(HBĐT) -  Tết cổ truyền đối với người Công giáo thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Tết là dịp để gia đình sum vầy, con cháu phương xa hội ngộ. Tết Nguyên đán còn là thời khắc thiêng liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui. Người Công giáo thể hiện chữ "hiếu” qua việc kính nhớ và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

 


Ông Ngô Văn Nhân, tổ 12, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chỉnh trang lại bàn thờ chúa để đón Tết Nguyên đán.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 21 nghìn tín đồ Công giáo gồm 6 giáo xứ, 54 giáo hội thuộc 3 giáo phận: Hà Nội, Phát Diệm và Hưng Hóa. Tín đồ Công giáo phân bố ở 72 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 12 linh mục, 3 tu sỹ, 19 nữ tu (thuộc các Dòng tu: dòng tu Vinh Sơn, dòng tu Thiên An, dòng tu thánh Phaolo (thuộc dòng Giáo hoàng); dòng tu Mến thánh giá, dòng tu Nữ vương truyền giáo, tu đoàn tông đồ giáo sỹ Nhà Chúa (thuộc dòng Giáo phận)); có 173 chức việc; cơ sở thờ tự có 6 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ. Giáo dân luôn sống "tốt đời đẹp đạo”, "kính Chúa yêu nước”. Người Công giáo không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn vươn lên trong phát triển KT-XH. Lương - Giáo đoàn kết xây dựng quê hương Hòa Bình giàu mạnh.

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tới thăm các giáo xứ trên địa bàn tỉnh. Không khí đón xuân Canh Tý tràn đầy sắc màu tại tất cả giáo xứ từ Giáo xứ Hòa Bình cho tới Giáo xứ Đồng Gianh, Sì Riệc… Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các giáo xứ giờ đã đổi thay, nhà thờ được xây dựng khang trang, diễm lệ. Hộ gia đình Công giáo tiên phong trong phát triển kinh tế. Con đường vào giáo xứ được tô điểm bằng những hàng hoa lung linh sắc màu. Sau lễ Noel, giáo dân lại tưng bừng chuẩn bị đón Tết. Mọi người tạm gác lại mọi công việc trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên. Người phụ nữ tất bật với phiên chợ cuối năm, tỉ mỉ sắm sửa hoa tươi, quả ngọt dâng lên tổ tiên…

Ông Ngô Văn Nhân, tổ 12, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chia sẻ: Gia đình tôi có 7 người con, 15 cháu và 4 chắt. Con cháu đều đi làm ăn xa, chỉ có ngày Tết mới có thể tập trung, quây quần. Đã thành thông lệ, ngày 28 tết, trước sân nhà, vợ tôi thường chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt lợn, các loại gia vị sẵn sàng để con, cháu và các chắt cùng gói bánh. Sáng 29 Tết, tất cả con cháu trong gia đình đi tảo mộ để thắp hương cho ông bà, tổ tiên và cùng cầu nguyện. Đối với người Công giáo chỉ thắp hương tổ tiên bằng hoa tươi, quả tươi với ý nghĩa tôn kính và tưởng nhớ và biết ơn ông bà chứ không với ý nghĩa dâng hoa, quả để ông bà hưởng dùng. Chiều 30 Tết, tất cả giáo dân tới nhà thờ để cầu nguyện cảm ơn Chúa trời đã ban phước cho bản thân, gia đình một năm an lành, đồng thời gửi lên Chúa những tâm tình, ước vọng trong năm mới. Sau đó, chúng tôi trở về nhà, dành 15 - 20 phút để đọc kinh cầu nguyện tại gia cầu cho tổ tiên những người đã khuất được an lành. Kết thúc phần nghi lễ cầu nguyện, tất cả con cháu quây quần bên mâm cơm tất niên. Thông qua bữa cơm, tôi thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh gia phong, lễ giáo trong năm đối với con, cháu, chắt trong nhà. Các con cháu phải hòa thuận không được bất đồng, tránh xa những tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè để bước sang năm mới.

Linh mục Nguyễn Trung Thoại, Giáo xứ Hòa Bình cho biết: Đêm 30 Tết, bắt đầu từ tiếng chuông thứ nhất, khoảng 6 giờ tối, giáo dân trong giáo xứ đã tập trung đầy đủ tại Thánh đường để thực hiện Thánh lễ giao thừa. Ý nghĩa của Thánh lễ giao thừa là trao và nhận. Năm cũ trao lại năm mới nhận những điều tốt lành. Thánh lễ giao thừa sẽ kết thúc trước 23 giờ để giáo dân trở về đón giao thừa tại gia đình. Đối với người Công giáo, ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày có niềm vui đặc biệt trong năm. Tất cả giáo dân diện những bộ đồ đẹp nhất, trang trọng nhất với tâm hồn thư thái, hạnh phúc đến nhà thờ để bày tỏ lòng cảm ơn đức Chúa trời đã ban cho mình những điều tốt đẹp. Sáng mùng 1 Tết, giáo dân tụ hội về nhà thờ thực hiện Thánh lễ "minh niên” để cầu bình an trong năm mới. Sau khi thực hiện Thánh lễ, các giáo dân sẽ hái lộc xuân. Người Công giáo không hái lộc là cành non, chồi non mà "hái lộc lời Chúa”. 

Theo đó, lộc xuân chính là những lời hay, ý đẹp trích dẫn từ Kinh Thánh, được viết ra giấy treo trên cây hoặc đặt trên bàn để bà con giáo dân rút lộc. Lộc xuân được thực hiện theo chủ đề từng năm như: gia đình, yêu thương, sống phúc âm, tuổi trẻ và gia đình… Rút được lộc xuân, mỗi người sẽ mang về nhà đặt ở nơi trang trọng và lấy đó làm "kim chỉ nam" soi mình trong cuộc sống hàng ngày trong cả một năm. Lộc xuân được giáo dân đem về đặt tại nơi trang trọng trong nhà, coi đó như tôn chỉ mục đích sống tốt lành cho cả năm. Buổi chiều, mọi người đi chúc Tết ông bà, anh em trong họ. Mùng 2 Tết, là dịp để giáo dân tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất và còn sống. Người Công giáo tưởng nhớ, biết ơn ông bà bằng việc đọc kinh, dâng việc lành phúc đức để cầu nguyện cho ông bà. Không chỉ có vậy, người Công giáo còn đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ với tâm niệm con cái luôn có hiếu với cha mẹ, vâng lời cha mẹ khi cha mẹ không còn minh mẫn những người con phải tận tình chăm sóc cha mẹ lúc ốm đâu, bệnh tật. Vào mùng 3 Tết, người Công giáo chúng tôi lại dành những lời cầu nguyện tốt nhất cho công việc làm ăn trong năm mới.

Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ trọng của người Công giáo, đây là dịp để giáo dân đọc kinh cầu nguyện dâng lên Chúa trời, tổ tiên với niềm tin về một năm mới an lành, hạnh phúc.

                                                                                      Thu Thủy


Các tin khác


Một chuyện Tết xưa

(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp! 

Sắc hoa xuân rực rỡ

(HBĐT) - Không ở đâu, Tết đến sớm như ở các vùng trồng hoa. Bởi trước Tết vài tháng, các vùng này đã nhộn nhịp vào vụ trồng hoa bán Tết. Từng cây hoa được chăm sóc, nâng niu cẩn thận để sao cho hoa tươi thắm, rược rỡ nhất. Chúng tôi có cơ hội dạo quanh những vùng trồng hoa và các cửa hàng bán hoa để cảm nhận không khí sôi động mà đằm thắm đó…

Tết ấm ở Mường Bi

(HBĐT) - Chỉ còn 1 tuần nữa, cả nước sẽ đón chào năm mới Canh Tý 2020. Trong những ngày này, trên các nẻo đường của vùng đất cổ Mường Bi (Tân Lạc) không khí đón Tết đã ngập tràn. Công tác chuẩn bị cho năm mới diễn ra sôi động và ấm áp.

Nồng đượm hương “rượu trời”

(HBĐT) - Màu vàng nâu tựa hổ phách. Sóng sánh như mật. Thơm ngọt lạ như loài hoa lan nơi rừng sâu... Dù không phải là người thích uống rượu nhưng chỉ qua vài nét phác thảo sơ sơ của ông Hà Văn Phời, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (Đà Bắc) về loại "rượu trời” mà người dân may mắn có được từ những chuyến đi rừng, chúng tôi đã cảm giác như say trong hương nồng của thứ rượu quý...

Sắc xuân ở một bản họ Hà

(HBĐT) - 1. Khoan hãy nói đến cái mới lạ ở bản này, ta hãy tìm hiểu xem tại sao bản chỉ có một họ. Đúng là chỉ có một họ quần tụ những thế hệ máu mủ, quấn quýt xum vầy từ nhiều thế kỷ trước đến giờ. Điều đó đã là một sự lạ. Nếu như ở nhiều bản khác là sự hội tụ của nhiều dòng họ khác nhau từ muôn phương đến, thì bản Bước duy nhất chỉ dòng họ Hà Văn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục