(HBĐT) - "Trời rét thế này được quàng chiếc khăn thổ cẩm dày dặn, điệu đà thật là ấm mà vẫn rất đẹp. Nhìn chị em các dân tộc xúng xính váy áo truyền thống, rực rỡ khăn quàng, cạp váy thổ cẩm cùng nụ cười rạng rỡ tựa hoa đào, hoa mai bung nở mà như thấy mùa xuân gõ cửa núi rừng Hòa Bình. Thế là Tết này mình đã có đồ đẹp để du xuân” - Vừa háo hức chọn mua chiếc khăn thổ cẩm, Bích Hà người con gái Hà Thành có nhiều duyên nợ với đất Mường vừa vui vẻ chuyện trò. 


Các sản phẩm của làng nghề mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) được người tiêu dùng yêu thích.


Chị Hà Thị Xuyến, Trưởng làng nghề xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) se sợi tơ tằm phục vụ nghề dệt. 

Từng là sinh viên chuyên ngành Dân tộc học, được tìm hiểu, nghiên cứu nên Hà yêu lắm mảnh đất Hòa Bình đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Mông, Dao. Do vậy cô thu xếp thời gian để tham dự trọn vẹn các sự kiện diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện đó là Liên hoan ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống của tỉnh.

Chưa bao giờ những làng nghề tiêu biểu của các địa phương lại có dịp hội tụ đầy đủ cùng "khoe tài, đua sắc” các sản phẩm tinh xảo, sắc nét đến thế. Chẳng vậy mà các gian hàng luôn nhộn nhịp, ở đó có không ít du khách các tỉnh, thành phố say mê văn hóa dân tộc như cô nàng Bích Hà.

Nói về nghề truyền thống không thể không nói tới làng nghề dệt thổ cẩm của các bản Thái, Mường, Mông, bởi không chỉ tạo ra việc làm, thu nhập cho đông đảo chị em mà còn là nơi lưu giữ nét văn hóa tinh tế, nơi thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ. Có vần thơ duyên dáng: "Em ngồi bên khung dệt/Tay đan sợi chỉ hồng/Con thoi đưa theo nhịp/Nắng trời tràn mênh mông/Thổ cẩm dài thêm mãi/In vầng trăng lưỡi liềm/Cánh hoa văn mầu tím/Núi giăng thành mờ xanh”.

Chẳng có gì thú vị hơn khi được bỏ lại bộn bề công việc cùng những lo toan cuộc sống để lang thang trong các làng nghề mà tận hưởng không gian thanh bình cùng cái đẹp, sự tinh tế qua các sản phẩm chứa đựng bao công sức, tâm huyết của những người thợ. Cuối năm, các làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu và xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) tiếng lách cách thoi đưa như rộn rã, hối hả hơn. Khách đến thăm quan, mua hàng tăng đáng kể. Từ lâu, người phụ nữ Thái đã biết trồng dâu, nuôi tằm, xe sợi để tự dệt vải may mặc và tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: vỏ chăn, gối, cạp váy, đệm nằm, đệm ngồi, khăn... phục vụ cuộc sống thường ngày và làm tặng phẩm của người con gái khi về nhà chồng.

Đôi tay thoăn thoắt xe sợi tơ tằm vàng óng, chị Hà Thị Xuyến, Trưởng làng nghề xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) chia sẻ: Giờ đây không còn bó hẹp phục vụ cuộc sống, thổ cẩm đã trở thành hàng hóa, ngày càng vươn xa tới thị trường trong, ngoài tỉnh. Thực hiện Dự án tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo nông thôn, xóm được đầu tư trồng dâu, nuôi tằm để phát triển nghề dệt. Năm 2016, xóm Nhót được UBND tỉnh công nhận là "Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” đã mở ra cơ hội để nghề phát triển theo hướng gắn với du lịch và thương hiệu sản phẩm, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống của người Thái Mai Châu.

Nâng niu tấm vải thêu dệt kỳ công, chúng tôi được nghe chị em giới thiệu: Thổ cẩm thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc Thái. Hoa văn thêu, dệt rất đa dạng, thường là phác họa hình ảnh hoa lá, cây cối, các con vật, đan xen hài hòa với đường diềm. Hoa văn thổ cẩm luôn được kết hợp tinh tế, thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên.

Cùng với làng nghề xóm Nhót, trong tỉnh còn có các làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo, tiện lợi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của phụ nữ các dân tộc Mường, Thái, Mông như làng nghề: Chiềng Châu, Pà Cò Con (Mai Châu), làng nghề xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn), xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc). Trong tiết thời lạnh giá, được ngắm nhìn, lựa chọn những chiếc chăn, gối, đệm, rồi thì khăn quàng, mũ, ví, túi... rực rỡ sắc màu thổ cẩm mà thấy lòng ấm áp, náo nức đón xuân sang.

Chia tay làng nghề dệt, chúng tôi tìm đến làng nghề mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Tất bật với đơn hàng cuối năm và chuẩn bị sản phẩm tham gia các hội chợ, Tuần lễ Văn hóa- Du lịch... nhưng gương mặt các chị em luôn rạng rỡ nụ cười. Mặc dù nghề đã có từ lâu nhưng chỉ nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu. Từ cuối năm 2017 chính thức được công nhận làng nghề mây tre đan xóm Bui đã giúp nghề phát triển cả về quy mô, chất lượng với sản phẩm phong phú, mẫu mã bắt mắt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhìn bà Bùi Thị Sành, Chủ nhiệm HTX mây tre đan và cũng là người của làng nghề xóm Bui say sưa giới thiệu  các mặt hàng: ấm ủ, mâm đựng bát đĩa, cơi trầu, các loại giỏ, lẵng... tôi cảm nhận được sự tự hào, tâm huyết của người phụ nữ Mường với một nghề truyền thống. Từ những vật liệu thô sơ, đơn giản, bằng sự khéo léo, tinh tế, họ đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, đậm bản sắc dân tộc.

Hiện, làng nghề mây, tre đan xóm Bui có khoảng 70 hộ tham gia, tạo việc làm ổn định cho hơn 350 lao động với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm như: ớp khọ, lọ hoa, khay, mâm, giỏ... được tỷ mẩn làm từ đôi tay mềm mại, dẻo dai của các mẹ, các chị được nhiều người ưa thích. Đặc biệt sản phẩm đã vươn xa tới các thị trường khó tính như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... mang lại doanh thu từ nghề truyền thống khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Lựa chọn mua đèn treo trang trí và hộp đựng bánh kẹo để sử dụng trong dịp Tết, tôi thầm trân quý sự sáng tạo, công phu của những người thợ và mong nghề ngày càng phát triển, có thêm những sản phẩm độc đáo, hữu dụng làm quà tặng mỗi dịp đón xuân sang.

Với phương châm phát triển nghề truyền thống, làng nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, từng bước hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại đầu mối ở nông thôn và xây dựng các làng nghề văn hóa, du lịch, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo những cơ sở có lợi thế sẵn có, các gia đình làm nghề chủ động bố trí, sắp xếp lao động, cơ cấu lại ngành nghề, chuyển từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ ngành nghề. Nhiều HTX, hộ gia đình năng động nắm bắt nhu cầu thị trường để đầu tư, tạo nên các sản phẩm đặc trưng như: thêu dệt, may mặc, xây dựng, chạm khắc, chế tác, chổi chít, đồ mộc, sản xuất rượu truyền thống, rượu cần, nghề làm giấy dó… 

Hiện tại, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Có trên 800 hộ làm nghề và hơn 1.100 lao động tham gia trong các làng nghề. Hàng năm, các làng nghề đều xây dựng kế hoạch SX-KD bám sát tình hình phát triển KT - XH của địa phương và sản xuất các sản phẩm đậm bản sắc. Nổi bật là sản phẩm của làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn); làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy); làng nghề nấu rượu Mai Hạ (Mai Châu)... Sự phát triển đa dạng các nghề và làng nghề trong tỉnh đã góp phần nâng giá trị sản xuất ngành nghề vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, cơ khí nhỏ đạt 14,2%. Giá trị sản xuất ngành nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn đạt trên 12,4%. Giá trị sản xuất ngành nghề hàng thủ công mỹ nghệ đạt 31,38%. Đặc biệt, sản phẩm của các làng nghề có tính đặc trưng, bản sắc riêng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng NTM.


 Bình Giang

Các tin khác


Hân hoan đón chào mùa xuân mới

(HBĐT) - Khắp nơi trên quê hương Hòa Bình thân yêu của chúng ta đang náo nức đón mừng xuân mới. Hoa đào khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc. Niềm vui được nhân lên, xuân về, 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đang đến.

Sang Tây, thấy gì để học…

(HBĐT) - Tôi may mắn nhiều lần được đi học tập, công tác, nghiên cứu khoa học tại một số nước khắp 5 châu lục trên thế giới. Mỗi lần đi, đều để lại những bài học, kinh nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ, đều có thể áp dụng vào thực tiễn công việc hằng ngày, cũng như sự đổi thay trong cuộc sống, dù chỉ là những điều rất nhỏ. Chuyến đi Canada hồi tháng 7-2019 cũng không là ngoại lệ…

Khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa của Cơ sở A2, Báo Nhân Dân tại xã Lâm Sơn

(HBĐT) - Di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân tọa lạc trong dãy núi đá vôi thuộc khuôn viên của sân golf Phượng Hoàng, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1967 - 1972), Báo Nhân Dân đã xây dựng cơ sở dự phòng có mật danh A2 tại xóm Rổng Vòng do đội TNXP số 105 làm đường, dựng lán trại. Người dân địa phương gọi là hang Nhà báo.

Lan tỏa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

(HBĐT) - Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXĐSVH) trên địa bàn huyện Lạc Sơn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Với 5 nội dung, 7 phong trào được cụ thể hóa thể hiện tính toàn diện, bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả thực phong trào TDĐKXDĐSVH tác động mạnh tới sự phát triển KT-XH của địa phương.

Chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng, mừng Xuân”

(HBĐT) - Tối 16/1, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong), Tỉnh Đoàn phối hợp với Bệnh viện Medlatec, Huyện Đoàn Cao Phong cùng 1 số đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Canh Tý 2020.

Già làng, người có uy tín - vốn quý của cộng đồng

(HBĐT) - Bằng kinh nghiệm sống, uy tín và sự tâm huyết, những già làng, trưởng bản, người có uy tín không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở mà còn là vốn quý của cộng đồng để khơi dậy tình đoàn kết dân tộc và động lực trong lao động sản xuất, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.





Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục