(HBĐT) - Chống chếnh, phiêu diêu, muốn cười, muốn hát… cảm xúc thăng hoa đó đến với tôi khi cùng những người bạn thưởng thức rượu Mai Hạ - thứ rượu được làm từ men lá - món quà quý của núi rừng Mai Châu. Cảm xúc đó đã nâng bước chân tôi đến với Mai Hạ - Mai Châu, thủ phủ của những giọt nồng đắng đót này.


 Bà Vì Thị Tồn, xóm Chiềng Hạ chuẩn bị các khâu để chưng cất rượu men lá Mai Hạ.

Người đầu tiên tôi gặp là Chủ tịch UBND xã Mai Hạ Khà Thái Sàu. Dù đang bận rộn với công việc cuối năm nhưng anh vẫn dành cả tiếng đồng hồ để giới thiệu về nghề rượu và đưa tôi đi thăm cơ sở sản xuất rượu có tiếng của Mai Hạ. Chẳng là chính quyền và nhân dân trong xã đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để được xét công nhận xóm Chiềng Hạ là "Làng nghề truyền thống nấu rượu Mai Hạ”trong năm 2018.

Tiết trời khá lạnh nên ông Ngần Văn Hùng - chủ cơ sở sản xuất rượu Mai Hạ đón chúng tôi với vò rượu cần và bầu rượu quý được ngâm với mật ong cùng hạt quả óc chó. Cùng nhâm nhi hương vị cay nồng của rượu, ông Hùng kể về nghề làm rượu của gia đình.

Không biết bí quyết nấu rượu bằng men lá có từ bao giờ nhưng từ thủa nhỏ, ông Hùng đã được xem những người mẹ, người chị trong cùng chòm xóm xay, nghiền, nhào nặn, ủ men và chưng cất nên những giọt rượu thơm lừng, trong vắt. Trước đây, việc nấu rượu chủ yếu để dùng dịp lễ, Tết, cưới hỏi trong mỗi gia đình. Đến khoảng những năm 1990, rượu Mai Hạ bắt đầu được bán ra thị trường. Vì là rượu đặc sản, được chưng cất từ men lá nên giá bán khá cao (theo trí nhớ của ông Hùng thì mỗi chai rượu loại nửa lít thời ấy được bán với giá 3 đồng, đủ để mua 1 con gà hoặc 1 kg thịt lợn). Hương nồng của rượu bay xa, nhu cầu thị trường ngày càng lớn, gia đình ông Hùng đã nắm bắt cơ hội này phát triển nghề gia truyền, tăng thêm nguồn thu nhập.

Gắn bó với nghề nấu rượu đã hơn 20 năm, bà Vì Thị Tồn- vợ ông Hùng chia sẻ: Kỳ công nhất của rượu Mai Hạ là công đoạn làm men. Loại men này cần tới hơn hai chục loại lá, củ, quả như: riềng dại, gừng, nhòng nhạnh, cú đin, bưởi, ổi, hồng bì… Tất cả được hái ở rừng về, rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ, rây thành bột đem trộn với bột sắn khô, ngô và đậu tương đã được đồ chín rồi đem ủ. Thời gian ủ rượu khoảng từ 20 - 25 ngày thì đưa ra chưng cất. Đó là rượu trắng đóng chai, còn với rượu cần Mai Hạ thì thời gian ủ dài hơn, khoảng 2 tháng mới cho ra thành phẩm. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng người làm phải tuân thủ đúng quy trình và chọn lựa nguyên liệu thật kỹ. Sắn được sấy khô và để lâu ngày sẽ giảm bớt độc tố, cho ra những giọt rượu trong và không có vị đắng. Cái rượu ủ càng lâu càng ngấu, càng được rượu và hương thơm càng quện. Nhưng, thứ quyết định hương vị, độ thơm ngon của rượu vẫn là ở tỷ lệ các loại lá, củ, quả làm men. Điều này chỉ người có nghề mới làm được.

Không trực tiếp nấu rượu, nhưng ông Hùng là người đo nồng độ rượu chuyên nghiệp để giúp vợ cất được những mẻ rượu ngon. Theo giới thiệu của ông Hùng, sản phẩm rượu truyền thống của Mai Hạ thường từ 40 - 50 độ. Rượu có màu trong suốt, vị thơm nồng đặc trưng của men lá, uống ngon hơn khi để lạnh.

Một lần nữa tôi lại có cảm giác phiêu diêu theo hương rượu nồng Mai Hạ. Đưa chúng tôi thăm khu nhà xưởng sản xuất rượu, ông Hùng chia sẻ: Gia đình đang tu sửa, nâng cấp một số hạng mục để bố trí gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, không gian để ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ du khách.

Thời gian qua, cơ sở sản xuất rượu Mai Hạ của gia đình ông Hùng đã đón hàng trăm lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm và mua sản phẩm ngay từ nơi chưng cất. Đều đặn mỗi tuần có 3 - 5 đoàn khách du lịch từ bản Bước, xã Xăm Khòe, bản Lác, xã Chiềng Châu, bản Lọng, xã Vạn Mai… ghé qua để thưởng thức rượu Mai Hạ. Mới đây, ông Hùng đã nhận lời đề nghị hợp tác từ trang trại đông trùng hạ thảo Herbal King Mai (xã Thung Khe, huyện Mai Châu) cung cấp nguồn rượu ngâm với đông trùng hạ thảo làm sản phẩm du lịch phục vụ du khách. "Được lời như cởi tấm lòng”, ông Hùng đang góp sức cùng làng xã "chắp cánh” cho thương hiệu rượu Mai Hạ bay xa.

Bên chén rượu nồng men lá, Chủ tịch UBND xã Khà Thái Sàu chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào vì đã chọn được một sản phẩm đặc trưng rượu Mai Hạ để theo kịp lộ trình của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020”. Hơn thế, với 45 hộ gia đình đang duy trì nghề nấu rượu, xóm Chiềng Hạ đã hội tụ đủ các điều kiện để làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Chiềng Hạ là làng nghề nấu rượu truyền thống.

Tôi đã cảm nhận được niềm vui chung và thực sự cảm thấy thăng hoa khi thưởng thức những giọt nồng men lá - rượu Mai Hạ. Mong xuân đến sớm, để cây lá nảy lộc, đâm chồi, để men lá sinh sôi, giúp người phụ nữ Thái xã Mai Hạ chưng cất nên những giọt nồng say đắm.

 

                                                                                  Thúy Hằng

 

Các tin khác


Tự hào bản sắc dân tộc Mường trong không gian văn hóa Việt

(HBĐT) - Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km đi về phía đại lộ Thăng Long, Làng Văn hóa - Du lịch (VH- DL) các dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành "ngôi nhà chung” rộng lớn và quần tụ của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Trong không gian văn hóa có một không hai đó của cả nước, không gian văn hóa dân tộc Mường đã thể hiện vẹn nguyên những giá trị độc đáo nhất, đáng tự hào nhất, mang đậm hơi thở của đất và người với tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan”, góp phần tạo nên một cộng đồng đặc sắc cùng mang dòng máu Việt.

Đặc sắc làn điệu páo dung của “người ở rừng”

(HBĐT) - Trong những chuyến công tác về các bản Dao, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người chân chất, khéo tay, hay nói cười. Ấn tượng hơn cả là các bản làng này thường nằm trong khu rừng trù phú. Thế nên, nhiều người vẫn ví von gọi họ với cái tên "người ở rừng”, ý nói về nơi sinh sống cũng như ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Dao. Nếu ai đó từng bị mê hoặc bởi những câu hát thường, hát đối của người Mường thì giai điệu, làn điệu Páo Dung của người Dao như một bản nhạc du dương giữa đại ngàn.

Sức sống Di sản văn hóa Mo Mường

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.

Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Tản mạn xung quanh bộ chữ Mường

(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục