(HBĐT) - "Đây là một mảnh cuốc đá, được phát hiện tại bờ sông Chương thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc vào năm 1975... Đây là rìu tứ giác, khai quật tại di chỉ hang Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc năm 1973... Đây là rìu mài lưỡi, khai quật tại hang Chổ, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn năm 1998... Những công cụ này có thể dùng chặt, đập ốc, nạo quả, xẻ thịt động vật hay đào xới đất, săn bắt động vật... hiệu quả hơn dùng sức tay gấp nhiều lần, cải thiện năng suất lao động rõ rệt”... Theo lời giới thiệu của chị Bùi Thị Thiện Tân - cán bộ Bảo tàng tỉnh, tôi say sưa ngắm nhìn từng hiện vật đá được trưng bày trong không gian sống động và ấm cúng. Có trên 300 hiện vật đá được trưng bày tại đây. Chúng đang trở thành "những sứ giả thời gian” tái hiện giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình.


Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật đá thuộc nền Văn hóa Hòa Bình trưng bày tại Bảo tàng.

Chị Tân giới thiệu: Đặc trưng nhất của nền Văn hóa Hòa Bình là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội. Bằng sự kết hợp các thủ pháp kỹ thuật chẻ - bổ, đập - bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa, cư dân nền Văn hóa Hòa Bình đã tạo ra nhiều loại công cụ như: 1/4 viên cuội, hình đĩa, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, công cụ mài lưỡi, cuốc đá, rìu có nấc có vai... Ngoài ra, họ còn biết tạo một số công cụ từ mảnh tước của hạch đá và công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai. Đó đều là những công cụ thô sơ, mang đậm những giá trị của một nền văn hóa tiền sử độc đáo.

"Văn hóa Hòa Bình được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) và thời đại đá mới (Văn hóa Bắc Sơn)” – chị Tân nhấn mạnh và say sưa giới thiệu: Trong các hang động và mái đá của Hòa Bình, người ta đã tìm thấy nhiều loại hình công cụ được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Cũng giống như Văn hóa Sơn Vi, công cụ của người Hòa Bình hầu hết đều làm bằng đá cuội. Nhưng nếu như ở Văn hóa Sơn Vi, chủ nhân của nó chỉ biết ghè đẽo ở rìa viên cuội và giữ lại cả hai mặt vỏ cuội thì đến giai đoạn Văn hóa Hòa Bình, con người đã biết ghè đẽo rộng lên cả mặt viên cuội. Họ thường ghè đẽo một mặt viên cuội, còn một mặt giữ nguyên vỏ cuội. Đó là dấu hiệu cho thấy Văn hóa Hòa Bình là sự phát triển cao hơn, trên nền kỹ thuật ghè đẽo của Văn hóa Sơn Vi.

Bên cạnh góc trưng bày các hiện vật đá thuộc thời đại đá cũ, là góc trưng bày "Mỹ thuật trong Văn hóa Hòa Bình” - nơi chứng minh rằng hoạt động nghệ thuật của chủ nhân Văn hóa Hòa Bình đã xuất hiện. Dấu tích còn lại trong các di chỉ tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ thuyết phục bất cứ du khách nào đặt chân đến đây để tìm hiểu. Nếu nhìn kỹ từng hiện vật, khách thăm quan có thể thấy một số hình khắc trên đá hay những họa tiết trang trí trên đồ xương. Chủ yếu là các hoa văn hình học như vạch song song, vòng tròn đồng tâm hay hình vẽ đơn giản như sóng nước, răng lược, xương cá... Bên cạnh nghệ thuật, cư dân Văn hóa Hòa Bình đã có khái niệm về thẩm mỹ. Họ biết sáng tạo ra các đồ trang sức đơn giản, rất sinh động để làm đẹp. Từ những mảnh xương, con ốc, họ đã biết sơ tác, khoan tạo lỗ, xuyên dây để làm vòng tay, vòng cổ, hoa tai rất tinh tế và đẹp mắt.

Nếu như những hiện vật sinh động kia vẫn chưa thể giúp bạn hình dung một cách rõ ràng đời sống sinh hoạt của người tiền sử thuộc nền Văn hóa Hòa Bình thì khu vực "Mô hình hang động” nhất định sẽ làm được điều đó. Tại đây, Bảo tàng tỉnh đã tái hiện một phần cuộc sống của người nguyên thủy trong Văn hóa Hòa Bình, mô phỏng dựng lại một hang động mà người nguyên thủy đã cư trú. Theo đó, cư dân Văn hóa Hòa Bình đã có ý thức trong việc lựa chọn nơi cư trú – tức là các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, nơi sẵn nguyên liệu đá cuội để chế tác công cụ lấy từ các sông, suối chảy qua thung lũng. Trong mỗi hang thường có 20 – 30 người cư trú, chia nhỏ ra các nhóm 5 – 6 người chung một bếp trong hang. Đây chính là "bức tranh” hiện thực đã hoàn thành xuất sắc vai trò kể chuyện của nó. Rằng, cách ngày nay hàng vạn năm đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ đại rực rỡ mang tên Văn hóa Hòa Bình.

Được biết, nằm trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm "85 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình”, năm 2017, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các giá trị tiêu biểu của nền Văn hóa Hòa Bình. Điểm nhấn nổi bật nhất là hàng trăm hiện vật đá, vốn được coi "những sứ giả của thời gian” đã tồn tại qua hàng vạn năm, mang trong mình dấu ấn đậm đặc của Văn hóa Hòa Bình - một nền văn hóa tiền sử luôn đầy sức hút và chứa đựng những giá trị bí ẩn trường tồn với thời gian.

Thu Trang

 

Văn hóa Hòa Bình được nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani phát hiện, nghiên cứu và đặt tên từ những năm 1926 - 1931. Đến năm 1932, tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ I họp tại Hà Nội, Văn hóa Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hóa này. Đây là nền văn hóa tiền sử có niên đại khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm.


Các tin khác


Bình yên của vàng mã

Nhiều người bảo rằng, khi đốt vàng mã, họ thấy yên lòng. Tôi biết rằng, trong khi nhiều người thích tìm bình yên khi nhìn ngọn lửa đồ mã bập bùng thiêu cháy đi tiền triệu; thì cũng có những người, yên bình có được khi phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi còn sống, khi phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm chủ hiện tại; nhiều người tìm yên bình trong tâm, bằng sống hướng thiện, bằng cách sẻ chia sự yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn khác trong xã hội…

Vang mãi làn điệu dân ca đất mường

(HBĐT) - Được nhen lên từ những ngọn lửa nhiệt huyết mang khát vọng tiếp nối, gìn giữ để thế hệ mai sau biết đến nguồn cội, biết đến câu dân ca mà ông cha trao truyền lại, để hôm nay, đồng bào Mường đã và đang ngân lên những điệu xường, những câu hát thường rang… vang vọng đầy mê hoặc.

Khai mạc lễ hội Khai Hạ Mường Bi năm 2018

(HBĐT) - Ngày 23/2 tức mồng 8 tết âm lịch, UBND xã Phong Phú huyện Tân Lạc tổ chức lễ hội Khai Hạ Mường Bi năm 2018 tại xóm Lũy, xã Phong Phú huyện Tân Lạc. Đến dự có đại diện lãnh đạo Huyện Ủy, UBND huyện, các sở, ban ngành trong tỉnh, cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện.

Đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Đền Cây Si

(HBĐT) - Ngày 23/2 (tức ngày 8/1), huyện Lạc Sơn tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Đền Cây Si, xã Liên Vũ. Đến dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài huyện.

Hàng vạn người đến tham dự lễ hội Mường Động

(HBĐT) - Sáng ngày 23/2 (tức ngày mồng 8 tháng Giêng), tại khu vực cánh đồng trung tâm xã Vĩnh Đồng, UBND xã Vĩnh Đồng(huyện KIm Bôi) đã tổ chức Lễ hội Mường Động xuân Mậu Tuất.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Mường

(HBĐT) - Không quá cầu kỳ với mâm cao, cỗ đầy, tiền bạc, quần áo, ngựa xe… nhưng thờ cúng tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Mường khi Tết đến, xuân về. Cũng vì lẽ đó, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa khó phai mờ đối với những người con của đất, của Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục