Giải báo chí hàng năm thực sự là "sân chơi” bổ ích, cổ vũ to lớn đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người đoạt giải nói riêng. Đồng thời động viên, khích lệ những người làm báo tiếp tục hăng hái thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, số lượng tác phẩm gửi dự thi Giải báo chí tỉnh tăng dần theo các năm. Năm 2014 có 27 tác phẩm dự thi, năm 2015 có 38 tác phẩm, đến năm 2016 tăng lên 54 tác phẩm. Các tác phẩm tham gia Giải báo chí hàng năm đã đề cập các mặt nổi bật về kinh tế, văn hoá- xã hội, AN-QP trong tỉnh. Điều này biểu hiện rõ nét những người làm báo của tỉnh, kể cả báo in và báo hình không quản ngại khó khăn, vất vả, hoạt động báo chí ở một tỉnh miền núi, đi sâu vào thực tế cuộc sống, tới các huyện, xã, thôn, xóm xa xôi của tỉnh viết được nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, đóng góp công sức vào sự phát triển của tỉnh cũng như sự nghiệp đổi mới của đất nước. Riêng các tác phẩm báo chí được đánh giá cao của Giải báo chí năm 2016 đã đi vào những vấn đề "nóng” được bạn đọc quan tâm như: ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tiêu biểu có các tác phẩm "Tiếng kêu cứu từ làng ung thư Mỵ Thanh” của tác giả Đinh Thắng (Báo Hòa Bình); "ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất đũa” của tác giả Thanh Phúc, ánh Ngọc (Đài PT – TH tỉnh); "Kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc: Hướng mới cho phát triển nông nghiệp” của tác giả Việt Lâm (Báo Hòa Bình)...
Điều đáng trân trọng là vẫn có tác phẩm viết về bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tác phẩm "Đừng đi quá giới hạn của một phong tục đẹp” của tác giả Lê Va (Báo Văn Nghệ) hay những phát hiện, tìm tòi của các tác giả để có tác phẩm báo chí chất lượng như: "Bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới” của tác giả Thu Hường, Ngọc Nguyên (Đài PT-TH tỉnh); "Khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM ở Lạc Sơn” tác giả Đỗ Huyền, Đức Long (Đài PT- TH tỉnh); "Khai thác cát trái phép – trách nhiệm thuộc về ai” của tác giả Thanh Hoa (Đài PT- TH tỉnh); "Sức trẻ trên cánh đồng "vàng”” của tác giả Mạnh Hùng (Báo Hoà Bình); "Để du lịch phát triển bền vững” của tác giả Thúy Hằng (Báo Hoà Bình)…
Tuy nhiên, theo đồng chí Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giải báo chí hàng năm cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều tác giả vẫn chạy theo số lượng, chưa đầu tư nhiều vào chất lượng. Phóng viên đi cơ sở theo kiểu "chuồn chuồn đạp nước” nên một số tác phẩm vẫn viết theo ngôn ngữ nói, số liệu đơn thuần của báo cáo, ít thấy sự đầu tư suy nghĩ, trăn trở, sáng tạo của người viết nên chất lượng tác phẩm chưa cao. Có bài viết không có sự kiện, chi tiết nên bài viết trở nên khô khan, chất lượng thấp… Đánh giá một cách khách quan thì chất lượng thông tin các tác phẩm báo chí tham gia giải chưa thực sự phong phú, chưa giải đáp kịp thời những vấn đề thiết thực đặt ra trong đời sống xã hội nên các tác phẩm khó có thể đoạt giải báo chí quốc gia.
Theo lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, để tiếp tục nâng cao chất các tác phẩm tham gia Giải báo chí, trong thời gian tới, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ những người làm báo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm báo. Đặc biệt, bản thân những người làm báo cần chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, sâu sát cơ sở, phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống, phát hiện những nhân tố mới, vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc để từ đó nhiều bài viết, phóng sự hay với hàm lượng thông tin cao, phong phú và hấp dẫn, đi sâu vào thực tế, quần chúng lao động để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham gia và đoạt giải trong các giải báo chí của tỉnh và toàn quốc.
H.L