(HBĐT) - Về thăm Hòa Bình vào những ngày xuân, ai nấy được hòa mình vào tiếng chiêng rộn rã của những lễ hội đầy bản sắc văn hóa, thưởng thức các món ăn dân tộc và nhâm nhi bên vò rượu cần trong ngôi nhà sàn. Không chỉ có vậy, nơi đây còn níu chân du khách bằng những điệu múa Sạp nồng say, khiến ai đã từng đắm chìm với nó hẳn sẽ không thể nào quên.


Múa Sạp trở thành hình thức giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc. ảnh chụp tại xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - NSưT Bùi Chí Thanh cho biết: "Hiện nay, chưa có nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nào xác định được múa sạp ra đời từ bao giờ, thế nhưng trong sinh hoạt của người dân tộc Mường từ thuở xa xưa đã xuất hiện những trò chơi, điệu múa như vậy. Sau đó những điệu múa ấy được lưu truyền qua các thế hệ, phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng khắp”.

Múa sạp đến với những con người lớn lên trên vùng đất Hòa Bình rất tự nhiên. Trải qua nhiều năm tháng, những điệu nhảy sạp đã ăn sâu vào tiềm thức của con người nơi đây. Có những giá trị văn hóa tồn tại một cách đặc biệt như thế nên cũng dễ hiểu tại sao múa sạp lại là điệu múa đặc trưng và rất phổ biến của người dân tộc Mường.

Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có 2 cây to, thường là cây vầu, thẳng và dài làm sạp cái cùng nhiều cặp sạp con bằng tre hay nứa, đường kính từ 3-4 cm, dài từ 3-4 m được người dân sáng tạo thành đạo cụ, tạo âm thanh, tiết tấu múa. Bên cạnh đó, các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cung tên, khăn thổ cẩm, khăn lụa cũng được người dân đưa vào trong điệu múa. Đàn ông thì múa sạp với cung tên, phụ nữ múa sạp với quạt, khăn lụa. Tùy thuộc vào từng nơi, từng thói quen canh tác và sinh hoạt mà người dân lựa chọn đạo cụ múa sạp sao cho phù hợp.

Về thăm xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), nơi còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường. ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải cho biết: "Nét đặc trưng trong múa sạp là hai bên nam nữ trong điệu nhảy phải cân đối. Theo quan niệm của người xưa thì sự cân đối này giống như thái cực âm - dương. Trong đời sống tâm linh của người Mường, âm - dương hài hòa như vậy thì mới được mùa. Với tư duy lưỡng phân lưỡng hợp và tư duy phồn thực của người xưa bao giờ cũng mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no ấm”.

Quan niệm về tính cân bằng, hòa hợp nên điệu múa sạp cũng tuân theo những quy tắc nhất định. Đội múa chia ra 1 tốp đập sạp và 1 tốp múa. Mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động. Tuy nhiên, dù đông đến đâu thì số lượng nam, nữ luôn cân bằng nhau. Bên nam múa thì động tác cần khỏe mạnh, thể hiện sự dũng mãnh, bên nữ uyển chuyển, nhẹ nhàng và động tác lăng tay, chân nhảy phải đều. Điệu sạp đòi hỏi người múa phải cảm nhận âm nhạc, động tác tay chân phải hòa quyện vào nhau trở thành một điểm thống nhất.

Múa sạp ngày xưa không có nhạc nền như bây giờ, tất cả đều được diễn xướng bởi tốp có sạp. Một tốp có sạp đặc trưng bao gồm các đôi trai gái, mỗi đôi trai gái ngồi 2 đầu. Một cặp sạp con và gõ nhịp theo nhịp 4-4. Cứ 3 lần gõ sạp con vào cái thì 1 lần gõ 2 sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát. Với tốp múa, họ sẽ nghe theo tiếng hát và tiếng sạp rồi lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp. Mỗi người cầm một chiếc khăn màu, dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp. Tất cả đều phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp vào chân. Cứ hai tốp gõ sạp và nhảy múa, thay nhau trong tiếng chiêng, trống nhịp nhàng sôi động. Cuộc vui cuốn hút mọi người hào hứng, say sưa.

Theo thời gian, múa sạp bổ sung thêm nhạc nền, dựa trên nhạc phương Tây để thay cho lời hát cổ. Nhưng nhịp điệu của người nhảy sạp vẫn tuân theo tiếng dập sạp của người gõ sạp. Trong điệu múa, yếu tố âm dương phải thống nhất với nhau, vừa tách ra nhưng phải vừa thống nhất. Tất cả sự hòa quyện đó đã tạo nên vẻ đẹp của làn điệu múa sạp, vì vậy không chỉ là một làn điệu mà nó là cả một thế giới quan cổ của người dân tộc Mường.

Múa sạp của người Mường xuất phát từ trò chơi dân gian đơn giản mà đến nay đã trở thành nghệ thuật múa. Khởi đầu là trò chơi đập chày, đập gậy. Trải qua quá trình phát triển, nghệ thuật múa sạp ngày càng phong phú, sinh động, hàm chứa tính nghệ thuật cao.

ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải (xã Phong Phú, Tân Lạc) cho biết thêm: Theo quá trình di cư, người Mường sống gần hơn với những dân tộc khác, múa sạp đã trở thành một hình thức giao lưu văn hóa. Điệu múa đơn giản, dễ học nhưng sôi động, đã làm cầu nối giữa các dân tộc anh em.

Dưới mái nhà sàn, bên con suối, âm thanh của điệu múa sạp vẫn vang lên khi những người bạn nơi xa xôi tìm đến. Điệu múa đã đi qua bao nhiêu đời người, thăng trầm với bao nhiêu biến động giờ đây đang rộn ràng trong tiếng cười vui, tiếng hồ hởi sum vầy, sẽ còn mãi với bản làng, với núi rừng Tây Bắc, mãi mãi đại diện cho cái đẹp của miền non cao hùng vĩ.

Hoàng Anh


Các tin khác


“Những sứ giả thời gian” tái hiện nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - "Đây là một mảnh cuốc đá, được phát hiện tại bờ sông Chương thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc vào năm 1975... Đây là rìu tứ giác, khai quật tại di chỉ hang Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc năm 1973... Đây là rìu mài lưỡi, khai quật tại hang Chổ, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn năm 1998... Những công cụ này có thể dùng chặt, đập ốc, nạo quả, xẻ thịt động vật hay đào xới đất, săn bắt động vật... hiệu quả hơn dùng sức tay gấp nhiều lần, cải thiện năng suất lao động rõ rệt”... Theo lời giới thiệu của chị Bùi Thị Thiện Tân - cán bộ Bảo tàng tỉnh, tôi say sưa ngắm nhìn từng hiện vật đá được trưng bày trong không gian sống động và ấm cúng. Có trên 300 hiện vật đá được trưng bày tại đây. Chúng đang trở thành "những sứ giả thời gian” tái hiện giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình.

Hàng nghìn du khách thập phương về dự lễ hội Đền Trần Thái Bình

Tối 28/2 (tức 13 tháng Giêng), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ và lăng mộ các vua Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Hà đã tổ chức khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2018.

Huyện Lạc Thủy báo công dâng Bác và thăm quan trưng bày “Sưu tập tiền Việt Nam qua các thời kỳ”

(HBĐT) - Ban tổ chức lễ hội và du lịch huyện Lạc Thủy vừa tổ chức lễ báo công dâng Bác và thăm quan trưng bày "Sưu tập tiền Việt Nam qua các thời kỳ” tại khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng ở xã Cố Nghĩa.

Hội xuân Văn hóa – Thể thao huyện Kỳ Sơn xuân Mậu Tuất

(HBĐT) - Sáng ngày 27/2, tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Kỳ Sơn, UBND huyện đã tổ chức khai mạc Hội xuân Văn hóa – Thể thao huyện Kỳ Sơn xuân Mậu Tuất. Tham dự ngày hội có 10 đoàn với hơn 300 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn toàn huyện.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI xuân Mậu Tuất 2018

(HBĐT) - Ngày 25/2, tại Trung tâm Văn hóa xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, câu lạc bộ Thơ – ca tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI xuân Mậu Tuất 2018.

Bình yên của vàng mã

Nhiều người bảo rằng, khi đốt vàng mã, họ thấy yên lòng. Tôi biết rằng, trong khi nhiều người thích tìm bình yên khi nhìn ngọn lửa đồ mã bập bùng thiêu cháy đi tiền triệu; thì cũng có những người, yên bình có được khi phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi còn sống, khi phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm chủ hiện tại; nhiều người tìm yên bình trong tâm, bằng sống hướng thiện, bằng cách sẻ chia sự yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn khác trong xã hội…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục