(HBĐT) - Nếu vào dịp Tết, những đứa trẻ háo hức, mong chờ tấm áo mới bố mẹ mua cho thì với người Mường Bi, không kể giới tính, tuổi tác, tất cả đều có chung niềm mong ước, đó là được đi du xuân ở lễ hội Khai hạ Mường Bi tổ chức vào ngày mùng 7 Tết hàng năm. Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội thực sự tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách với những môn thể thao dân tộc, ẩm thực truyền thống, đặc biệt là phần thi hát đúm.

Sau thời gian hát đối đáp, 2 đội hát chào tạm biệt nhau. (Trong ảnh: Đội nam xã Bắc Sơn hát đối với đội nữ xã Mỹ Hòa, Tân Lạc).

 

Hát đúm hay còn gọi là hát đối đáp, hát ví, là hình thức hát giao duyên giữa nam và nữ, thường tổ chức vào các dịp hội, hè. Hát đúm từ lâu đã trở thành sinh hoạt văn hóa đặc sắc ở đất cổ Mường Bi. Năm nay, lễ hội Khai hạ Mường Bi diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 6 đến mùng 8 Tết). Trong ngày khai hội, khắp các nẻo đường của vùng Mường Bi rộng lớn, dòng người đã tấp nập kéo về. Mùng 8, tiết trời tạnh ráo, là ngày chính hội nên lượng du khách đổ về đông hơn cả. Đứng từ xa, có thể thấy rõ biển người đang vây kín sân khấu của lễ hội, nơi đang diễn ra phần thi hát đúm, mặc cho cái nắng đầu giờ chiều gắt gao.

 

5 mùa lễ hội gần đây, bà Hà Thị Thức, xóm Dồ, xã Nam Sơn đều không bỏ lỡ. Năm nay, các thành viên trong gia đình bà Thức đi xuống hội từ sáng sớm: “Háo hức lắm, phải đi khai hạ xong mới về làm mùa. Thích nhất là nghe hát đấy. ở Khai hạ toàn người hát giỏi nhất của các xã thi với nhau, càng nghe, càng say mê. Ví như đội thi của xã Bắc Sơn, năm nào cũng là đối thủ nặng ký đối với các đội khác. So với những năm trước, năm nay sân khấu lễ hội được thiết kế đẹp hơn, có thêm những trò chơi mới nên cả người già, người trẻ đều có chuyến du xuân vui vẻ - bà Thức chia sẻ.

 

Cũng say mê tiếng hát, dù đã bước sang tuổi 71 nhưng bà Bùi Thị Xịnh, xóm Luông Dưới, xã Ngổ Luông vẫn theo con cháu xuống hội từ rất sớm. Chen chúc trong biển người, mồ hôi nhễ nhại nhưng cụ Xịnh vẫn chăm chú nghe từng câu hát. Cụ chia sẻ: “Xuống hội thật vui, được gặp gỡ người quen, họ hàng ở xa và nghe hát đúm. Nghe các anh, chị ấy hát làm tôi nhớ lại thời tuổi trẻ. Khi đó, chúng tôi hát thâu đêm, hát nhiều ngày mà vẫn chưa đuối lý, người nghe cũng không chán”. Theo cụ Xịnh, hiện nay, ở xã Ngổ Luông, trong những ngày lễ, tết, bà con vẫn duy trì hát đúm với nhau. Còn với lễ hội này, điều mà cụ ấn tượng hơn cả là chủ đề hát đa dạng, từ tình yêu đôi lứa, chúc tụng nhau dịp Tết đến ca ngợi quê hương, đất nước.

 

Thuộc thế hệ hậu bối, chị Bùi Thị Duyên (22 tuổi), xóm Đồi Bưng, xã Đông Lai (Tân Lạc) vừa chăm chú lắng nghe, vừa dùng điện thoại di động ghi âm lại những câu hát trên sân khấu. Theo chị Duyên chia sẻ, lễ hội là dịp để đi chơi và gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng, trong những lần về trẩy hội, nhờ được nghe những màn hát đối đáp mà tình yêu của chị với câu hát dân tộc Mường ngày càng lớn hơn. “Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà thế hệ trẻ như chúng tôi ít người biết hát những làn điệu của dân tộc mình. Do đó, việc duy trì hát đối trong lễ hội Khai hạ Mường Bi có ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như giáo dục thế hệ trẻ về ý thức gìn giữ những câu hát đó”.

