Buổi giao lưu nghệ
thuật có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu;
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thượng tướng Nguyễn Trọng
Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư
Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói
Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ.
Về phía khách mời quốc tế có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt
Nam Konstantin Vasilievich Vnukov; Đại sứ Cộng hòa Belarus tại Việt Nam
Vladimir Goshin cùng đại diện Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội; đại
biểu quan khách, cựu chiến binh đến từ Liên bang Nga.
Với thời lượng gần 3 giờ đồng hồ, chương trình giao lưu nghệ thuật "Vang mãi
bài ca Tháng Mười” gồm 2 phần: Phần I (Từ cách mạng Tháng Mười Nga đến con
đường Cách mạng Việt Nam) và Phần II (Giai điệu Việt - Nga). Xen giữa các tiết
mục văn nghệ do các nghệ sĩ Nga và Việt Nam biểu diễn là những phóng sự, những
thước phim tư liệu, những cuộc phỏng vấn ý nghĩa, đầy bất ngờ, gây xúc
động, nêu bật ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười - sự kiện mang
tầm vóc nhân loại đối với cách mạng Việt Nam...
Ở phần đầu, chương trình làm nổi bật những thành tựu của Cách mạng Tháng Mười
Nga giống như mặt trời chói lọi, chiếu sáng khắp năm châu, có ý nghĩa to lớn và
sâu xa, làm rung chuyển cả thế giới. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong
"Đường Kách mệnh": "Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng
Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập,
tự do thực sự”.
Phần hai là tiếng nói nghĩa tình, là tình cảm của Việt Nam, của nhân dân Việt
Nam đối với cuộc cách mạng đã lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế
giới, đối với nước Nga thân yêu. Trong lòng người Việt Nam, nước Nga luôn gắn
liền với những tình cảm thân thiết, thủy chung. Đất nước, con người, thi ca, âm
nhạc Nga… đã lắng sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là những
người đã từng học tập và làm việc ở nước Nga.
Khách mời của chương trình là các nhân chứng lịch sử của tình hữu nghị Việt -
Nga, biểu trưng cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt, sự giúp đỡ quý báu về quân
sự, kinh tế, giao lưu văn hóa và tình cảm chân thành, tha thiết giữa những tâm
hồn, tính cách Nga và Việt Nam. Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là cái
nôi đào tạo ra rất nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản
lý, các tướng lĩnh quân sự, trí thức, nghệ sỹ…
Trên tất cả các lĩnh vực cần thiết cho công cuộc chiến đấu, bảo vệ và xây dựng
đất nước Việt Nam, hàng ngàn, hàng vạn sinh viên đã được đào tạo tại quê hương
Cách mạng Tháng Mười, sau đó về nước và trở thành nhân tố quan trọng, là nguồn
sinh lực vô giá cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trong suốt chương trình, những hàng ghế ở Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt
Xô luôn kín khán thính giả. Các đại biểu cùng hòa mình vào những ca khúc quen
thuộc, gắn bó với biết bao thế hệ. Đó là "Nước Nga tổ quốc tôi”, "Thời thanh
niên sôi nổi”, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, "Kachiusa",
"Giã biệt em gái Slavơ", "Từ Razlip đến Pắc Bó", "Tình
ca thảo nguyên", "Đôi bờ", "Chiều Matxcơva",
"Bước ra cánh đồng ban đêm cùng chiến mã", "Nụ cười"... Các
tiết mục do các nghệ sĩ Nga thuộc Dàn đồng ca Cô-dắc Matxcơva cùng các nghệ sĩ
nổi tiếng của Việt Nam như NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT
Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, các ca sĩ Hoàng Tùng, Đăng Thuật, Thu Lan, Hiền
Anh, Bùi Thu Huyền, CLB thiếu nhi Linh An... biểu diễn đã thật sự mang đến
những xúc cảm sâu lắng, không thể nào quên với khán thính giả.