(HBĐT) - Những tưởng, “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng ra đời với mụ đích làm nổi bật tài năng của vị thần đại diện cho chính nghĩa, ý trí và khả năng trị thủy của dân tộc Việt thì thật bất ngờ khi ở một vùng “sơn cùng thủy tận” trên đất Tổ Phú Thọ vẫn hiện hữu một giống gà mang đầy đủ những nét đặc trưng của “gà 9 cựa” mà truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh đã mô tả.
Con của thần núi, thần rừng
Với mong muốn được “thực mục sở thị” giống gà trong truyền thuyết, theo chỉ dẫn của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi về vùng đất Tổ - Phú Thọ rồi ngược lên huyện vùng cao Tân Sơn trong cái tê lạnh của miền sơn cước chớm bước vào xuân. Đường về Vườn Quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn - Phú Thọ) giờ không khó đi như sự miêu tả còn in hằn trong tâm thức của những người bạn đã từng đặt chân lên vùng đất này từ nhiều năm trước. Bỏ lại phía sau vùng trung du xanh mướt những đồi chè, rừng cọ lẩn khuất trong màn sương giăng bảng lảng, chúng tôi hướng về đại ngàn Xuân Sơn với những dãy núi đá vôi cao ngất. Nơi vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ hoang sơ như từ ngàn xưa còn hiện hữu. Theo chỉ dẫn của những người dân bản địa thì đến bản Cỏi, xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn - Phú Thọ) - là nơi cội nguồn của giống gà 9 cựa trong truyền thuyết.
Bản Cỏi ở không quá xa trung tâm xã, nhưng đến được cũng không phải dễ. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng chạm đích khi kim đồng hồ nhích dần về con số 12h trưa. Bản Cỏi chỉ có vài chục nóc nhà, thế nên tìm trưởng bản cũng không khó. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng bản Đặng Văn Thu chia sẻ: Bản Cỏi có 89 hộ với khoảng trên 400 nhân khẩu. Trong đó, chủ yếu là người Dao thuộc nhóm Dao tiền. Bản ở phía Đông Nam dãy núi Ten - một trong 3 dãy núi đá vôi cao hơn 1.000m trong địa phận Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Người dân bản Cỏi vẫn giữ được nét bản sắc văn hóa, họ ở nhà đất là chủ yếu. Sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thiên nhiên. Chăn nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên. Tuy nằm ở nơi “sơn cùng, thủy tận” nhưng bản Cỏi được nhiều người biết đến, bởi lẽ đây chính là nơi còn lưu giữ giống gà 9 cựa tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết lưu truyền từ thời Hùng Vương, nhà nước Văn Lang cách đây 4.000 năm.
Đến với bản Cỏi không khó để nhận ra những con gà 9 cựa được đồng bào Dao trân trọng và nuôi dưỡng cẩn thận. Tuy vậy, khi được hỏi về nguồn gốc giống gà 9 cựa nổi tiếng này thì ngay cả người cao tuổi nhất bản là cụ Đặng Thị Chung cũng không biết. Họ chỉ biết, từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy giống gà này rồi. Nó được người dân ở đây nuôi dưỡng, bảo tồn từ đời nay sang đời khác. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt mà nói như cụ Đặng Thị Chung, ngoài bản Cỏi thì không ở đâu nuôi được giống gà đặc biệt này. Chuyện này cũng đã được nhiều người minh chứng. Anh Bàn Văn Hoàng là người có kinh nghiệm nuôi nhiều gà 9 cựa nhất xã Xuân Sơn cho biết: Chỉ cần đưa giống gà này ra khỏi khu vực rừng núi Xuân Sơn, cho dù là những con gà khỏe mạnh chỉ sau một thời gian nó cũng không tồn tại được. Nếu có sống thì chúng cũng không thể khỏe mạnh và mang cái dáng vóc uy dũng như khi được chăn nuôi ở vùng đất Xuân Sơn này. Cụ Đặng Thị Chung móm mém bảo: Vùng đất Xuân Sơn là nơi nuôi dưỡng những chú gà 9 cựa đặc biệt. Cũng chỉ có ở đây mới có giống gà 9 cựa thuần chủng, bởi ở đây, chúng là con của thần núi, thần rừng.
Gà 9 cựa trong văn hóa, tâm linh của người Dao ở Xuân Sơn
“Gà 9 cựa hiếm lắm. Bây giờ ở bản Cỏi con nào nhiều nhất cũng chỉ có 8 cựa thôi, loại 5, 6 cựa thì nhiều”, trưởng bản Đặng Văn Thu cho biết. Theo những người cao tuổi trong bản thì kể từ xưa cho đến nay, bản Cỏi rất hiếm khi thấy gà chín cựa. Nếu nhà ai có con gà đủ 9 cựa thì gia đình đó sẽ gặp nhiều may mắn và được bà con dân bản đến chúc mừng.
Giống gà 9 cựa nơi bản Cỏi, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) luôn có hình thể uy dũng.
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là trong tâm thức của đồng bào Dao ở Xuân Sơn, gà 9 cựa có một vị trí khá đặc biệt. Họ gọi những con gà 9 cựa là vua gà. Coi nó là chúa tể của các loại gà. Trong đời sống văn hóa tâm linh, người Dao coi trọng nhất ngày Lập tĩnh hay còn gọi là Lễ cấp sắc. Đây là lễ công nhận trưởng thành của người con trai. Vào ngày này, mọi gia đình ở bản Cỏi dù giàu hay nghèo cũng nhất thiết phải chuẩn bị 20 con gà nhiều cựa để cho những chàng trai ôm, nhảy vũ điệu “chào chèo” để chứng thực với tổ tiên là mình đã trưởng thành. Kết thúc nghi lễ này, họ sẽ mang những con gà nhiều cựa làm thịt để dâng cúng tổ tiên nhằm thể hiện sự trân trọng và biết ơn. Ngoài ra, trong các ngày lễ quan trọng khác người Dao ở Xuân Sơn đều phải có loại gà 9 cựa này để cúng tế tổ tiên. Dẫu thế, con gà 9 cựa xuất hiện trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao từ bao giờ thì chẳng ai rõ. Khi được hỏi thì người ta bảo cũng chỉ biết từ đời cha ông đã làm như vậy. Điều đó có nghĩa là gà 9 cựa đã xuất hiện trong đời sống người Dao ở Xuân Sơn từ rất lâu rồi và mặc nhiên nó chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa, đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.
Có một điều đặc biệt nhiều người vẫn chưa lý giải được đối với giống gà 9 cựa, đó là không chỉ gà trống có cựa mà gà mái cũng có cựa. Điều này không thấy ở các giống gà khác. Cùng với đó, theo ông Đặng Vĩnh Phúc - một người dân bản Cỏi thì: Trong một lứa do cùng một mẹ không phải con nào cũng có nhiều cựa mà vẫn có những con có nhiều cựa và có những con gà không có cựa. Gà nhiều cựa thân mình mảnh dẻ, bình thường. Loài gà này thường đi kiếm ăn từ sáng đến chiều tối về chuồng. Khả năng bay nhảy của gà nhiều cựa rất giỏi nên việc bắt chúng khi đã thả ra khỏi chuồng vào ban ngày hầu như không thể. Gà nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là khi có những con gà lạ đi vào vùng thả của gà nhiều cựa sẽ bị đánh đến rụng lông, rách mào. Giống gà này ít chịu phối giống với các giống gà khác. Đây là giống gà khỏe mạnh, bộ lông rất đẹp, nói chung hình thể hùng dũng. Nó khác với những con gà trống của giống gà khác ở chỗ nó có uy dũng của một bậc “thần” kê với các đặc trưng mào đỏ như máu, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang. Loài này có đôi chân to, chắc và đều 3, 4 cựa mỗi bên, mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm sắc lẹm. Một đặc điểm nữa ở gà nhiều cựa là chúng rất hiếu chiến và hung dữ. Chúng không bao giờ có vẻ sợ hãi khi bị trói hoặc buộc, chúng có khả năng đánh bại những chú gà chọi tưởng chừng bất khả chiến bại. Người dân bản Cỏi luôn coi gà nhiều cựa là một phần trong tâm linh của mình nên họ luôn coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ loài gà này.
Có thể nói, giống gà 9 cựa tồn tại không chỉ khẳng định sự đa dạng sinh học ở nước ta mà còn có những ý nghĩa xã hội khác sâu sắc hơn. Đầu tiên, sự tồn tại của giống gà 9 cựa đã thêm một lần nữa chứng minh được vị thế, sức mạnh của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Tiếp đó, nó cũng đã chứng minh một phần nào đó câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh là có thật. Dưới một góc nhìn văn hóa thì nó đã giúp cho chúng ta thấy được một phần câu truyện thần thoại hiển hiện bằng xương, bằng thịt trong cuộc sống, trước mắt chúng ta. Từ đó, từng thế hệ người Việt khi nghe câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, khi nghe về giống gà 9 cựa trong truyền thuyết sẽ thêm yêu mảnh đất quê hương mình.
Vũ Phong
(HBĐT) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khi cao trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước, ở chiến khu Mường Khói lúc bấy giờ, những người con đất Mường một lòng đi theo cách mạng. Lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” ra đời, đặt tại xóm Lọt, xã Hoài ân (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) là một minh chứng đầy đủ cho một thời đào măng nuôi cách mạng ở nơi núi rừng heo hút này.
(HBĐT) - Đối với thầy mo ở các bản mường, những ngày thường trong năm đã bận rộn, Tết về, họ càng bận rộn hơn. Nếu như Tết của người Kinh không thể thiếu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, thì với người Mường, Tết không thể trọn vẹn nếu không có thầy mo.
(HBĐT) - Chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và đời sống tinh thần của người Mường Hòa Bình. Văn hóa chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của chiêng Mường được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo thống kê, dân tộc Mường có 37 lễ hội lớn thì có tới 26 lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách trong, ngoài nước.
(HBĐT) - Những ngày năm hết Tết đến hay giỗ chạp, cưới xin, ma chay, người Việt Nam thường hay cúng gà thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên mà điều đặc biệt đó luôn là gà trống. Gà trống từ trước đến nay là biểu tượng của sự cao quý, gà trống gáy sáng gọi mặt trời dậy, vì thế mà trong phong thủy, gà trống đóng một vai trò quan trọng. để biết được cụ thể về ý nghĩa của gà trống trong phong thủy hãy theo dõi bài viết bên dưới đây, bạn sẽ thú vị.
(HBĐT) - Hòa Bình - vùng đất tươi đẹp, thiên nhiên trong lành, từ lâu nổi tiếng sản sinh ra những người con gái đẹp. Những cô gái Hòa Bình với vóc dáng cân đối, làn da trắng hồng đã trở thành nàng thơ, đi vào những bài hát của những nhạc sỹ nổi tiếng. Có lẽ vì thế, các cuộc thi hoa hậu hay người đẹp xứ Mường xưa đã được tổ chức từ thời Pháp thuộc. Vào năm 1932 và năm 1942, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” với những bông hoa đẹp của núi rừng được vinh danh như Quách Thị Tẻo, xứ Mường Vang và Đinh Thị Nụ ở Châu Lương Sơn… Bẵng đi một thời gian khá dài, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức các cuộc thi sắc đẹp - đây là cơ hội cho người đẹp đất Mường đua tài, khoe sắc. Đặc biệt, trong năm 2016, người đẹp Hòa Bình đã có sự tỏa sáng vượt bậc khi ghi danh vào “bản đồ” sắc đẹp Việt Nam.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng con người được tạo ra trong quá trình trị thủy bắt sức nước thành dòng điện tỏa sáng muôn nơi. Du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh núi non, mây nước hữu tình, mộng mơ, cảm nhận nơi đây là một sự kết hợp đến hoàn mỹ của thiên nhiên và con người. Với tiềm năng lớn phát triển các loại hình du lịch, trong tương lai, hồ Hòa Bình được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.