(HBĐT) - Hát đối hay còn gọi là hát ví, hát đúm - một hình thức sinh hoạt văn hóa đã có từ thuở "Đẻ đất, đẻ nước” của đồng bào Mường. Trong nhịp sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật khác mà hát đối đã không còn giữ được sức sống mạnh mẽ như xa xưa. Tuy nhiên, những câu hát tràn đầy ý thơ, thể hiện sự đối đáp khéo léo vẫn là món ăn tinh thần đầy hấp dẫn ở các Mường trong tỉnh.
Hát đối là sinh hoạt văn hóa đặc sắc diễn ra trong đời sống thường ngày của người Mường. Ảnh chụp tại xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn).
Hát đối, thực chất là một cuộc trò chuyện, đối đáp trong đời sống hằng ngày của người Mường. Không gian diễn ra hát đối có thể là ở trên nương, rẫy, trong mái nhà sàn hay bất kỳ nơi đâu. Sự khác biệt ở đây là những lời tâm tình, truyện trò đó được "phổ nhạc” nên có âm điệu, có vần nhịp và khiến người ta "say" nhau. Xưa kia, ở mỗi bản Mường đều có những người hát đối giỏi, được dân làng yêu mến, kính trọng, thậm chí tôn sùng. Thế mới có chuyện, mỗi khi trong xóm có hội hè, lễ tết thì những cây hát sẽ được săn đón. Tiêu chí đánh giá người hát hay, hát đối giỏi cũng khá khắt khe, ngoài sở hữu giọng hát ngọt ngào trời phú thì người đó còn phải thật hoạt ngôn, với những câu hát có vần, nhịp như những câu thơ. Vì sự hấp dẫn của hát đối mà ở các bản Mường, xưa kia có không ít những cuộc hát thâu đêm, suốt sáng. Nhiều người vì say mê tiếng hát của nhau mà nên vợ thành chồng.
Cụ Bùi Thị Ưu, xóm Rên, xã Gia Mô, huyện Tân Lạc sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xóm Mùi, xã Phú Cường – một trong những cái nôi đã nuôi dưỡng nhiều cây hát đối nổi tiếng của vùng Mường Bi rộng lớn. Theo lời cụ kể, từ khi lên năm, lên sáu tuổi, tuổi thơ của cụ đã được "tắm” trong những câu hát đối thắm đượm ân tình. Khi đó, hát đối trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những dịp lễ, tết và những việc trọng đại của mỗi gia đình trong thôn, bản. Càng nghe càng thấm thía và kính phục những đàn anh, đàn chị, rồi tự lúc nào những câu hát đối đã "nhảy nhót” trong tâm trí của những đứa trẻ ở bản Mường. Lên chín, lên mười bắt đầu hát đối, rồi mười bốn, mười năm tuổi bắt đầu hát giao duyên. Đến tuổi mười tám đôi mươi, trong dịp cụ đi tham gia dân công mở đường đã tình cờ gặp gỡ và phải lòng người chồng vì tiếng hát hay. "Khi gặp người hát giỏi, câu hát có lý, có tình, có vần điệu thì muốn muốn hát thâu đêm, suốt sáng với nhau. Qua những câu hát mà hiểu tư tưởng, tình cảm của nhau. Còn những người hát hay nhưng lại không có lý (lý ở đây chỉ sự nhanh nhạy trong đối đáp – PV) thì cuộc hát sẽ không kéo dài, không thu hút được người nghe”, cụ Ưu chia sẻ.
Vần, điệu để tạo ra những câu hát hay, nghe xuôi tai thực chất là cách gieo vần giống như thể thơ lục bát. Nghĩa là tiếng thứ 6 của câu sáu chữ phải vần với tiếng thứ 6 của câu tám chữ. Các nghệ nhân dân gian cũng áp dụng nguyên tắc này để sáng tác những bài hát Mường. Ví như bà Bùi Thị Xuân, xóm Vôi, xã Liên Vũ nhiều năm qua đã sáng tác hàng chục bài hát Mường. Trong cuốn sổ ghi chép lại hàng chục bài hát của bà Xuân, chúng tôi đều nhận thấy rõ, nếu không "phổ nhạc” theo làn điệu dân ca Mường thì đây đều là những bài thơ được sáng tác theo thể thơ lục bát. Trong bài Hội đu Mường Vôi mà bà Xuân sáng tác, có thể nhận thấy rõ việc áp dụng nguyên tắc trên: "Cổ truyền đu hội dân gian/ Vọng vang khúc hát với làn điệu xưa/ Xuống đồng cầu nắng, cầu mưa/ Dân làng sung túc, chiêm mùa bội thu”. Hay trong bài dân ca Mường nổi tiếng, ca khúc "Mời trầu", sự mềm mại xuyên suốt trong bài hát cũng đến từ cách gieo vần hết sức khéo léo. Ngay câu mở đầu bài hát đã thể hiện rõ chất thơ đó: "Vào vườn hái quả cau xanh/ Mang về bổ tám, mời anh ăn trầu...".
Chất thơ trong hát đối không chỉ thể hiện qua nguyên tắc sáng tác nhiều tương đồng đối với thể thơ lục bát, mà còn được thể hiện qua những hình ảnh được lãng mạn hóa hay những phép tu từ mà những cây hát ở các bản Mường khéo léo sử dụng. Trong đó, chủ đề hát giao duyên thể hiện rõ nhất cách mà trai gái Mường khéo léo để sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ để nói lên tình cảm của mình. Ví dụ, trong câu hát đối của mình, chàng trai đã mượn hình ảnh đèn kì (đèn dầu) để ngầm bộc lộ tình cảm với cô gái: "Xin phép cái bóng đèn kì/ Chớ cho quá lứa, lỡ thì mà khơi (khơi nghĩa là tiếc nuối).
Tóm lại, chính cách gieo vần mềm mại và sử dụng các phép tu tình tinh tế đã tạo ra sức hấp dẫn cho những câu hát đối của người Mường. Dù hát đối đã dần mai một nhưng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao, hát đối vẫn là lối sinh hoạt được bà con người Mường ưa chuộng. Đặc biệt, trong những ngày vui xuân, đón Tết, những câu hát đối sẽ lại vang ở các bản Mường và trong các lễ hội dân gian đầu xuân.
Viết Đào
(HBĐT) - Nghề làm giấy dó của người Mường ở xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa - nay là xã Cao Sơn (Lương Sơn) tuy chưa thành lập làng nghề, chỉ mới thành lập tổ sản xuất, nhưng với niềm đam mê nghề truyền thống, những nghệ nhân vẫn tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề của cha ông để lại, từng bước "hồi sinh” cho giấy dó.
Siêu phẩm "Parasite" của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho là tác phẩm không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt giải phim xuất sắc trong lịch sử Oscar.
(HBĐT) - Năm Kỷ Hợi 2019 có lẽ là một năm khá bận rộn và cũng để lại nhiều cảm xúc với các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp ở tỉnh Hòa Bình. Đó là bởi có đến 5 cuộc trưng bày, triển lãm ảnh được tổ chức trong tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi cuộc thi, mỗi đợt triển lãm là dịp để các nhà nhiếp ảnh thể hiện tay nghề, góc nhìn nghệ thuật, tạo nên những kiệt tác làm say đắm lòng người.
(HBĐT) - Ông Bùi Huy Vọng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường cho biết: Người Mường quan niệm, Thành Hoàng làng là vị thần bảo trợ cho làng Mường yên lành, vị thần cai quản, che chở và định đoạt cho dân làng. Thành Hoàng thường là người có công với dân bản trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, những người có công khai khẩn mở đất, truyền dạy nghề, hướng dẫn dân làng cách làm ăn, hay đó là lang đạo giữ yên đất Mường hoặc có thể là người chết thiêng. Vì vậy, Thành Hoàng được thờ phụng trong đình, đền, miếu, trong dòng họ, gia đình ngày Tết cổ truyền nhưng chủ yếu vẫn là thờ tại đình làng.
(HBĐT) - Mâm cỗ lá - ẩm thực đặc sắc nhất mang hương vị núi rừng Hòa Bình được xem là nét văn hóa ẩm thực sơ khai của người Mường được lưu giữ đến nay.
(HBĐT) - Hướng tới mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.