góp, tổ chức. Người có đàn góp đàn, người có trống góp trống, trang phục biểu diễn mỗi người tự may sắm, các buổi sinh hoạt hàng tuần hay những buổi tập chuẩn bị cho hội diễn chỉ một câu thông báo các thành viên đều có mặt đầy đủ cùng nhau luyện tập.

Khúc hát chèo mừng xuân trên đất Mường do các thành viên CLB chèo 30/4 biểu diễn.

 

Tinh thần nhiệt tình cộng với niềm đam mê nghệ thuật, “chất nghệ sỹ” thường trực trong mỗi người, CLB trở thành ngôi nhà chung của những người yêu tiếng đàn, tiếng hát. Người ở tại thị trấn, người ở các xã khác trong huyện như chị Liên, xóm Cời - xã Tân Vinh; anh Phương, xã Hợp Hòa, anh Hương tận xã vùng sâu Cao Răm…  Ngày ngày đều bận rộn, vất vả cho cuộc mưu sinh nhưng khi ngưng tay cuốc, tay cày, khi dừng công việc thường nhật là họ lại cất cao tiếng hát, dịu dàng, uyển chuyển trong điệu múa, say sưa trong nhịp phách, nhịp trống đổ dồn, chẳng còn nhận ra người nông dân chân lấm tay bùn, bác cắt tóc bên đường hay cô bán hàng chợ sớm. Chị Nguyễn Hồng Yên, thành viên CLB người ở xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn chia sẻ: Mình là một người dân tộc Mường, biết hát các các điệu hát của dân tộc Mường, nhưng đối với hát chèo mình có niềm say mê đặc biệt. Ngay từ bé được nghe hát chèo trên Đài Tiếng nói Việt Nam mình đã yêu thích và học theo chương trình dạy hát chèo của đài. Biết mình yêu thích chèo và biết hát các cô, chú ngoài thị trấn tận tình chỉ dạy, khi CLB thành lập mình đăng ký tham gia ngay. Cũng ở xóm Mòng còn có chị Nguyễn Thị Mai Lan, cơ duyên đến với CLB cũng bởi tình yêu với chèo, để được hát thỏa niềm đam mê. Đến nay, hai chị đều là những người hát chính của CLB.

 

Kể từ khi thành lập, CLB hoạt động không có nguồn kinh phí ổn định nhưng điều đó không làm nản lòng những người nghệ sỹ không chuyên. Những khó khăn, vất vả trở thành những kỷ niệm đong đầy trong mỗi người. Đó là những buổi tập vào thời điểm mùa vụ phải tranh thủ tập từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều về còn ra đồng, lên nương. Những ngày mưa lũ thành viên ở xa phải chờ nước rút mới qua được suối đi tập đêm. Vào vụ thu hoạch, diễn viên đi tập mang theo cả sản phẩm, tập xong tiết mục của mình tranh thủ mang ra chợ bán… Vậy nhưng chẳng có lời kêu ca, phàn nàn mà mỗi buổi tập luôn tràn ngập không khí hứng khởi, các thành viên nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn cho nhau để câu hát thêm ngọt ngào, điệu múa thêm nhuần nhuyễn, tiếng đàn lời ca hòa quện. ông Lã Đức Hải, CCB và là người đánh đàn tứ trong dàn nhạc cho biết: Không chỉ tự đóng góp để hoạt động, các tiết mục của CLB hầu hết cũng tự biên, tự diễn như ca khúc “Thắm đượm tình quê” do ông sáng tác, bài “Trọn đời ơn Bác” của cố nghệ sỹ Minh Sáng… Nếu không có tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, nhiệt huyết với chèo thì thật khó để duy trì CLB. Hơn cả là ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà mỗi thành viên trong CLB luôn hiểu, trân trọng và không ngừng phát huy. Đó cũng chính là nền tảng, cơ sở để CLB gặt hái nhiều thành công, hàng năm tham dự các hội diễn của tỉnh, huyện đoạt nhiều giải A, giải B cho tập thể và diễn viên, trong đó, năm 2006, tham dự hội diễn làng chèo không chuyên toàn quốc CLB đoạt huy hương vàng.

 

Và xuân này, các nghệ sỹ không chuyên của CLB chèo 30/4 lại chuẩn bị những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất, mang tiếng hát, lời ca biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân, đưa khúc hát chèo là lạ thành quen, trở thành món ăn tinh thần được mong đợi mỗi khi Tết đến, xuân về trên quê hương đất Mường. Hoà trong âm thanh ngày mới, cùng nhịp chiêng trầm hùng, điệu hát ru bay bổng là khúc hát  chèo ngọt ngào, sâu lắng mời gọi bạn hữu gần xa về với Lương Sơn - mảnh đất cửa ngõ của tỉnh, nơi đậm sự  giao thoa văn hoá giữa miền ngược - miền xuôi.

 

                                                                           Hà Thu

 

Các tin khác


Âm vang màn trình tấu Chiêng Mường lớn nhất lần thứ hai

(HBĐT) - Chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và đời sống tinh thần của người Mường Hòa Bình. Văn hóa chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của chiêng Mường được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo thống kê, dân tộc Mường có 37 lễ hội lớn thì có tới 26 lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách trong, ngoài nước.

Gà trống có ý nghĩa gì trong phong thủy

(HBĐT) - Những ngày năm hết Tết đến hay giỗ chạp, cưới xin, ma chay, người Việt Nam thường hay cúng gà thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên mà điều đặc biệt đó luôn là gà trống. Gà trống từ trước đến nay là biểu tượng của sự cao quý, gà trống gáy sáng gọi mặt trời dậy, vì thế mà trong phong thủy, gà trống đóng một vai trò quan trọng. để biết được cụ thể về ý nghĩa của gà trống trong phong thủy hãy theo dõi bài viết bên dưới đây, bạn sẽ thú vị.

Người đẹp đất Mường tỏa sáng

(HBĐT) - Hòa Bình - vùng đất tươi đẹp, thiên nhiên trong lành, từ lâu nổi tiếng sản sinh ra những người con gái đẹp. Những cô gái Hòa Bình với vóc dáng cân đối, làn da trắng hồng đã trở thành nàng thơ, đi vào những bài hát của những nhạc sỹ nổi tiếng. Có lẽ vì thế, các cuộc thi hoa hậu hay người đẹp xứ Mường xưa đã được tổ chức từ thời Pháp thuộc. Vào năm 1932 và năm 1942, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” với những bông hoa đẹp của núi rừng được vinh danh như Quách Thị Tẻo, xứ Mường Vang và Đinh Thị Nụ ở Châu Lương Sơn… Bẵng đi một thời gian khá dài, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức các cuộc thi sắc đẹp - đây là cơ hội cho người đẹp đất Mường đua tài, khoe sắc. Đặc biệt, trong năm 2016, người đẹp Hòa Bình đã có sự tỏa sáng vượt bậc khi ghi danh vào “bản đồ” sắc đẹp Việt Nam.

Hồ Hòa Bình mênh mang xuân về

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng con người được tạo ra trong quá trình trị thủy bắt sức nước thành dòng điện tỏa sáng muôn nơi. Du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh núi non, mây nước hữu tình, mộng mơ, cảm nhận nơi đây là một sự kết hợp đến hoàn mỹ của thiên nhiên và con người. Với tiềm năng lớn phát triển các loại hình du lịch, trong tương lai, hồ Hòa Bình được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Mênh mông hoa cải

(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở khắp núi rừng Tây Bắc, điều đó đã thành quen thuộc cả với những du khách. Nhưng những vườn cải vàng, những sườn đồi cải trắng mênh mang trong gió rét lại mang đến một ấn tượng thú vị rất riêng cho những chuyến đi.

Bên thềm chiều ba mươi Tết

(HBĐT)- Qua xuân rồi đến hạ, thu sang lại tới đông. Cỗ máy thời gian cứ thế vận hành nhịp nhàng, nhịp nhàng từng thời khắc. Nhoáng một cái, chiều ba mươi Tết lại đến. Bao cảm xúc dồn nén ở trong lòng, bời bời nỗi niềm bâng khuâng, trước thời khắc chuyển giao năm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục