(HBĐT) - Là người đi du lịch nhiều nơi, đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trải nghiệm loại hình du lịch homestay ở các vùng, miền, với du lịch homestay ở Hòa Bình, anh Vũ Hồng Quân (thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều cảm nhận. Anh Quân cho biết: Tôi được nghe giới thiệu về du lịch cộng đồng ở Hòa Bình từ lâu với điểm du lịch ở bản Lác (Mai Châu) khá nổi tiếng. Vừa rồi, tôi có dịp đi một vài điểm nhận thấy có nhiều điều khá thú vị. ở bản Lác có thể do đã làm du lịch lâu năm nên cách thức khá chuyên nghiệp, bài bản, đây cũng là bản có nhiều homestay tập trung nhất. Các nhà sàn giữ được kiến trúc cổ, rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ. Bản có thể đón cùng một lúc nhiều đoàn khách đông người tạo nên khung cảnh sôi động, nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối tuần. Đối với một số điểm du lịch cộng đồng khác như ở Đà Bắc, Kỳ Sơn, các homestay không tập trung và cũng chưa nhiều nhưng lại có điểm riêng biệt. Cùng với việc được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như đạp xe, bơi lội, chèo bè, bắt cá…
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết:
Đặc trưng của du lịch homestay là khi đi du lịch thay vì ở khách sạn hoặc nhà
nghỉ, du khách sẽ ở ngay tại nhà của người dân. Đây là loại hình du lịch phù
hợp với những du khách yêu thích tìm hiểu, khám phá văn hóa của các địa phương,
dân tộc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó, riêng huyện Mai Châu có 117 hộ ở 8
xã, thị trấn. Ngoài ra, ở các huyện, 4 vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động đều có
hộ làm du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đến phát triển du
lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng như từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng,
tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ
làm homestay… Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan tự nhiên đẹp, trên
địa bàn tỉnh có 6 dân tộc cùng chung sống còn lưu giữ những giá trị, bản sắc
văn hóa của người Mường, Thái, Mông, Dao là những yếu tố tạo sự hấp dẫn, thu
hút để phát triển du lịch cộng đồng.
Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt như thành viên của gia đình,
du lịch homestay mang đến cho du khách một góc nhìn gần gũi, thực tế hơn về
cách sống, nền văn hóa của người dân địa phương. Hòa mình trong không gian và
cuộc sống thường nhật, du khách có dịp khám phá, tìm hiểu những nét khác biệt
trong văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của cộng đồng cư dân bản địa.
Du
khách chèo thuyền kayak, chèo bè trên lòng hồ sông Đà tại điểm du lịch cộng
đồng xóm Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc).
Thung lũng Mai Châu là nơi sinh sống của đồng
bào Thái với những nếp nhà sàn xinh xắn, cánh đồng lúa trải dài tạo nên khung
cảnh yên bình, thư thái. Đến Mai Châu du lịch cộng đồng, du khách có thể đạp xe
qua các bản, làng, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của người Thái, thưởng thức những
món ăn dân tộc như cơm lam, thịt nướng. Buổi tối trên nhà sàn, du khách tham
gia giao lưu văn nghệ với những tiết mục ca múa dân tộc do các thiếu nữ Thái
của bản trình diễn, hòa cùng điệu múa sạp truyền thống…
Ngược lên vùng cao Đà Bắc, nghỉ tại các homestay
ở xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Đá Bia - xã Tiền Phong, du khách được trải nghiệm
cuộc sống của đồng bào Mường bên dòng sông Đà. Bên cạnh đó có nhiều hoạt động
thú vị để du khách lựa chọn như đạp xe, đi bộ khám phá xung quanh bản, làng,
câu cá, chèo thuyền kayak trên lòng hồ sông Đà. Nếp sống bình dị, mộc mạc, được
hòa mình vào thiên nhiên, vào cuộc sống cùng bà con dân bản một cách trọn vẹn,
được gặp gỡ, tiếp xúc với những người dân thân thiện, hiếu khách đã để lại
nhiều cảm nhận tốt đẹp trong du khách khi đến với du lịch cộng đồng Đà Bắc.
Anh Võ Việt Hùng, Công ty Bestway (Hà Nội) chia
sẻ: Rời Thủ đô tấp nập, chúng tôi đến với xóm Đá Bia - xã Tiền Phong. ở đây mọi
thứ thật lạ và tuyệt vời. Tuy không có những công nghệ hiện đại nhưng được trải
nghiệm cuộc sống cùng với người dân thực sự rất thú vị và vui vẻ. Homestay có
vị trí đẹp, mọi người trong gia đình thân thiện, món ăn ngon, chúng tôi đã đi
câu cá, chèo bè, thuyền kayak, múa sạp cùng bà con rất vui… Hy vọng sẽ có dịp trở lại vào một
ngày gần nhất.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, chủ hộ homestay ở xã Phú Minh
(Kỳ Sơn) cho biết: Gia đình làm homestay được nhiều năm, đã đón nhiều lượt
khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Du lịch đến đây, họ không cầu kỳ, không yêu
cầu này nọ mà muốn giữ nguyên mọi sinh hoạt thường ngày. Họ nghỉ ngơi, tận
hưởng không khí trong lành của làng quê, ăn những món ăn dân tộc, dạo bộ quanh
làng, tham gia các hoạt động lao động sản xuất cùng người dân… Chính vì vậy,
khi đầu tư làm du lịch, gia đình hướng đến tạo không gian của miền quê nông
thôn, sử dụng các chất liệu gần gũi trong đời sống như gỗ, tranh, tre, nứa lá,
tránh tối đa hiện tượng bê tông hóa ở điểm du lịch.
Với vẻ đẹp hoang sơ, những nét văn hóa độc đáo
đậm bản sắc dân tộc về ẩm thực, trang phục, nghệ thuật… có thể nói du lịch cộng
đồng đã, đang tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Thời gian qua,
ngành chức năng, các địa phương đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
nâng cao nhận thức của người dân, hộ làm homestay trong việc gìn giữ, bảo tồn,
phát huy các giá trị truyền thống, tránh sự pha tạp, lai căng để phát triển du
lịch cộng đồng bền vững, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống,
thu nhập.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
cho rằng, đối với du lịch cộng đồng, yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống có ý
nghĩa quan trọng. Nếu tại điểm du lịch cộng đồng lại có sự pha tạp như xây dựng
các công trình bê tông, nhà nghỉ, quán karaoke… khi du khách đến họ không tìm
thấy những bản sắc, không đáp ứng như mong đợi, họ sẽ không quay trở lại. Vì
vậy, người dân cần có ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền
thống để tạo sức hút, hấp dẫn du khách.
Hà Thu