(HBĐT) - Tuyến sông Đà kết nối các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, là dòng sông tuyệt đẹp, uốn lượn quanh những dãy núi kỳ vĩ cánh rừng nguyên sinh đan xen, tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ được xem là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, bản sắc, du lịch sinh thái, tâm linh, mở ra những cơ hội thu hút du khách, cải thiện đời sống người dân. Xây dựng các điểm du lịch trên tuyến sông Đà được các tỉnh xác định là trọng tâm phát triển du lịch. Thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh đã phối hợp tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng, xây dựng các giải pháp kết nối tuyến du lịch đường thủy nhằm khai thác tiềm năng phát triển các loại hình du lịch của các địa phương.


Sông Đà không chỉ đi vào trong thơ ca, ngày nay có đã có ba nhà máy thủy điện lớn nhất nước được xây dựng trên dòng sông này với tổng điện năng cung cấp khoảng 25 tỷ KWh điện/năm. Sông Đà hôm nay đã là mặt hồ rộng mênh mông, gần 600 km2, không chỉ là nguồn lợi phát triển thủy sản mà còn chống lũ và điều tiết nước cho đồng bằng sông Hồng và là tiềm năng du lịch của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Dọc tuyến sông Đà trên địa bàn các tỉnh có nhiều điểm tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch. Vùng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Lai Châu trải dài qua các vùng dân cư của các dân tộc Mông, Thái, Lự…có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, dễ gần, đã hình thành một số điểm du lịch khá hấp dẫn như bản Sìn Hồ, huyện Phong Thổ là bản người Mông còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống; đền thờ vua Lê Thái Tổ, thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn được Bộ VH-TT&DL công nhận là bảo vật quốc gia. Từ đây có thể đến xã Pú Đao, bản người Mông ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển, có phong cảnh núi non hùng vĩ, giữa rừng đại ngàn nguyên sinh… Từ Nậm Nhùn (Lai Châu) đi khoảng 20 km có thể đến thị xã Mường Lay (Điện Biên) - thủ phủ người Thái, địa điểm giao nhau giữa sông Đà, sông Nậm Na, suối Nậm Lay, quần tụ nhiều bản làng dân tộc Thái, hàng năm có lễ hội đua thuyền đuôi én của đồng bào Thái Trắng, có những nét văn hóa độc đáo, điệu xòe nổi tiếng…


Khu vực hồ Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điểm du lịch mang lại sự hấp dẫn cho du khách xa gần. Ảnh: Điểm du lịch đền Bờ, thuộc địa phận xã Thung Nai (Cao Phong), xã Vầy Nưa (Đà Bắc).

Cùng nằm trên tuyến sông còn có bản Huổi Lóng, xã Huổi Só có 90 hộ dân tộc Dao với nét sinh hoạt truyền thống còn nguyên bản, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách dọc tuyến sông của Điện Biên.

Dọc tuyến sông Đà địa phận tỉnh Sơn La cũng có nhiều bản làng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Bản Bon, xã Mường Chiên có trên 100 hộ dân tộc Thái trắng nằm trên quần thể được bao bọc bởi các dãy núi, đồi, ruộng bậc thang và vùng hồ sông Đà rộng lớn. Bản tổ chức các đội văn nghệ, lưu giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc; các trò chơi dân gian, duy trì các hoạt động sản xuất, sinh hoạt rất hấp dẫn. Cầu Bá Uôn, thuộc bản Bá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai dài 938 m, cao 105 m được xác lập kỷ lục Việt Nam, có trụ cầu cao nhất Đông Nam á, hàng năm duy trì lễ hộ đua thuyền, lễ hội gội đầu của các cô gái Thái.

Ngoài ra còn có Đền Han, bản Bó Sinh - bán đảo nửa nổi, nửa chìm trên lòng hồ non nước hữu tình là điểm du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh nổi tiếng hấp dẫn du khách…

Đối với tỉnh ta, hồ Hòa Bình kề cận với Thủ đô Hà Nội, có vị trí quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia. Hồ Hòa Bình được xác đinh là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh và khu vực. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Khu du lịch trở thành 1/12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ. Trên khu vực hồ đã hình thành các điểm, khu du lịch ngày càng tạo được sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước như các xóm, bản du lịch cộng đồng tại: bản Ngòi, xã Ngòi Hoa; xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc), xóm Ké, xóm Sưng (Đà Bắc), đảo Dừa, Thung Nai; Cao Phong; đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc)… Hầu hết các bản, làng, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình khá thuận lợi khi đã và đang được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cùng với các nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ sẽ mang lại những sắc thái mới cho du lịch trên tuyến sông Đà của tỉnh ta.


Khách du lịch quốc tế khám phá cung đường du lịch từ xóm Ké, xã Hiền Lương đi xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Tiềm năng là vậy, nhưng để kết nối xây dựng các điểm du lịch dọc tuyến sông cũng còn nhiều khó khăn đặt ra. Cụ thể là: Hầu hết các điểm du lịch nằm xa trung tâm. Loại hình du lịch đường thủy ở vùng Tây Bắc chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hoạt động vận tải đường thủy chưa đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ cũng như bảo đảm an toàn phục vụ vận chuyển du khách. Hạ tầng du lịch còn ít và nghèo nàn. Nhiều xóm, bản du lịch ven hồ chưa có điều kiện tiếp cận kiến thức, kỹ năng, cách làm du lịch cộng đồng, chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế...

Cơ quan quản lý, nhà chuyên môn, các công ty du lịch thống nhất: Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trên tuyến sông Đà cần có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các điểm trên khu vực dọc tuyến sông Đà trên địa bàn từng tỉnh để xây dựng chương trình liên kết hợp lý, tạo ra những nét sắc thái riêng độc đáo để thu hút du khách; ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn, kiến thức nghề du lịch cho các hộ dân có điều kiện tham gia làm du lịch cộng đồng; chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tài nguyên và tiềm năng du lịch của tuyến đường thủy; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên hồ sông Đà…

UBND các tỉnh dọc tuyến sông Đà có cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động du lịch. Rà soát quy hoạch, tổ chức đánh giá toàn diện tiềm năng, phát triển du lịch, xây dựng các giải pháp, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hạ tầng du lịch gắn với tuyến đường thủy liên hồ như: bản Ngậm, xã Song Be, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; bản Bon (với dịch vụ tắm khoáng nóng); bản Hồi Lóng, xã Huổi Xó, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên (điểm dừng chân nghỉ ăn trưa, thăm nhà dân, bảo tồn văn hóa dân tộc Dao); phối hợp xây dựng chương trình du lịch đường thủy qua các tỉnh Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu; Chương trình tuyến Hòa Bình - Sơn La: chương trình tuyến Lai Châu - Điện Biên - Sơn La…


Lê Chung

Các tin khác


4 tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội

Hội Nhà văn Hà Nội đã tổng kết trao giải thưởng năm 2017 đồng thời kết nạp 33 hội viên mới thuộc 4 chuyên ngành thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật.

Triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

(HBĐT) - Nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong nhân dân, nhất là trong thanh - thiếu niên và đồng bào ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư - nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm

(HBĐT) - Sôi nổi, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm góp phần thắt chặt mối đại đoàn kết toàn dân tộc - đó là nhận định của nhiều người khi nói về các hoạt động nhân ngày hội đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc - kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2017).

Hồ Hòa Bình là trọng tâm phát triển du lịch của huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Tân Lạc - vùng đất Mường Bi nổi tiếng được biết đến là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường qua cuộc sống sinh hoạt, nhà sàn, trang phục dân tộc, hát ru, bọ meẹng, hát đúm; thông qua những truyền thuyết Đẻ đất, đẻ nước, tráng đồng với nhiều nội dung sâu sắc.

Nhịp sống mới ở thôn Bùi Trám

(HBĐT) - Với tổng số 141 hộ, 699 nhân khẩu, thu nhập của 77% hộ chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt nhưng đến nay, bình quân thu nhập ở thôn Bùi Trám (xã Hoà Sơn - Lương Sơn) đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1% theo tiêu chí mới.

Pháp trao huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Đặng Thanh Tùng

Tối 5-12, tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã diễn ra Lễ trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, do những đóng góp của ông vào cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục