(HBĐT) - Mùa xuân, đất trời như nở hoa, nơi nơi nắng ấm ngập tràn, chim chóc hót ca, cây lá căng tràn nhựa sống như thôi thúc bước chân du khách. Giữa tiết xuân ấm áp, khách du xuân thong dong thưởng ngoạn, thỏa thích tìm về những điểm đến thiên nhiên kỳ thú và đón nhận những tình cảm của người dân vùng Mường Hòa Bình hồn hậu và nồng nàn.


Du ngoạn vẻ đẹp non nước vùng hồ Hòa Bình

Còn gì thú bằng trong tiết xuân phơi phới, trên những chuyến tàu thẳng tiến từ cảng Bích Hạ du sơn, ngoạn thủy, chiêm ngưỡng cảnh đẹp hồ sông Đà. Tựa như bức tranh non nước, vùng hồ Hòa Bình trải rộng tới tận chân trời, mây núi như hòa quyện soi bóng xuống hồ và phía xa xa là cơ man những hòn đảo lớn, nhỏ. Với nhiều người, vẻ đẹp lòng hồ Hòa Bình chẳng thua kém vịnh Hạ Long. Ngoài việc thư thái ngắm cảnh hồ, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi trên những đảo du lịch xinh đẹp.

Hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Việt Nam có dung tích gần 9,5 tỷ m3 nước, trải rộng trên các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Nơi đây có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất. Cùng với xu thế phát triển du lịch, một số hòn đảo như đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối xay gió đã được đầu tư trở thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Đặc biệt, đảo Dừa thuộc xã Thung Nai (Cao Phong) thu hút rất đông khách du xuân nhờ sự độc đáo của những ngôi nhà sàn theo kiến trúc cổ của người Mường cùng các hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, bơi thuyền, đốt lửa trại… Du khách còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa, trong đó không thể thiếu đặc sản cá sông Đà…

Kể từ tháng 5/2017, với sự đầu tư của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, một công viên nước bơm hơi có quy mô lớn nhất Việt Nam đã chính thức khai trương tại xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Đây là khu vui chơi lý tưởng đối với khách du xuân lòng hồ. Công viên có 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước. Du khách đến đây có thể trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như thuyền bơm hơi, cano, thuyền Kayak, bè mảng, chèo thuyền tôn, câu cá… đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi.


Nên thơ và kỳ vĩ một góc vùng hồ Hòa Bình.

Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, vùng hồ Hòa Bình là tài nguyên vô giá, được tỉnh kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch, từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia, một trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh và 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường gắn với hệ sinh thái vùng hồ. Với những giá trị du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo cho du khách những ấn tượng sâu đậm khó quên về Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Khám phá các bản làng du lịch cộng đồng

Du khách đến Hòa Bình thường ghé thăm các bản làng du lịch cộng đồng. Làng Mường xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) là điểm du lịch hấp dẫn bởi nơi đây là ngôi làng Mường cổ nhất của tỉnh còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống. Điểm nổi bật tạo nên sức hút cho bản là những nếp nhà sàn cổ có kiến trúc theo mô hình con rùa đã được ghi chép trong cuốn sử thi nổi tiếng "Đẻ đất, đẻ nước”. Đến đây, du khách có thể đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ, dừng chân tại bất cứ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu văn hóa bản Mường, trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như xôi nếp nương, cỗ lá, cá suối đồ và say trong men rượu cần, cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức màn biểu diễn văn nghệ dân gian trong tiếng chiêng, tiếng sáo.


Bản Lác (Mai Châu) là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, nơi du khách khám phá nét đẹp của các cô gái Thái bên khung cửi mùa xuân.

Một điểm đến hấp dẫn du khách là bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Du khách đến đây phần nhiều để thăm thú, dạo chơi, tìm hiểu nghề dệt, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân trong bản. ở đây, bà con cũng rất chu đáo và chuyên nghiệp về dịch vụ du lịch, khách đến thăm bản nghỉ lại tại các homestay sạch sẽ, nhiều tiện ích. Mỗi tối, tại bản thường diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại mang tính cộng đồng sâu sắc. Vào ngày lễ, Tết, du khách còn được trải nghiệm, vui chơi, hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái khi tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, ném còn, "keng loóng”…

Còn nhiều bản, làng du lịch cộng đồng thu hút du khách trong chuyến du xuân như bản Văn, bản Bước của huyện Mai Châu hay các bản Ké – xã Hiền Lương, xóm Đá Bia – xã Tiền Phong (Đà Bắc), bản Ngòi – xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), bản Sát Thượng – xã Tự Do (Lạc Sơn)… đang mời gọi những bước chân khám phá.

Đến với mùa lễ hội

Mùa xuân cũng là mùa của những lễ hội lớn nhất trong năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, một lượng lớn du khách thăm quan, chiêm bái từ bốn phương đổ về đất Mường Hòa Bình. Những điểm đến du lịch tâm linh phải kể đến là đền Chúa thác Bờ, lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) và một số lễ hội ấn tượng khác như Khai Hạ - Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Chanh ở Vĩnh Đồng (Kim Bôi), lễ hội đánh bắt cá Lỗ Sơn (Tân Lạc)…

Nhắc đến các lễ hội văn hóa tâm linh trước tiên phải kể đến lễ hội đền Bờ bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Đây là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng. Vào dịp đầu năm, đền Bờ thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến lễ bái, thăm quan, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Tương tự ở xã Phú Lão (Lạc Thủy) có một điểm du lịch tâm linh hút khách du xuân, đó là chùa Tiên – Mẫu Đầm Đa. Khu du lịch này gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp, nằm ở bên kia sườn dãy núi Hương Sơn, chùa Hương. Ngoài quần thể danh thắng, đây còn là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Lễ hội chính của chùa Tiên được tổ chức trong 3 ngày, từ mồng 4 – 6 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Đến với các lễ hội này, du khách cảm nhận sâu sắc sự thư thái, hoà mình vào chốn linh thiêng tĩnh tại. Sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên và tín ngưỡng giúp du khách dứt bỏ ưu phiền, tìm về chốn bình yên, thanh thản trong tâm hồn.

Những lễ hội đặc sắc khác thiên về lễ hội dân gian, mang tính cộng đồng cũng để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách, đó là lễ hội Khai hạ Mường Bi hay còn gọi là lễ Xuống đồng, Lễ Mở cửa rừng được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội là sự khởi đầu một năm mới, là dịp để người dân vùng Mường tỏ lòng tôn kính các vị thần linh, cầu mong cho xóm, làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương, trở thành nơi giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Cùng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội có các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc như bắn nỏ, đẩy gậy, đánh mảng, bản âm, hát đối… trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu các món ăn ẩm thực của người Mường… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cổ vũ.

Ngày nay, việc thư giãn, tận hưởng, khám phá những điều mới mẻ đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Trong kỳ nghỉ Tết, nhu cầu này càng thôi thúc, tăng cao với mỗi người và du xuân trên các "điểm đến” Hòa Bình là những địa chỉ hấp dẫn, thú vị. Hòa vào sắc xuân tươi đẹp của miền non nước vùng hồ Hòa Bình, những điểm đến giàu sắc thái, mang giá trị nhân văn đa dạng, phong phú trong cộng đồng dân cư các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao cùng những lễ hội và phong tục độc đáo nơi đây sẽ khiến du khách ngỡ ngàng, chuyến du xuân đến với Hòa Bình thêm ý nghĩa.

 

Bùi Minh


Các tin khác


Ngày Xuân nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ

(HBĐT) - Như đã thành lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Bác Hồ đều có thơ gửi tặng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Mỗi vần thơ của Bác như những lời khích lệ, động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương, đất nước. Còn nhớ, bài thơ chúc Tết, mừng Xuân đầu tiên của Bác Chúc Tết Nhâm Ngọ - 1942 được Bác viết sau một năm về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, giữa lúc chiến tranh thế giới đang ở thời kỳ ác liệt, dân ta còn dưới ách áp bức bạo tàn của phát xít Nhật và thực dân Pháp, nhưng những lời thơ của Bác năm đó như một sự báo hiệu mùa xuân cách mạng đang tới:

Nhộn nhịp thị trường hoa, cây cảnh ngày Tết

(HBĐT) - Không quá lời nếu nói thiếu đào, quất hay hoa tươi dường như Tết chưa đến trọn vẹn. Cũng chính ví vậy chơi hoa, đi chợ hoa ngày Tết trở thành thú vui tao nhã không thể thiếu đối với mỗi hộ gia đình dịp tết đến, xuân về.

Dẻo thơm những chiếc bánh làm từ…hạt gạo

(HBĐT) - Từ những bông lúa, hạt gạo chắc mẩy, trắng trong được chọn lựa kỹ càng sau mỗi mùa thu hoạch, người người, nhà nhà dùng để tạo ra những loại bánh thơm ngon mang hương vị đậm đà và rất đỗi đặc biệt của làng quê. Và cứ thế, cứ vậy, những chiếc bánh dẻo thơm được làm từ hạt gạo trở thành thứ ẩm thực khó thể thiếu trong cuộc sống mỗi gia đình.

Tết của giới trẻ ngày nay

(HBĐT) - Khi tiết trời se lạnh, hoa mận, hoa đào bắt đầu khoe sắc cũng là một năm cũ sắp qua, năm mới đến. Tiết trời vẫn vậy, ngày Tết vẫn thế chỉ khác trong quan niệm đón Tết của giới trẻ hiện nay. Những người trẻ đã và đang đón Tết truyền thống theo cách mới hiện đại và nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Một số xu hướng đón Tết được giới trẻ lựa chọn như: đơn giản các tập tục phức tạp, đi du lịch, chụp ảnh vào ngày xuân…Những xu hướng đón Tết mới, hiện đại của giới trẻ nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống của Tết Việt.

Công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(HBĐT) - Ngày 12/2, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và trao quyết định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục