(HBĐT) - Đối với người dân xã Yên Trị (Yên Thủy) và các vùng lân cận, lễ hội hang Chùa – chùa Hang được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất những ngày đầu năm. Ra xuân, cùng với khí thế sản xuất sôi động, người dân Yên Trị náo nức cho lễ hội hang Chùa – chùa Hang, cầu một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

 

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, xã Yên Trị (Yên Thủy) tổ chức đêm giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hang Chùa còn có tên “Văn Quang Động”, có ý nghĩa là “Tự nhiên đã bao dung với văn hóa. Văn hóa nương tựa vào tự nhiên”. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một chiếc chuông cổ. Theo xác định của giới khảo cổ học, chiếc chuông có niên đại từ thời Cảnh Hưng, tức thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786). Từ việc tìm thấy chiếc chuông, các nhà sử học khẳng định đây là bằng chứng cho thấy, vào thế kỷ XVIII, hang Chùa được khai thác. Hang đã trở thành chùa là nơi tu hành của các nhà sư đạo cao, đức trọng. Dân gian gọi là hang Chùa vì tại 4 động ở trong núi thì 2 động có chùa ở trong đó.  

Theo tài liệu khảo cổ học ghi nhận, hang Chùa cũng là nơi phát hiện ra dấu vết khảo cổ học thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”. Trong 2 hang đã tìm thấy trầm tích hóa thạch của vỏ ốc, vỏ sò và các mảnh công cụ. Không chỉ có giá trị về khảo cổ học, hang Chùa – chùa Hang còn có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Núi chùa Hang nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Đồng Mai, núi Đọc và thôn á Đồng. Trên núi có 2 chùa, bên trong có công trình chùa bằng gỗ.  

Chùa Hang 1 nằm trong một ngách của hang 2. Trước cửa chùa là một khoảng sân rộng. ở đây có một bàn cờ được khắc ngay trên đá hình vuông. Hàng năm vào ngày 15 tháng giêng dân làng mở hội, ở đây diễn ra thi đấu cờ. Chùa được xây dựng có kết cấu hình chữ nhất với cấu trúc cột cái, cột quân, cửa bức bàn phía trước, phía sau và ván bưng xung quanh chùa đều bằng gỗ.  

Trong chùa Hang 2 còn có hệ thống tượng Phật được tạc từ thế kỷ XVIII. Đây được xem là một quần thể di tích độc đáo của tỉnh. Nét đẹp của các ngôi chùa trong hang còn được thể hiện trên những đường nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, trong chùa còn có 2 dòng chữ đại tự, 1 bài thơ, 2 bài ký, 1 bia đá do người xưa để lại. Đó là những văn tự thành văn hiếm hoi ở các di tích hang động còn giữ lại được cho đến ngày nay. Ngoài những giá trị lịch sử, hiện nay, tại chùa Hang, người dân Yên Trị còn khám phá thêm nhiều điều thú vị từ khu di tích này. Đó là mạch nước ngầm trong xanh đã tồn tại nhiều năm nhưng lúc nào cũng đầy nước.  

Đồng chí Nguyễn Phi Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Với những giá trị đó, năm 2004, Bộ VH - TT & DL đã công nhận hang Chùa  và chùa Hang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ đó đến nay, từ ngày 13 – 15 tháng giêng âm lịch, người dân nô nức tổ chức lễ hội chùa Hang. Với những giá trị lịch sử lâu đời, lễ hội hang Chùa – chùa Hang không chỉ thu hút đông đảo người dân địa phương mà còn thu hút rất nhiều du khách thập phương về đây vui hội vừa để chiêm bái cảnh chùa đặc sắc do thiên nhiên ban tặng và thắp nén hương lên đức Phật cầu tài, cầu lộc và một năm may mắn, bình an. Ngoài ra, du khách đến đây còn được tham gia các hoạt động vui xuân sôi động như thi bóng chuyền, bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy … và hòa mình vào những tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc cho chính người dân thể hiện.  

Lễ hội hang Chùa – chùa Hang năm nay được chính thức diễn ra từ ngày 13 đến hết rằm tháng giêng âm lịch. Mặc dù lễ hội không được tổ chức quy mô cấp huyện nhưng đã thu hút  hàng nghìn du khách thập phương. Tại xã Yên Trị, ngay từ ngày 12, người dân đã làm lễ  đình Thượng, đình Trung và đến ngày 15 là chính lễ. Đông đảo người dân tập trung tại chùa Hang để dâng hương, dâng hoa làm lễ cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân khỏe mạnh. Để tạo cảnh quan cho khu di tích, xóm Tân Thành đã phát động phong trào đường hoa từ năm 2015. Trong đó, chi hội phụ nữ xóm và chi đoàn thanh niên trồng hoa dọc các tuyến đường trong xóm. Năm nay, ngày 6 âm lịch, hướng ứng Tết trồng cây, xóm   đã trồng hàng cây tùng dọc đường lên đình Thượng.  Những hoạt động này góp phần bảo tồn và nhân lên những ý nghĩa giá trị của di tích lịch sử hang Chùa - chùa Hang.

                                                                        PL

 

Các tin khác


Một ngày ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường

(HBĐT) - Cách Hà Nội khoảng 70 km, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trong một thung lũng đá vôi nhỏ ở thành phố Hòa Bình. Tạm khép lại bận rộn, chúng tôi tìm về nơi này để hiểu thêm vì sao nhiều người lựa chọn từ bỏ chốn ồn ào đô thị về đây vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần để sống trong không gian tĩnh lặng, gần gũi của người Mường xưa. Không khô khan như cái tên “bảo tàng” thường thấy, du khách đến với nơi đây sẽ có dịp được tìm hiểu về văn hóa Mường trong một không gian gần gũi với thiên nhiên và tràn đầy sức sống.

Lễ hội đình Mường Trại - nét đẹp văn hóa tâm linh

(HBĐT) - Đã thành thông lệ, cứ đến mùng 8 tháng giêng hàng năm, nhân dân xóm Trại, tổ 16, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cùng bạn bè, những người con từ khắp miền quê trở về với lễ hội đình Mường Trại. Tạm gác mọi bộn bề, lo toan của năm cũ để cùng thắp nén hương thơm, hướng sự thành kính và lòng biết ơn về chốn tâm linh nơi các vị tiền nhân tiên tổ.

Hội xuân văn hóa – thể thao huyện Kỳ Sơn

(HBĐT) - Vừa qua, huyện Kỳ Sơn đã tưng bừng tổ chức Khai mạc Hội xuân Văn hoá - Thể thao, xuân Đinh Dậu 2017. Tham dự Hội xuân có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể và trên 300 diễn viên, vận động viên của 10 xã, thị trấn, cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Đặc sắc Lễ hội đình Cổi

(HBĐT) - Từ năm 2012, lễ hội đình Cổi, xã Bình Chân (Lạc Sơn) được phục dựng. Phần lễ tổ chức theo nghi thức truyền thống của người Mường cổ là rước kiệu và sắc phong. Phần hội tổ chức múa chèo đình truyền thống kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD-TT, các trò chơi dân gian dân tộc Mường vùng Lạc Sơn. Từ đó đến nay, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của bà con trong vùng.

Đêm nhạc giao hưởng “Xuân quê hương 2017”

(HBĐT) - Tối 14/2, tại hội trường trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc, Sở VH-TT&DL tỉnh tổ chức chương trình hòa nhạc với chủ đề “Xuân quê hương 2017”. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo thính giả yêu nhạc trên địa bàn tỉnh.

246 khu dân cư có nhà văn hóa

(HBĐT) - Năm 2016, huyện Lạc Sơn tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa dựa trên cơ sở xây dựng gia đình văn hóa. Trong năm, huyện chú trọng xây dựng những tiêu chuẩn và chuẩn mực về văn hóa. 100% xã, thị trấn có công trình văn hóa, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn huyện có 246/376 khu dân cư có nhà văn hóa, đạt 66,4 %.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục