Cuối năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đồng chí Vũ Thơ đến tuyên truyền giác ngộ cách mạng đồng bào các dân tộc ở các xã trong vùng, mở đầu cho việc thành lập khu căn cứ địa Cao Phong- Thạch Yên. Đến tháng 7/1945, đồng chí Vũ Thơ- nguyên Bí thư ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình tuyển chọn 30 tự vệ trẻ, khỏe, hăng hái ở Thị xã vào vùng Cao phong- Thạch Yên để mở lớp huấn luyện quân sự. Lúc đầu, lớp học được đặt tại Xóm Ngái, xã Thạch Yên cũ (bây giờ thuộc xã Yên Lập), do điều kiện địa hình nên sau đó chuyển về đồi Chùa Khánh, xã Thạch Yên cũ (nay là xã Yên Thượng).
Di tích chùa Quoèn Ang, xã Tân Phong được đầu tư tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Chiến khu còn được ghi dấu ở điểm chùa Quoèn, xóm Trang, xã Tân Phong là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình đã họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập các khu căn cứ. Nhiều người dân trên địa bàn Chiến khu đã góp công sức ủng hộ cách mạng. Trong đó phải kể đếnGia đình ông Bùi Văn Y, xóm Đai, xã Yên Thượng; ông Bùi Văn Hoảnh ở xóm Trang, xã Tân Phong, ông Đặng Chí Viễn ở phố Cun là cơ sở tin cậy của đồng chí Vũ Thơ, Trương Đình Dần…trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ Cao Phong- Thạch Yên. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng cách mạng tại chiến khu đã phát triển mạnh mẽ, làm chủ hoàn toàn khu căn cứ, chờ đợi thời cơ khởi nghĩa. Sáng ngày 23/8/1945, đoàn khởi nghĩa của căn cứ địa Cao Phong - Thạch Yên phối hợp cùng cánh quân ở Lạc Sơn xuôi dốc Cun tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà sang phố Đúng cùng các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần to lớn vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước.
Được lãnh đạo UBND huyện Cao Phong giới thiệu, chúng tôi về thăm xã Tân Phong để thăm vùng đất chiến khu năm xưa. Từ trung tâm huyện, con đường nhựa trải dài đến tận xã. Hai bên đường ngút ngàn màu xanh của cam, mía. Cuộc sống no ấm đang hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Đưa chúng tôi đến thăm di tích chùa Quoèn Ang, đồng chí Bùi Văn Yển, Chủ tịch UBND xã Tân Phong chia sẻ: Sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, do nhiều nguyên nhân nên ngôi chùa đã bị hư hỏng mất. Trên khoảng đất của ngôi chùa cũ chỉ còn lại một ít ngói vỡ và hai cây hoa đại. Hiện vật còn lại duy nhất là một chiếc chuông đồng nặng trên 100kg, niên đại cuối thế kỷ XVIII. Đến năm 2012, di tích chùa Quoèn Ang được đầu tư 1 tỷ đồng để đầu tư tôn tạo khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Hiện nay, cùng với chùa Khánh, chùa Quoèn Ang tạo thành chuỗi du lịch tâm linh thu hút du khách mỗi dịp tết đến xuân về. Phát huy truyền thống của mảnh đất anh hùng chiến khu cách mạng, cán bộ và nhân dânxã Tân Phong không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Năm 2017, xã phấn đấu tăng thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17,2% . Hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Khu căn cứ địa Thạch Yên- Cao Phong đã trở thành Khu di tích cách mạng cấp Quốc gia, được Bộ VH-TT công nhận từ năm 1996. Ngày nay, không chỉ xã Tân Phong, các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng cũng đang từng ngày thay da đổi thịt từng ngày. Từ các xã nghèo, kinh tế tự cấp, tự túc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm các xã vùng cao được đầu tư tạo nên diện mạo mới cho vùng đất này. Người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no.
H.L