 

Không ít lần về nghe hát ở lễ hội của Mường Bi nên chúng tôi không khó để nhận ra những gương mặt thân quen đang say sưa với màn đối đáp trên sân khấu. 2 năm trước, chị Đinh Thị Diêu, một trong những cây hát có tuổi đời trẻ nhất (khi đó chị Diêu 39 tuổi), đến từ đội thi xã Phú Vinh vẫn còn khá run và lo lắng không cất lên được tiếng hát trước hàng vạn khán giả. Nhưng đến mùa này, với kinh nghiệm tích lũy, sự dạn dĩ đã thể hiện rõ trong câu hát và phong thái của chị. Còn theo bà Hà Thị Thức, xóm Dồ, xã Nam Sơn cho biết: “Ngoài có giọng hát hay, đối đáp linh hoạt, người hát phải luôn nở nụ cười, như thế mới ghi được điểm và nhận được những tràng pháo tay của khán giả”.

 

Những tia nắng buổi chiều nhạt dần sau lũy tre, tiếng hát của các nghệ nhân vẫn vang lên trầm bổng. Sân hội chật kín người, những tràng pháo tay, cổ vũ không ngớt. Có ngồi lắng nghe mới lý giải được sự cuốn hút kỳ lạ của lối hát này. Ngoài những cửa vóong (cửa sổ nhà sàn), khoang trong (buồng ngủ của các cặp vợ chồng mới cưới), cái nương, rẫy quá đỗi quen thuộc, những cây hát xứ Mường Bi còn khéo léo đưa vào nhiều thứ mới mẻ, văn minh. Cách sắp xếp câu chữ, gieo vần tinh tế, dùng các hình ảnh ẩn dụ, lối nói giảm, nói tránh khiến người nghe không khỏi trầm trồ, thán phục.

 

                                                                         Viết Đào

 

Các tin khác


Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 10 tác giả và cụm tác giả

Chủ tịch nước vừa có quyết định trao 10 giải thưởng Hồ Chí Minh và 56 giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác giả, cụm tác giả có tác phẩm, công trình nghiên cứu xuất sắc, có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Công bố và triển khai Kế hoạch ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường

(HBĐT) - Sáng 21/2, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị công bố Bộ chữ dân tộc Mường và triển khai Kế hoạch ứng dụng Bộ chức dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Dự hội nghị, về phía Trung ương có GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; GS.TS Nguyễn Văn Khang, Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống. Về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự và chỉ đạo hội nghị; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Một ngày ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường

(HBĐT) - Cách Hà Nội khoảng 70 km, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trong một thung lũng đá vôi nhỏ ở thành phố Hòa Bình. Tạm khép lại bận rộn, chúng tôi tìm về nơi này để hiểu thêm vì sao nhiều người lựa chọn từ bỏ chốn ồn ào đô thị về đây vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần để sống trong không gian tĩnh lặng, gần gũi của người Mường xưa. Không khô khan như cái tên “bảo tàng” thường thấy, du khách đến với nơi đây sẽ có dịp được tìm hiểu về văn hóa Mường trong một không gian gần gũi với thiên nhiên và tràn đầy sức sống.

Lễ hội đình Mường Trại - nét đẹp văn hóa tâm linh

(HBĐT) - Đã thành thông lệ, cứ đến mùng 8 tháng giêng hàng năm, nhân dân xóm Trại, tổ 16, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cùng bạn bè, những người con từ khắp miền quê trở về với lễ hội đình Mường Trại. Tạm gác mọi bộn bề, lo toan của năm cũ để cùng thắp nén hương thơm, hướng sự thành kính và lòng biết ơn về chốn tâm linh nơi các vị tiền nhân tiên tổ.

Hội xuân văn hóa – thể thao huyện Kỳ Sơn

(HBĐT) - Vừa qua, huyện Kỳ Sơn đã tưng bừng tổ chức Khai mạc Hội xuân Văn hoá - Thể thao, xuân Đinh Dậu 2017. Tham dự Hội xuân có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể và trên 300 diễn viên, vận động viên của 10 xã, thị trấn, cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục