Du lịch Hà Nội đang vào mùa cao điểm. Phần lớn các khách sạn bốn, năm sao trên địa bàn đang "cháy phòng"; những sản phẩm du lịch truyền thống tại Thủ đô như: tham quan các di tích, tham quan, xem biểu diễn nghệ thuật tại khu vực phố cổ... đã bắt đầu quá tải. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm, những điểm đến mới mang đậm dấu ấn du lịch Thủ đô để tiếp tục có những bước đột phá trong thu hút khách du lịch.
Vở diễn
thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái
Tuần Châu - Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Tạo điểm nhấn về thương hiệu
Buổi chiều, nhất là dịp cuối tuần, tuyến đường vào xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) vốn bình yên nay trở nên tấp nập với những đoàn ô-tô chở khách. Nhiều người trong số đó đến Sài Sơn để xem vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Khu Du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội (thuộc Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội). Khi bóng tối bao trùm lên vùng đất dưới chân núi Thầy, vở diễn bắt đầu. Trên nền "sân khấu nước", khung cảnh yên bình của làng quê Bắc Bộ hiện ra, những chàng trai, cô gái tái hiện những công việc, cảnh sinh hoạt ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ như: đánh cá, tát nước, những tiếng ru con à ơi của người mẹ... hay những cảnh đồng áng, trò chơi dân gian, hội làng... Cảnh sinh hoạt của người dân làng quê trở nên sống động, hấp dẫn hơn khi được cộng hưởng bởi ánh sáng, la-ze, âm nhạc và sân khấu trên mặt nước rộng 4.300m2. Khán giả chưa hết ngỡ ngàng trước hình ảnh những đóa sen "mọc" lên từ dưới nước khi xuất hiện hình ảnh Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lại tiếp tục bị lôi cuốn trước cảnh tòa thủy đình, với phiên bản tương đương tòa thủy đình ở chùa Thầy cũng "từ dưới nước chui lên". Với nhiều khán giả, điểm nhấn lại là màn các sĩ tử "lều chõng" đi thi. Những bước chạy bằng guốc mộc của các sĩ tử đã tạo nên một giai điệu vui tươi, rộn rã. Có người lại mê mẩn với hình ảnh bốn cô gái duyên dáng trong tà áo tứ thân từ bức tranh "Tứ bình" bước ra sân khấu. Anh Nguyễn Văn Minh ở phố Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi sinh ra ở nông thôn, nhưng hôm nay hết sức ấn tượng trước những cảnh lao động, sản xuất đời thường được tái hiện bằng những hoạt cảnh nghệ thuật. Hôm nay, tôi đưa con trai đi xem và cháu rất thích thú trước những trải nghiệm mới lạ về văn hóa truyền thống".
Ngay khi ra đời, nhiều hãng lữ hành đã coi vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" như một giải pháp giúp họ giải tỏa băn khoăn khi lựa chọn "buổi tối xem gì" cho khách du lịch ở Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội Hoàng Kim Thành cho biết: "Từ lâu, công ty đã trăn trở làm thế nào để có một chương trình nghệ thuật xứng tầm với văn hóa Việt Nam, để trở thành một chương trình nghệ thuật đặc trưng dành cho khách du lịch khi đến Hà Nội. Bởi vậy, công ty đã dành nhiều công sức để xây dựng vở diễn thực cảnh đầu tiên với sự tham gia của hơn 200 diễn viên, trong đó có 70% là nông dân xã Sài Sơn, để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng Bắc Bộ".
Hà Nội giàu tiềm năng du lịch, nhưng lâu nay, sản phẩm du lịch vẫn chỉ quẩn quanh với các tua tham quan khu phố cổ, tham quan các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như rối nước, hát ca trù... trên địa bàn vẫn chưa xứng tầm. Khắc phục nhược điểm này, Sở Du lịch Hà Nội tích cực phối hợp các cơ quan, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng, đổi mới các sản phẩm du lịch mang thương hiệu văn hóa của Thủ đô. Vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" là một thí dụ điển hình. Tháng 10-2017, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đưa vào khai thác sản phẩm "Truyền thống hiếu học". Sản phẩm này kết hợp giới thiệu giá trị di sản, truyền thống khoa cử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và những tác phẩm nghệ thuật về truyền thống hiếu học tại Bảo tàng Mỹ thuật. Tua du lịch còn hứa hẹn sẽ "đánh thức" 20 nghìn tác phẩm của nền mỹ thuật Việt Nam giàu truyền thống.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của khu phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như Công ty Viettravel Hà Nội ra mắt các tua tham quan miễn phí kết hợp đi bộ với chủ đề: Sáng sớm cùng người dân Thủ đô, Lãng mạn Hồ Tây, Trải nghiệm cuối tuần cùng giới trẻ Thủ đô...; triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; triển khai phố đi bộ bên hồ Tây... để thu hút khách du lịch.
Tập trung đầu tư cho nhân lực và hạ tầng
Năm 2017, Hà Nội đã đón gần 19 triệu lượt khách du lịch trong nước và 4,95 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Con số này thật sự ấn tượng nếu so với năm 2015, khi thành phố mới đón 3,3 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2017, các hãng truyền thông, tạp chí du lịch uy tín như: Business Insider, Discovery, TripAdvisor, Telegrap... đã bình chọn Hà Nội đứng thứ ba trong tổng số 20 điểm được nhiều người mơ ước đến thăm nhất thế giới, top 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, thành phố có ẩm thực tuyệt vời hàng đầu thế giới... Nếu nhìn vào những thống kê ấy, không thể thấy hết được những khó khăn mà du lịch Hà Nội trải qua, từ hạn chế trong các sản phẩm, môi trường, hạ tầng, cũng như nhân lực... Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được thành phố thông qua năm 2012 đã đưa ra một số dự báo chưa chính xác, chẳng hạn, đến năm 2030, Hà Nội đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, dẫn đến một số bất cập khác trong đầu tư, chuẩn bị hạ tầng. Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo" đã được ban hành ngày 26-6-2016. Nghị quyết đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với thương hiệu Thủ đô, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, xây dựng những chính sách hỗ trợ du lịch... Nghị quyết đã tạo xung lực mới trong hoạt động du lịch, thể hiện cụ thể là các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn đã tích cực xây dựng, đổi mới các sản phẩm du lịch thể hiện đặc thù của địa phương.
Đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết: "Xác định điều làm nên ấn tượng, chất lượng của du lịch không chỉ ở người làm du lịch chuyên nghiệp như những nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên tua, mà còn phụ thuộc từ nhiều đối tượng như người bán hàng, lái xe, cư dân địa phương... cho nên trong thời gian qua, Sở Du lịch tập trung bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, nâng cao nhận thức của cộng đồng, qua đó, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp hơn, hoặc giúp cộng đồng phối hợp các hãng lữ hành phục vụ tốt nhu cầu của khách". Năm 2017, đã có 34 lớp bồi dưỡng, tập huấn được tổ chức tại các địa phương có tiềm năng du lịch như: thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), thôn Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên), xã Cổ Loa (huyện Ðông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), xã Mê Linh (huyện Mê Linh), xã Hương Sơn (huyện Mỹ Ðức)... Những lớp bồi dưỡng giúp cho người nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng để phục vụ khách du lịch. Sở Du lịch cũng tổ chức bồi dưỡng kỹ năng du lịch cho đội ngũ lái xe, cho thuyết minh viên tại điểm du lịch, bồi dưỡng về ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên các trung tâm, cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch...
Việc liên tục "cháy phòng" khách sạn bốn, năm sao là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Hà Nội, song cũng là bất cập cần được khắc phục. Hiện, hầu hết khách sạn bốn, năm sao ở trung tâm Thủ đô đều đã có khách đặt kín phòng hết quý I năm 2018. Để giải bài toán này, từ nay đến năm 2020, sẽ có 20 khách sạn bốn, năm sao được xây dựng, với công suất khoảng 20.000 phòng. Hiện, thành phố đang đôn đốc để một số dự án lớn như: Công viên văn hóa du lịch, vui chơi Kim Quy, Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia... hoàn thành đúng tiến độ; triển khai quy hoạch làng cổ Đường Lâm; chuẩn bị đưa vào hoạt động phố đi bộ Trịnh Công Sơn bên hồ Tây... Thành phố cũng tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai một số dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên (huyện Ba Vì); Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)... Cùng với đó là quyết liệt thực hiện xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh; xử lý nghiêm các trường hợp "chặt chém", tạo dựng hình ảnh thân thiện với khách du lịch thông qua xây dựng các đội tình nguyện viên hỗ trợ khách. Với những đổi mới nêu trên, năm 2018, dự kiến thành phố sẽ đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 75,8 nghìn tỷ đồng.
TheoNhandan
(HBĐT) - Năm 2017, trên địa bàn tỉnh tổ chức 59 lễ hội, trong đó, 6 lễ hội quy mô cấp huyện và 53 lễ hội cấp xã, xóm. Sở VH-TT&DL trình UBND tỉnh cho phép phục dựng 4 lễ hội truyền thống: Lễ hội Gầu Tào, xã Pà Cò (Mai Châu); lễ hội Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi (TP Hoà Bình); lễ hội Cầu Mường, xã Mường Chiềng (Đà Bắc); lễ hội Mường Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Liên quan đến những thắc mắc của khán giả về vé xem Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2018, đại diện Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (đơn vị sản xuất chương trình) cho biết, Táo quân 2018 là chương trình không bán vé. Thay vào đó, ban tổ chức sẽ chỉ có số lượng hạn chế giấy mời xem các buổi ghi hình.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 cho biết, năm nay, lễ hội sẽ được tổ chức với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ siết chặt công tác quản lý, để đảm bảo mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.
(HBĐT) - Xã Mông Hóa từ lâu đã được coi là "cái nôi” văn hóa Mường huyện Kỳ Sơn. Với người Mường trên địa bàn chiếm 70%, đời sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng với nỗ lực gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống, xã Mông Hóa đang lưu truyền nhiều giá trị đặc trưng của dân tộc Mường, đặc biệt là văn hóa chiêng.
Năm 2017 vừa qua có thể nói là một năm điện ảnh Việt Nam khởi sắc, đón nhận nhiều tin vui. Không chỉ có những tiến bộ về hành lang pháp lý phát triển điện ảnh, mà chất lượng phim chiếu rạp cũng được nâng cao theo thị hiếu khán giả, dòng phim truyền hình sau nhiều năm im ắng cũng đã thu hút khán giả trở lại.
(HBDT) - Ngày 17/1, Công ty CP đầu tư Du lịch Hòa Bình đã khai trương tour du lịch tâm linh và trải nghiệm du thuyền Hồ Hòa Bình.