(HBĐT) - Hòa Bình được biết đến là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trên địa bàn tỉnh nhiều dân tộc cùng chung sống lâu đời, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%, dân tộc Kinh chiếm 27,73%, dân tộc Thái chiếm 3,9%, dân tộc Dao chiếm 1,7%, dân tộc Tày chiếm 2,7%, dân tộc Mông chiếm 0,52%, các dân tộc khác chiếm 1,18%. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú từ tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống… Trong đó, nghệ thuật trình diễn dân gian bao gồm: âm nhạc, múa hát, diễn xướng dân gian… tạo nét riêng đặc sắc trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.


Nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh, xóm Dụ 6, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) cùng đội văn nghệ tập luyện đánh chiêng chuẩn bị cho các buổi biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh ta có 786 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc, trong đó nghệ thuật trình diễn dân gian kiểm kê 36 di sản của các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông, nhiều nhất là của dân tộc Mường với gần 30 loại hình. Hiện nay, nghệ thuật trình diễn dân gian được lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng, thường biểu diễn trong những ngày lễ, Tết, ngày hội của bản, làng.

Nói đến nghệ thuật trình diễn dân gian không thể không nói đến nghệ thuật chiêng Mường được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Âm thanh cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của đồng bào Mường trong tỉnh. Chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với Mường trời. Âm thanh của chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông, suối, hòa quyện với nhịp sống của mỗi người dân bản Mường. Chiêng được sử dụng linh hoạt, tuỳ theo từng công việc, nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc, song chủ yếu được sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc chiêng to, nhỏ khác nhau - biểu thị của 12 tháng trong năm, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Âm thanh khi bổng khi trầm tạo thành bản nhạc chiêng khi vui tươi, lúc trầm ấm.

Khi biểu diễn, đội hình chơi chiêng thường được sắp xếp theo hàng dọc, hình tròn hoặc xếp theo hàng ngang. Có thể đánh chiêng tại chỗ hoặc vừa đi vừa đánh. Ngày xuân, chiêng theo phường sắc bùa chúc Tết, mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà. Chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma. Chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội Xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về ước nguyện ấm no... Cứ thế, chiêng được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường.

Gặp nghệ nhân chiêng Nguyễn Thị Sinh, xóm Dụ 6, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) lúc bà cùng đội văn nghệ xóm tập hát, múa chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ ở xã. Bà Sinh chia sẻ: Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường rất phong phú, đa dạng. Cùng một loại hình nhưng ở mỗi vùng Mường lại có cách thể hiện khác nhau. Ví như trong đánh chiêng, khi tiếng chiêng cất lên có thể biết đó là ở vùng Mường Bi, Mường Vang hay Mường Thàng, Mường Động. Điệu múa Mường ở mỗi vùng lại sáng tác ra nhiều bài khác nhau… Vào dịp Tết, trong làng, ngoài xã rộn vang tiếng chiêng, chị em đội văn nghệ trong trang phục dân tộc uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu múa, tạo không khí vui vẻ, hân hoan chào đón xuân về. Những bài hát, điệu múa dân tộc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của bà con.

Trưởng phòng VH-TT huyện Mai Châu Hà Thị Hòa cho biết: Địa bàn huyện là nơi sinh sống tập trung của đồng bào Thái và đồng bào Mông. Các dân tộc đều lưu giữ và phát huy những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng như dân tộc Thái có hát khắp, khèn bè; dân tộc Mông có múa khèn, thổi sáo… Với đồng bào Mông, điệu múa nổi tiếng nhất là múa khèn. Trong ngày lễ, Tết, cùng với những trò chơi dân gian thì không thể thiếu điệu múa khèn. Múa khèn được coi là linh hồn của người Mông để truyền tải, thổ lộ tâm tư, nguyện vọng. Người múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ điệu đẹp. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn..., còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm. Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực. Tiếng khèn buồn khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ.

Đồng bào Mường có chiêng, bọ mẹng, múa Mường, múa Sênh Tiền, múa Chằm Đuống, múa Bông, hát ví, hát đúm giao duyên…; đồng bào Thái có hát khắp, khèn bè, thổi sáo…; đồng bào Dao có múa chuông, múa trống… Mỗi dân tộc đều có những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đậm bản sắc, trở thành di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tinh thần to lớn trong đời sống. Nét đặc sắc của nghệ thật trình diễn dân gian đó là được hình thành từ chính cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân. Từ lối ứng khẩu, không theo quy luật được nhân cách hóa thành làn điệu, văn vần mà có điệu hát ví, hát đúm giao duyên. Từ hoạt động lao động sản xuất trồng bông, dệt vải được nhân cách, sân khấu hóa mà thành điệu múa duy trì, phát triển đến ngày nay… Mạch ngầm văn hóa dân gian đã nuôi dưỡng, phát triển để các loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tỉnh ta đã triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh giai đoạn 2018 – 2030. Một trong những mục tiêu của Đề án là hoàn thành phân loại, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh: Tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình phong tục, tín ngưỡng lễ hội dân gian truyền thống; tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian (dân ca thường đang, bọ mẹng, dân nhạc, dân vũ, mo, trượng, mỡi, mùn, then, khắp, nghệ thuật chiêng, sắc bùa, múa các dân tộc…); tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ…); tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình tri thức dân gian (tri thức về lịch tiết, xem ngày tốt xấu, các loại lịch dân tộc, tri thức về canh tác, tri thức về quản lý cộng đồng, quản lý gia đình... ), góp phần ngăn chặn sự mai một các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.


Bà con dân tộc Thái Mai Châu biểu diễn điệu keeng loóng trong ngày hội xuân.

 Hát đối giao duyên tại ngày hội - điểm nhấn trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).

 

                                                                           Vũ Hà

 


Các tin khác


Xuân trên những nẻo đường Tây Bắc

(HBĐT) - Nhiều người chia sẻ: Tây Bắc vốn đã đẹp thì vào mùa nào cũng đẹp. Nhưng đặc biệt vào mùa xuân, ai đã trót yêu thì đừng lỗi hẹn với Tây Bắc. Bởi, vẫn một Tây Bắc hùng vĩ và khoáng đạt như vốn thế, nhưng tiết xuân khiến vùng đất ấy vừa như được vuốt ve để trở nên lãng mạn và tinh tế hơn, vừa như được trút thêm men say để trở nên thật thăng hoa, thú vị. Vậy nên, ngay trong mùa xuân này, xin đừng ngần ngại, hãy đi theo tiếng gọi của mùa xuân và có những trải nghiệm tuyệt vời trên những nẻo đường Tây Bắc.

Tự hào bản sắc dân tộc Mường trong không gian văn hóa Việt

(HBĐT) - Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km đi về phía đại lộ Thăng Long, Làng Văn hóa - Du lịch (VH- DL) các dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành "ngôi nhà chung” rộng lớn và quần tụ của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Trong không gian văn hóa có một không hai đó của cả nước, không gian văn hóa dân tộc Mường đã thể hiện vẹn nguyên những giá trị độc đáo nhất, đáng tự hào nhất, mang đậm hơi thở của đất và người với tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan”, góp phần tạo nên một cộng đồng đặc sắc cùng mang dòng máu Việt.

Đặc sắc làn điệu páo dung của “người ở rừng”

(HBĐT) - Trong những chuyến công tác về các bản Dao, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người chân chất, khéo tay, hay nói cười. Ấn tượng hơn cả là các bản làng này thường nằm trong khu rừng trù phú. Thế nên, nhiều người vẫn ví von gọi họ với cái tên "người ở rừng”, ý nói về nơi sinh sống cũng như ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Dao. Nếu ai đó từng bị mê hoặc bởi những câu hát thường, hát đối của người Mường thì giai điệu, làn điệu Páo Dung của người Dao như một bản nhạc du dương giữa đại ngàn.

Sức sống Di sản văn hóa Mo Mường

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.

Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục